Tin vui đầu năm
Ít ngày trước đây, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao Biên bản ghi nhớ (MOU) đầu tư giữa Tập đoàn Yadea (Hồng Kông, Trung Quốc) và Công ty cổ phần Lideco 1, chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Tân Hưng. Theo MOU được ký kết, Yadea sẽ xây dựng một nhà máy sản xuất, lắp ráp xe máy điện tại Khu công nghiệp Tân Hưng, với quy mô dự kiến khoảng 2 triệu xe/năm.
Dự kiến, với tổng vốn đầu tư 100 triệu USD, Yadea sẽ xây dựng nhà máy trên diện tích khoảng 23,3 ha, bắt đầu từ quý II/2023. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ tạo việc làm cho khoảng 3.500 lao động.
Theo chia sẻ của ông Rong Wen You, Tổng giám đốc, đại diện của Yadea, cùng với việc thực hiện dự án đầu tư, Tập đoàn sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu xe máy điện tại Khu công nghiệp Tân Hưng.
Đó là một thông tin đáng mừng đối với Bắc Giang nói riêng và cả Việt Nam nói chung trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), khi năm 2023 vừa bắt đầu. Thậm chí, không chỉ là dự án này, ngay ngày 2/1, tức là vẫn đang trong dịp nghỉ Tết Dương lịch, UBND tỉnh Bắc Giang đã trao chứng nhận đăng ký đầu tư và MOU cho hai nhà đầu tư.
Cụ thể, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được trao cho Ingrasys Pte.Ltd (Singapore) để triển khai Dự án Nhà máy công nghệ chính xác Fulian. Dự án dự kiến được xây dựng trên diện tích 49,6 ha, chuyên sản xuất linh kiện điện tử, máy vi tính và thiết bị truyền thông…
Trong khi đó, MOU với Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh Bắc Giang được trao cho nhà đầu tư Hainan Longi Green Energy Technology Company Limited để triển khai Dự án Sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời, với quy mô công suất 3.500 MW/năm. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được triển khai ngay trong quý I/2023.
Hai dự án trên có tổng vốn đầu tư khoảng 761 triệu USD, một con số không nhỏ.
Nếu cả 3 dự án ở Bắc Giang sớm được hiện thực hóa theo kế hoạch, thì ngay trong những tháng đầu năm, Bắc Giang đã có thể thu hút được gần 900 triệu USD, qua đó đóng góp vào kết quả thu hút FDI của Việt Nam trong năm 2023.
Nhiều tín hiệu mới cho thấy, dòng vốn đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan... vào Việt Nam tiếp tục gia tăng trong năm 2023. Ảnh: H.T. Đồ họa: Đan Nguyễn |
Kỳ vọng tăng tốc
Việt Nam đã kết thúc năm 2022 với kết quả thu hút FDI chưa thật sự tích cực. Dù vốn giải ngân đạt mức kỷ lục, với hơn 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021, nhưng vốn đăng ký chỉ đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với năm 2021.
Tuy nhiên, theo ông Đỗ Văn Sử, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, tình hình có thể khả quan hơn trong năm 2023. “Chúng tôi dự tính, thu hút FDI năm 2023 có thể đạt 36-38 tỷ USD, còn vốn giải ngân đạt khoảng 22-23 tỷ USD”, ông Đỗ Văn Sử nói.
Nếu cả 3 Dự án ở Bắc Giang sớm được hiện thực hóa theo kế hoạch, thì ngay trong những tháng đầu năm, Bắc Giang đã có thể thu hút được gần 900 triệu USD.
Theo phân tích của ông Sử, việc Trung Quốc mở cửa nền kinh tế có thể tác động đến thu hút FDI của Việt Nam. “Ở khu vực, Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư hàng đầu, do vậy, khi họ mở cửa, vốn sẽ chảy vào thị trường này, hạn chế vào Việt Nam và các nền kinh tế khác trong khu vực. Nhưng ngược lại, sự dịch chuyển vốn đầu tư của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… khỏi Trung Quốc sẽ được đẩy nhanh hơn. Sự dịch chuyển này sẽ được đẩy nhanh đến năm 2025”, ông Đỗ Văn Sử nói.
Tất nhiên, khi vốn đầu tư dịch chuyển khỏi Trung Quốc, Việt Nam sẽ là một điểm đến đầu tư được ưu tiên lựa chọn. Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan vẫn luôn là các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam và không ngừng gia tăng đầu tư.
Thông tin cho biết, ngay trong những ngày đầu năm 2023, có thể sẽ có thêm nhiều dự án khác được chấp thuận đầu tư.
Một trong số đó, là dự án 260 triệu USD của Compal ở Thái Bình. Theo thông tin của ông K.C Chen, Phó tổng giám đốc Compal Việt Nam, Tập đoàn sẽ thuê hơn 40 ha mặt bằng tại Khu công nghiệp Liên Hà Thái để xây dựng nhà máy sản xuất, lắp ráp các thiết bị điện tử. Compal vào trung tuần tháng 12/2022 đã ký thỏa thuận thuê đất với chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Liên Hà Thái để sớm triển khai dự án ở Việt Nam.
Như vậy, sau khi hồi sinh thành công dự án 500 triệu USD ở Vĩnh Phúc, Compal tiếp tục tăng vốn đầu tư vào Việt Nam.
Tương tự, hồi tháng 10/2022, Nghệ An cũng đã đồng ý về chủ trương để Luxshare - ICT tăng vốn đầu tư thêm 150 triệu USD, sau khi đã đầu tư 140 triệu USD ở VSIP Nghệ An. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được khởi công ngay trong quý I/2023 và chính thức đi vào sản xuất trong tháng 3/2024.
Ngoài Luxshare, Công ty TNHH Khoa học kỹ thuật kim loại Yongjin Việt Nam cũng dự kiến đầu tư dự án 125 triệu USD vào Khu công nghiệp WHA Industrial Zone Nghệ An 1…
Chưa kể, năm 2022, Samsung đã cam kết sẽ đầu tư vào Việt Nam 3,3 tỷ USD, nhưng hiện tại, mới có hơn 2 tỷ USD được hiện thực hóa. Có thể năm 2023, phần cam kết còn lại cũng sẽ được đầu tư vào Việt Nam.
Mới đầu năm, nhưng những thông tin như vậy là tích cực. Kỳ vọng, năm 2023, vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng tốc.