Kỳ vọng mới từ dự án “New Eximbank”

(ĐTCK) Năm 2016, Eximbank đã khởi động “New Eximbank”, dự án tái cấu trúc của Eximbank giai đoạn 2016-2020. Báo Đầu tư Chứng khoán có cuộc trao đổi với ông Yutaka Moriwaki, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Dự án tái cấu trúc và chiến lược Eximbank xung quanh dự án này. 

Ông có thể chia sẻ về mục tiêu của dự án “New Eximbank”, thưa ông?

Thời gian qua, HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng đã công bố dự án “New Eximbank”. Ban quản lý dự án, trong đó tôi và Phó tổng giám đốc Nguyễn Quốc Hương là 2 người chịu trách nhiệm chính, với mục tiêu xây dựng dự án theo một lộ trình đảm bảo rằng, Eximbank sẽ thay đổi, mang lại giá trị cho nhân viên, cổ đông và khách hàng.

Kỳ vọng mới từ dự án “New Eximbank” ảnh 1

 ông Yutaka Moriwaki

“New Eximbank” được xây dựng, triển khai trong vòng 24 tháng, huy động một lực lượng nhân sự chủ chốt và bao quát trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của Ngân hàng. Exmbank có Văn phòng Quản lý dự án (PMO) theo dõi tiến độ của tất cả các tiểu dự án, trong khi tham gia sâu vào một số tiểu dự án quan trọng. PMO báo cáo cho Ban chỉ đạo để dự án hoàn toàn phù hợp với mục tiêu dài hạn của Eximbank.

Mục tiêu của dự án là đưa Eximbank giành lại vị thế dẫn đầu thị trường về tài chính thương mại, tăng cường năng lực giải pháp, cũng như xây dựng được cơ sở khách hàng vững chắc, gồm các tập đoàn lớn và khối doanh nghiệp FDI. Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Eximbank tập trung vào những cải tiến đáng kể về năng suất lao động, hiệu quả về chi phí, thời gian xoay vòng của quy trình và ngân hàng kỹ thuật số.

Chúng tôi thay đổi toàn bộ tổ chức để Hội sở hỗ trợ đơn vị kinh doanh hiệu quả hơn và tăng cường khả năng phát triển các chiến lược. Eximbank cũng hướng đến việc thiết lập hệ thống nhân sự công bằng, minh bạch để khuyến khích nhân viên. 

Liệu khi dự án được triển khai có giải quyết được các tồn đọng của Ngân hàng?

Trong quá trình tái cấu trúc, chúng tôi nhận thấy Eximbank đang tồn đọng 3 vấn đề lớn. Cụ thể, nội tại Eximbank thiếu vắng một chiến lược, định hướng hoạt động trước khi có Ban điều hành và quản lý mới, đã dẫn đến việc nhân viên không được dẫn đường, chỉ hướng trong hoạt động kinh doanh và kinh doanh không hiệu quả.

Bên cạnh đó, Eximbank cũng thiếu một hệ thống đánh giá ngân hàng trên cơ sở công việc và đánh giá nhân viên chưa chuẩn xác về sức ảnh hưởng, đóng góp, năng suất công việc…, khiến chưa có một chính sách công bằng, thu hút và giữ chân nhân viên, cũng như khuyến khích nhân viên phát huy tối đa năng lực.

Hội sở của Ngân hàng chưa tương tác được với các chi nhánh, phòng ban và chưa là chất xúc tác, động lực để các chi nhánh hoạt động hiệu quả.

Xác định được các vấn đề này, chúng tôi hướng đến xây dựng dự án với việc thiết lập bộ tầm nhìn và các giá trị cốt lõi của Ngân hàng, hướng đến giải quyết những vấn đề còn tồn đọng nêu trên. Có thể nói, các tồn đọng của Eximbank trong thời gian qua là có thể thấy được. Điều đó phần nào ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của cán bộ, nhân viên của Ngân hàng.

Vì trong những năm qua, hoạt động kinh doanh của Eximbank chưa đạt được hiệu quả cao, trong khi nhiều thông tin tiêu cực xuất hiện trên thị trường… Nếu động lực làm việc của người lao bị ảnh hưởng, thì sẽ tác động đến chất lượng phục vụ khách hàng, cũng như hiệu quả làm việc và kết quả thu về. Do đó, dự án “New Eximbank” đặt kỳ vọng cải thiện được thực trạng này. Đồng thời, dự án cũng tái cơ cấu về nguồn nhân lực một cách đồng bộ. 

Cụ thể chương trình hành động của Eximbank là thế nào, thưa ông?

Cũng như các ngân hàng bạn, Eximbank có 2 mảng khách hàng lớn đó là doanh nghiệp và cá nhân. Hiện xu hướng thị trường và thị hiếu của khách hàng đã có những thay đổi so với trước đây, vì vậy, nếu không thay đổi thì sẽ khó có thể cạnh tranh.

Cụ thể, trong huy động và cho vay, nếu ngân hàng chỉ tiếp tục kinh doanh theo mô hình truyền thống là phải tăng huy động mới, huy động được tiền gửi và cần cho vay thì giảm lãi suất, thì biên lợi nhuận trong hoạt động sẽ còn lại rất ít… Trong bối cảnh đó, Eximbank phải chọn được phân khúc khách hàng mục tiêu và có những sản phẩm phù hợp để tập trung phát triển.

Đối với mảng khách hàng doanh nghiệp, Eximbank có thế mạnh tài trợ thương mại nên vừa qua, Ngân hàng thành lập một khối khách hàng doanh nghiệp lớn. Eximbank đã tuyển một số nhân sự cấp cao có kinh nghiệm và thế mạnh về mảng này để thúc đẩy sự phát triển thế mạnh vốn có của Eximbank thời gian tới.

Với khách hàng cá nhân, trong đó có cho vay mua ô tô, một công ty trong nhóm đối tác chiến lược nước ngoài của Eximbank là SMBC đã hợp tác với Ngân hàng để đẩy mạnh cho vay trong mảng này, cũng như đẩy mạnh bán chéo sản phẩm bảo hiểm tại quầy giao dịch của Eximbank nhằm tăng thu nhập từ phí dịch vụ…

Báo cáo tài chính của Eximbank cho thấy, kết thúc năm 2016, tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung-dài hạn là 53,23%; tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 79,23%; hệ số an toàn vốn (CAR) hợp nhất là 17,12%; lợi nhuận trước thuế đạt gần 400 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.

Năm 2017, Eximbank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế đạt 600 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với thực hiện năm 2016; dự kiến tăng trưởng quy mô tổng tài sản lên 150.000 tỷ đồng; huy động vốn đạt 120.000 tỷ đồng; tổng dư nợ cấp tín dụng đạt 108.875 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 3%.

Vân Linh thực hiện.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục