Kỳ vọng mở rộng không gian kinh doanh cho công ty chứng khoán

(ĐTCK) Là công ty chứng khoán ra đời đầu tiên tại Việt Nam, trải qua các cung bậc thăng trầm cùng thị trường, BVSC chọn cho mình mục tiêu lớn nhất là phát triển bền vững trong dài hạn.
Tổng giám đốc BVSC Nhữ Đình Hòa Tổng giám đốc BVSC Nhữ Đình Hòa
Trước thềm tuổi 15 của TTCK Việt Nam, Tổng giám đốc công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) Nhữ Đình Hòa cho biết, điều ông chờ đợi là TTCK phái sinh sớm mở cửa  và việc hợp nhất 2 Sở sớm thực thi, để mở rộng không gian kinh doanh cho công ty chứng khoán và thống nhất hóa các quy chuẩn thị trường.

Sau 14 năm hoạt động, TTCK gần đây chứng kiến những nỗ lực không nhỏ của nhà quản lý khi liên tục cho phép triển khai các sản phẩm mới và chuẩn bị cho sự ra đời của TTCK phái sinh. Ông cảm nhận như thế nào về cơ hội TTCK trong thời gian tới?

So với nhiều TTCK khu vực và thế giới, 14 năm tuổi đời của TTCK Việt Nam là rất non trẻ. Sau 14 năm, TTCK Việt Nam đã có bước trưởng thành mạnh mẽ, tạo nên một kênh đầu tư, kênh dẫn vốn quan trọng, thu hút hàng triệu nhà đầu tư tham gia. Nếu so sánh các chỉ tiêu vốn hóa, giá trị giao dịch thị trường so với GDP thì TTCK Việt Nam còn rất rất nhiều cơ hội để phát triển.

Với chủ trương của Chính phủ phát triển TTCK theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng dần tỷ trọng nhà đầu tư tổ chức, UBCK, Bộ Tài chính đã có nhiều nỗ lực hoàn thiện pháp lý cho các sản phẩm quỹ đầu tư, đặc biệt là 2 loại hình quỹ được chờ đợi là quỹ mở và quỹ ETF.

Ở giai đoạn đầu vận hành, 2 loại hình quỹ này còn mới mẻ, chưa dễ thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư đại chúng, nhưng trong tương lai, khi tính hiệu quả của sản phẩm được chứng minh, mức độ phát triển chắc chắn sẽ có sự vượt trội. Cùng với đó, khi TTCK phái sinh ra đời, mở ra không gian cho phép nhà đầu tư có công cụ phòng ngừa rủi ro và giao dịch mới, tôi tin, mức độ quan tâm của các tổ chức đầu tư lớn đến TTCK Việt Nam sẽ nhiều hơn.

Quỹ ETF, TTCK phái sinh còn là những khái niệm rất mới với công chúng đầu tư. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về điểm này?

Thực ra, nhà đầu tư chứng khoán không quá xa lạ với loại hình quỹ ETF, vì tại TTCK Việt Nam, một số quỹ ETF ngoại hoạt động khá mạnh, trong đó có 2 quỹ lớn là DB Tracker Vietnam và Market Vector Vietnam có quy mô đầu tư khoảng 800 triệu USD. Hoạt động đảo danh mục của 2 quỹ này là điểm được nhiều nhà đầu tư đại chúng quan tâm và vì thế, ETF không phải là khái niệm hoàn toàn mới tại Việt Nam, chỉ có điều đây là các ETF ngoài biên giới.

Mới đây, UBCK đã chấp thuận cho VFM được huy động vốn lập quỹ ETF đầu tiên tại Việt Nam và BVSC được chọn lựa một trong hai công ty chứng khoán đầu tiên đóng vai trò thành viên lập quỹ (AP). Sở dĩ bước đầu mới có ít công ty chứng khoán đảm trách vai trò AP là vì đây là một nghiệp vụ phức tạp, cần phải quản lý rủi ro chặt chẽ, đồng thời đây cũng là nghiệp vụ có thể ảnh hưởng ít nhiều đến hoạt động tự doanh của công ty chứng khoán.

Bằng việc tham gia phát triển sản phẩm ETF đầu tiên và chúng tôi đang cân nhắc đảm nhận vai trò AP cho một số sản phẩm ETF khác, chúng tôi mong đóng góp sức mình cho việc tạo nên những công cụ đầu tư đa dạng hơn, chuyên nghiệp hơn tại Việt Nam.

Theo dự kiến, năm 2016, TTCK phái sinh sẽ mở cửa hoạt động tại Việt Nam. Ông đánh giá như thế nào về sự hiện diện của thị trường này?

Thực tế cho thấy, trên nền một TTCK còn non trẻ với các sản phẩm hiện diện còn quá ít và đơn điệu, hoạt động môi giới của các công ty chứng khoán chưa có điều kiện mở rộng để phát triển. Tại nhiều TTCK như Đài Loan chẳng hạn, giao dịch chủ yếu không phải là sản phẩm cơ sở (chỉ chiếm dưới 30%), mà lại là sản phẩm phái sinh.

TTCK phái sinh mở cửa hoạt động sẽ mở rộng không gian nghiệp vụ cho các công ty chứng khoán và nhiều thành viên thị trường. Tuy nhiên, để đến ngày thị trường này khai trương, đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn của nhà quản lý, cụ thể là UBCK, các Sở GDCK, VSD và cả các công ty chứng khoán tiên phong tham gia xây dựng TTCK phái sinh tại Việt Nam.

Ngoài thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu tại Việt Nam hiện cũng rất đơn điệu, chủ yếu là sự hiện diện của trái phiếu chính phủ và gần như trống hoàn toàn một thị trường cho trái phiếu doanh nghiệp niêm yết. Tôi được biết, Bộ Tài chính, UBCK đang có những nỗ lực để triển khai việc thành lập công ty định mức tín nhiệm tại Việt Nam.

Tôi mong rằng, nỗ lực này, cùng với việc sớm đưa TTCK phái sinh vào hoạt động, sẽ tạo nền tảng tạo dựng thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thúc đẩy các nhà đầu tư quan tâm hơn đến kênh đầu tư này và tạo điều kiện cho các DN được tiếp cận với kênh huy động vốn từ trái phiếu.

14 năm tuổi của TTCK Việt Nam cũng là 14 năm tuổi đời của BVSC  công ty chứng khoán đã được nhận nhiều sự ghi nhận từ Bộ Tài chính, UBCK, Sở GDCK cho những đóng góp xây dựng TTCK. Ở tuổi 15, BVSC hướng đến mục tiêu phát triển như thế nào, thưa ông?

Sự ghi nhận của các cơ quan chức năng với BVSC là động lực rất lớn cho chúng tôi tiếp tục hoạt động lành mạnh, minh bạch, chung sức xây dựng TTCK Việt Nam.

Là công ty chứng khoán đầu tiên được cấp giấy phép hoạt động, nhưng với nền tảng và đặc thù kinh doanh của mình, chúng tôi không có tham vọng hướng đên vị trí số 1 hay số 2 về một mảng nghiệp vụ cụ thể, mà mục tiêu lớn nhất của BVSC là phát triển bền vững.

Theo đó, chúng tôi luôn đặt lợi ích của Công ty trong mối quan hệ lợi ích chung của nhà đầu tư, của cổ đông, của đối tác và cộng đồng. Chúng tôi đã và sẽ luôn nỗ lực góp sức mình cùng các cơ quan quản lý để xây dựng TTCK Việt Nam lành mạnh, hiệu quả hơn.

Tường Vi thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục