Kỳ vọng lãi suất giảm, giới đầu tư mạnh tay mua vào

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên thứ Ba (29/8), được thúc đẩy bởi của Tesla, Nvidia và các cổ phiếu tăng trưởng megacap khác, sau dữ liệu cho thấy khi cơ hội việc làm trong tháng 7 giảm đã củng cố kỳ vọng về việc Fed tạm dừng tăng lãi suất.
Kỳ vọng lãi suất giảm, giới đầu tư mạnh tay mua vào

Mức tăng đến sau khi Khảo sát Cơ hội Việc làm và Doanh thu Lao động (JOLTS) của Bộ Lao động Mỹ cho thấy, số lượng cơ hội việc làm ở mức 8,827 triệu trong tháng 7, giảm tháng thứ ba liên tiếp và báo hiệu áp lực thị trường lao động giảm bớt.

Tin xấu về thị trường lao động hiện có thể được coi là tin tốt, bởi những dấu hiệu về sự suy yếu kinh tế đều được coi là căn cứ để tin rằng Fed sẽ chấm dứt chu kỳ thắt chặt và có thể sớm chuyển sang nới lỏng.

Các nhà đầu tư cũng phân tích một báo cáo "xấu" khác Conference Board cho thấy, niềm tin của người tiêu dùng ở Mỹ đã giảm xuống còn 106,1 điểm trong tháng 8, so với kỳ vọng là 116 điểm.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm hạ nhiệt và giảm xuống 4,11%, trong khi lợi suất trái phiếu kỳ hạn 5 năm giảm trở lại dưới 5% sau khi dao động quanh mức này trong vài phiên qua.

Lợi suất giảm đã hỗ trợ các cổ phiếu tăng trưởng, với Nvidia tăng 4,2% để đóng cửa ở mức cao nhất từ trước đến nay.

Cổ phiếu Tesla tăng 7,7%, ngay cả sau khi các tài liệu cho thấy một cơ quan quản lý của Mỹ đã gửi một lệnh đặc biệt cho nhà sản xuất xe điện về những thay đổi đối với hệ thống giám sát người lái Autopilot.

Nvidia và Tesla cũng là hai mã dẫn đầu về giá trị giao dịch trên Phố Wall, với hơn 33 tỷ USD được giao dịch trong mỗi cổ phiếu.

Cổ phiếu các công ty công nghệ vốn hoá lớn khác như Meta Platforms, Alphabet, Apple và Microsoft đều đóng cửa trong sắc xanh.

Báo cáo bảng lương phi nông nghiệp tháng 7 vào thứ Sáu sẽ cung cấp cho các nhà đầu tư rõ ràng hơn về tình trạng của thị trường lao động. Trong khi trọng tâm cũng sẽ là chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát ưa thích của Fed, sẽ được công bố vào thứ Năm.

Kết thúc phiên 29/8: Chỉ số Dow Jones tăng 292,69 điểm (+0,85%), lên 34.852,67 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 64,32 điểm (+1,45%), lên 4.497,63 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 238,63 điểm (+1,74%), lên 13.943,76 điểm.

Chứng khoán châu Âu tăng lên mức cao nhất trong hai tuần vào thứ Ba, dẫn đầu bởi các công ty khai thác.

Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,97% lên 459,83 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu khai thác dẫn đầu với mức tăng 2,1%, chạm mức cao nhất trong ba tuần.

Trong khi đó, Ngân hàng lớn nhất châu Âu HSBC và công ty bảo hiểm Prudentia, với hoạt động kinh doanh lớn tại Trung Quốc, tăng lần lượt 1,3% và 4%. Điều này, cùng với mức tăng 4,2% của Barclays hỗ trợ tăng 0,6% trong chỉ số chăm sóc sức khỏe.

Lĩnh vực hàng xa xỉ, với sự tiếp xúc mạnh mẽ với nhu cầu của người tiêu dùng Trung Quốc, đã tăng 1,3% để đóng cửa ở mức cao nhất trong hai tuần.

Cũng hỗ trợ tâm lý là hy vọng về việc tạm dừng tăng lãi suất của Mỹ sau khi cơ hội việc làm trong tháng 7 tiếp tục giảm và đẩy lợi suất trái phiếu khu vực đồng euro xuống thấp hơn.

Trong khi đó, các nhà giao dịch đã tăng đặt cược vào việc Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất 25 điểm cơ bản vào tháng 9, một sự thay đổi nhẹ so với kỳ vọng tạm dừng, sau khi hoạt động kinh doanh của khu vực đồng euro giảm mạnh hơn dự kiến.

Hiện tại, các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ các chỉ số lạm phát từ khu vực đồng euro, Pháp và Đức trong tuần này để đánh giá tương lai của lãi suất chính sách.

Kết thúc phiên 29/8: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 126,41 điểm (+1,72%), lên 7.464,99 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 138,27 điểm (+0,88%), lên 15.930,88 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 48,72 điểm (+0,67%), lên 7.373,43 điểm.

Trên thị trường chứng khoán châu Á, chứng khoán Nhật Bản tăng điểm, mặc dù căng thẳng trước dữ liệu kinh tế quan trọng của Mỹ trong tuần này đã hạn chế đà tăng.

Đóng cửa, chỉ số Nikkei 225 tăng 0,18% lên 32.226,97 điểm. Chỉ số Topix tăng 0,16% lên 2.303,41 điểm.

Chiến lược gia Kazuo Kamitani của Nomura Securities cho biết, đường trung bình động 25 ngày của Nikkei 225 mức khoảng 32.276 điểm đang chứng tỏ là một rào cản mạnh đối với chỉ số.

Phiên này, Tokyo Electric Power Co là cổ phiếu hoạt động tốt nhất trên Nikkei 225 với mức tăng 5,31%. Công ty đã giải phóng nước phóng xạ đã qua xử lý vào Thái Bình Dương. Thử nghiệm nước biển và sinh vật biển cho đến nay không tìm thấy bất thường.

Việc xả thải đã gây ra các cuộc biểu tình ở Trung Quốc, và Bắc Kinh đã cấm nhập khẩu thủy sản của Nhật Bản. Khả năng tẩy chay và các hậu quả khác đè nặng lên một số cổ phiếu tiếp xúc với thị trường Trung Quốc vào thứ Hai, nhưng nhiều cổ phiếu đã được mua lại trong phiên này, với Shiseido tăng 2,18%. Cổ phiếu các nhà điều hành cửa hàng bách hóa J. Front và Takashimaya lần lượt tăng 2,48% và 2,15%.

Chứng khoán Trung Quốc tăng với hiệu ứng thúc đẩy gần đây từ việc Bắc Kinh đưa ra một gói biện pháp kích thích thị trường, bao gồm cắt giảm thuế với giao dịch chứng khoán.

Đóng cửa, Shanghai Composite tăng 1,2% lên 3.135,89 điểm. Chỉ số CSI 300 bluechip tăng 1% lên 3.790,11 điểm.

Các nhà phân tích cho rằng các chính sách tập trung vào thị trường có thể thúc đẩy niềm tin của nhà đầu tư trong ngắn hạn, nhưng thật khó để hồi sinh một nền kinh tế đang chậm lại.

"Việc giảm thuế và tạm dừng các đợt IPO mới trong quá khứ chỉ là một cú hích tạm thời cho thị trường, không phải là một bước ngoặt cơ bản. Một sự phục hồi bền vững của thị trường khó có thể xảy ra nếu không có sự kích thích đáng kể hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và ổn định lĩnh vực bất động sản”, Wei He, nhà kinh tế Trung Quốc tại công ty nghiên cứu Gavekal Dragonomics cho biết.

Bank of America cho biết, hai đến ba tuần tới là khoảng thời gian quan trọng cho các hành động chính sách. Nền kinh tế và thị trường Trung Quốc dự kiến sẽ chứng kiến nhiều áp lực giảm hơn trong hai quý tới nếu không có các biện pháp nới lỏng vật chất trong thời gian tới.

Chứng khoán Hồng Kông cũng nhờ vào sự tích cực từ động thái cắt giảm chi phí giao dịch của Trung Quốc, khi cổ phiếu BYD tăng mạnh cũng nâng đỡ thị trường.

Đóng cửa, Hang Seng-Index tăng 1,95% lên 18.484,03 điểm. Chỉ số Hang Seng China Enterprises tăng 2,25% lên 6.386,80 điểm.

Cổ phiếu nhà sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc BYD tăng 5,6%, sau khi lợi nhuận quý II tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ năm trước đó.

Trong khi đó, cổ phiếu các nhà phát triển bất động sản Đại lục tăng gần 6% trong bối cảnh có báo cáo rằng các ngân hàng Trung Quốc đang thảo luận về việc cắt giảm lãi suất đối với các khoản vay cũ.

Chứng khoán Hàn Quốc tăng, dẫn đầu bởi đà tăng của cổ phiếu của các nhà sản xuất ô tô và các công ty thương mại điện tử.

Đóng cửa, chỉ số KOSPI tăng 8,75 điểm, tương đương 0,34%, lên 2.552,16 điểm.

Chính phủ Hàn Quốc có kế hoạch tăng chi tiêu ngân sách lên gần 497 tỷ USD cho năm 2024, nhưng mức tăng được đề xuất là thấp nhất trong hai thập kỷ khi các nhà chức trách ưu tiên kỷ luật tài khóa, trong bối cảnh doanh thu thuế suy yếu do tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Kết thúc phiên 29/8: Chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 56,98 điểm (+0,18%), lên 32.226,97 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải tăng 37,25 điểm (+1,20%), lên 3.135,89 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông tăng 353,29 điểm (+1,95%), lên 18.484,03 điểm. Chỉ số Kospi tại Hàn Quốc tăng 8,75 điểm (+0,34%), lên 2.552,16 điểm.

Giá dầu thô leo nhanh do đồng USD trượt giá, trong khi các nhà đầu tư tranh luận về tác động tiềm tàng đối với cung và cầu năng lượng từ cơn bão Idalia sẽ đổ bộ vào Florida trong tuần.

Kết thúc phiên 29/8, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ tăng 1,06 USD/thùng (+1,3%), lên 81,86 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 1,07 USD/thùng (+1,3%), lên 85,49 USD/thùng.

Lạc Nhạn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục