Quá tải vì hồ sơ đổ dồn
Với một siêu đô thị có hơn 10 triệu dân như TP.HCM, nhu cầu thực hiện các thủ tục hành chính là rất lớn. Chỉ tính riêng hồ sơ đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sổ hồng) đã là một con số không hề nhỏ.
Theo ghi nhận của HĐND TP.HCM, qua thực hiện các chương trình giám sát hồ sơ cấp sổ hồng trên địa bàn Thành phố, trong đó riêng loại hồ sơ cấp đổi, cấp lại, cấp mới do cập nhật công trình trên đất thuộc thẩm quyền ký cấp của Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố bị trễ hạn chiếm tỷ trọng khoảng 5% trong tổng số 440.000 hồ sơ trong năm 2020, tương đương khoảng 23.000 hồ sơ.
Tại buổi làm việc mới đây với Sở Tài nguyên và Môi trường, ông Phạm Đức Hải, Phó chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, nếu nhìn tương quan với tổng số hồ sơ phải giải quyết thì con số này không phải là quá nhiều, nhưng nếu đặt riêng rẽ thì 23.000 hồ sơ bị trễ hạn là con số rất lớn và sự chậm trễ này ảnh hưởng lớn tới tới người dân, doanh nghiệp.
“Mỗi giấy chứng nhận của cá nhân, tổ chức bị chậm trễ đều khiến họ chịu thiệt hại. Đó là chưa kể sự phiền toái, khổ sở khi phải lui tới cơ quan hành chính nhiều lần để hỏi thăm tình hình hồ sơ”, ông Hải nói.
Lâu nay, việc trễ hạn hồ sơ nhà đất là “chuyện thường ngày ở huyện” và nguyên nhân chính gây nên sự chậm trễ này là trước đây, hồ sơ được tập trung về một đầu mối, gây quá tải và ách tắc hồ sơ, dẫn tới trễ hạn. Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho hay, năm 2015, khi Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố chuyển về Sở thì toàn bộ hồ sơ liên quan đổ dồn cho giám đốc và ba phó giám đốc Sở ký duyệt.
Đến năm 2017, để giải quyết tình trạng ách tắc này, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định 36/2017, trong đó cho phép Sở Tài nguyên và Môi trường được ủy quyền cho Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố được ký cấp sổ hồng, nhưng vẫn không xuể bởi số lượng hồ sơ giao dịch nhà, đất rất lớn, trung bình mỗi ngày ký duyệt 8.000-9.000 hồ sơ, đó là chưa kể phải thẩm tra các hồ sơ khác để trình Ban Giám đốc Sở ký.
Đến năm 2018, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kiến nghị Thành phố cho phép được ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai được ký cấp giấy chứng nhận và chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố đóng dấu. Đến nay, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định 08/2021 để chính thức thông qua kiến nghị ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại 21 quận, huyện và TP. Thủ Đức được ký cấp sổ hồng cho người dân, thay vì phải chuyển hồ sơ lên Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố như lâu nay.
Nhận, trả hồ sơ trong vòng 10 ngày
Để cụ thể hóa Quyết định 08/2021 của UBND TP.HCM, mới đây, ông Nguyễn Toàn Thắng đã ký Quyết định số 502 ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai của 22 quận/huyện và TP. Thủ Đức được ký cấp và hủy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Như vậy, đối với hồ sơ do các chi nhánh chuyển đến trước ngày 14/5/2021, thì cơ quan này vẫn sẽ ký cấp hoặc hủy giấy, sau đó chuyển về các chi nhánh để trả cho người dân. Đối với trường hợp các hồ sơ trình ký trước thời điểm nêu trên nhưng được chuyển trả về để báo cáo bổ sung, làm rõ nội dung, thì các chi nhánh có trách nhiệm kiểm tra, hoàn chỉnh các nội dung trước khi ký cấp giấy chứng nhận.
Theo quy trình, hồ sơ khi được giám đốc các chi nhánh ký sẽ được đóng dấu trong 24 giờ để chuyển trả ngay trong ngày hôm sau, khi đến nhận hồ sơ mới. Có nghĩa là, các chi nhánh mỗi ngày đều tiếp nhận hồ sơ đã được đóng dấu và gửi các hồ sơ đã ký để chuyển Văn phòng đăng ký đất đai Thành phố để đóng dấu. Tuy nhiên, 24 giờ chỉ là thời gian đóng dấu trên hồ sơ, để hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận cho người dân, theo quy trình phải mất 10 ngày làm việc.
Bà Trần Huỳnh Châu, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Hóc Môn cho hay, việc các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai được ủy quyền ký cấp/hủy giấy chứng nhận sẽ cơ bản giải quyết được tình trạng trễ hạn đối với loại hồ sơ này. Tuy nhiên, trong 11 bộ thủ tục và thời gian quy định tại Quyết định 08/2021, có thủ tục cập nhật tài sản trên đất được quy định giải quyết trong vòng 10 ngày, kể cả thời gian lấy ý kiến ở phường. Vì vậy, cần có sự phối hợp chặt chẽ, đúng thời gian của các cơ quan có liên quan và cả việc người dân đóng thuế đúng hạn thì hồ sơ sẽ đến tay người dân theo đúng quy định.
Là một nhà đầu tư bất động sản, mỗi tháng thực hiện nhiều giao dịch nhà đất, ông Nguyễn Thanh Tuấn (TP. Thủ Đức) cho rằng, thời gian chờ cấp, đổi sổ hồng là câu chuyện phiền toái nhất mà người dân phải chịu đựng trong suốt nhiều năm qua. Do thời gian ký duyệt bị kéo dài nên cán bộ trả hồ sơ gần như phải năn nỉ người dân chờ đợi, ghi lại số điện thoại để khi nào có sổ thì gọi dân đến nhận.
Theo nhà đầu tư này, việc ủy quyền cho các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai để ký hồ sơ và trả cho dân là cơ chế đột phá, giúp giải quyết tình trạng trễ hạn hồ sơ nhà đất kéo dài bấy lâu nay. Do vậy, trong trường hợp người dân vẫn phàn nàn vì không được giải quyết hồ sơ đúng hạn thì vấn đề không còn nằm ở cơ chế, mà là ở khâu tổ chức thực hiện, cho nên trách nhiệm của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian tới là không nhỏ.