Kỳ vọng cắt giảm lãi suất và căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu vàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá vàng liên tục tăng vọt trong những ngày gần đây khi được thúc đẩy bởi căng thẳng địa chính trị gia tăng và việc cắt giảm lãi suất của các ngân hàng trung ương.
Kỳ vọng cắt giảm lãi suất và căng thẳng ở Trung Đông thúc đẩy nhu cầu vàng

Được xem là hàng rào chống lại sự bất ổn về chính trị và kinh tế do khả năng lưu giữ giá trị, giá vàng thỏi đã tăng hơn 32% từ đầu năm tới nay và liên tục lập kỷ lục mới khi động thái cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết hợp với nhu cầu trú ẩn an toàn tạo nên cơn sốt hoàn hảo cho vàng. Giá vàng đã đạt mức kỷ lục 2.740,37 USD/ounce vào thứ Hai (21/10).

Xung đột ở Trung Đông cùng với sự không chắc chắn về kết quả của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng tới đã thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một tài sản trú ẩn.

Daniel Pavilonis, chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures cho biết: "Chúng ta đang đến gần cuộc bầu cử ở Mỹ...chúng ta đang chứng kiến ​​những diễn biến địa chính trị ở Trung Đông, Israel, Iran, bất kỳ sự kiện nào đang diễn ra đều đang hỗ trợ giá vàng”.

“Triển vọng của vàng khá lạc quan…Chúng tôi cho rằng lượng vàng nắm giữ của nhà đầu tư có nhiều dư địa để tăng trong năm tới hoặc lâu hơn, và điều đó sẽ đẩy giá lên cao hơn”, Joni Teves, chiến lược gia kim loại quý của UBS cho biết, ông kỳ vọng giá vàng sẽ đạt mốc 3.000 USD/ounce trong năm tới.

Dự đoán về việc cắt giảm lãi suất thêm nữa diễn ra vào cuộc họp chính sách tiếp theo của Fed vào ngày 6/11 và 7 /11 cũng đã góp phần thúc đẩy đà tăng của giá vàng trong những ngày gần đây.

Giá vàng tiếp tục đạt mức cao mới

Giá vàng tiếp tục đạt mức cao mới

Nhiều ngân hàng trung ương toàn cầu đang trong chu kỳ nới lỏng tiền tệ, với các đợt cắt giảm lãi suất gần đây ở khu vực đồng euro, Canada và Anh, cũng như cùng nhiều quốc gia khác.

Mặc dù nhu cầu vàng vật chất đã bị ảnh hưởng bởi giá cao ở thị trường hàng đầu là Trung Quốc, nhưng hoạt động mua từ các ngân hàng trung ương vẫn rất mạnh mẽ vì họ đa dạng hóa dự trữ ngoại hối khỏi đồng đô la.

Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), hoạt động mua của các ngân hàng trung ương đã đạt mức cao kỷ lục là 483 tấn trong nửa đầu năm nay, mặc dù ngân hàng Trung Quốc đã ngừng mua vàng trong những tháng gần đây.

Các nhà đầu tư phương Tây cũng đã đổ tiền vào vàng kể từ mùa hè này, với năm tháng liên tiếp dòng tiền toàn cầu đổ vào các quỹ ETF đầu tư vàng trong khoảng thời gian từ tháng 5 đến tháng 9.

Ole Hansen, Giám đốc chiến lược hàng hóa tại Ngân hàng Saxo cho biết, động lực thúc đẩy giá vàng bao gồm "rủi ro bất ổn tài chính và sự không chắc chắn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ" cũng như các ngân hàng trung ương đang đa dạng hóa dự trữ khỏi đồng đô la Mỹ.

Kết quả của cuộc bầu cử Mỹ vào ngày 5/11 đang rất gần và điều này cũng làm tăng thêm sự không chắc chắn.

"Có rất nhiều rủi ro trong vài tuần tới, khi cuộc bầu cử Mỹ sắp diễn ra…Chúng ta có thể chứng kiến ​​giá vàng biến động mạnh", chiến lược gia Joni Teves cho biết.

Max Layton, Giám đốc nghiên cứu hàng hóa toàn cầu tại Citi dự đoán giá vàng sẽ đạt 3.000 USD/ounce trong 6-12 tháng tới, như một kênh tích trữ tài sản trong thời kỳ kinh tế bất ổn cao ở Mỹ và châu Âu, thúc đẩy nhu cầu đầu tư và ETF.

Mặt khác, giá bạc cũng tăng mạnh và đạt mức đỉnh trong gần 12 năm, phản ánh nguồn cung thắt chặt cũng như hiệu ứng từ vàng tăng giá mạnh.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục