Các công ty bảo hiểm đã áp dụng một số biện pháp nhằm ngăn ngừa đại lý gian lận, nhưng hiệu quả còn hạn chế. Theo ông, làm thế nào để hạn chế rủi ro này?
Thông thường, khách hàng không mua bảo hiểm trực tiếp với công ty bảo hiểm, mà mua bảo hiểm thông qua đại lý hoặc môi giới và đại lý giao tiếp với khách hàng với tư cách là đại diện của công ty bảo hiểm, thay mặt DN bán cho các sản phẩm bảo hiểm cho người mua.
Đại lý là kênh bán hàng quan trọng của các công ty bảo hiểm, nhưng đại lý cũng là nơi phát sinh nhiều vụ gian lận bảo hiểm.
Để quản lý tốt các đại lý, thúc đẩy họ đem lại doanh thu, đồng thời hạn chế, ngăn ngừa rủi ro từ đại lý, thì điều quan trọng là các nhà quản lý của công ty bảo hiểm phải thường xuyên ý thức được việc xây dựng, hoàn thiện các biện pháp, các kỹ thuật phòng ngừa và phát hiện gian lận.
Chúng ta thấy những vụ gian lận gần đây liên quan đến công ty hàng đầu của quốc tế, những công ty mà thông thường người ta vẫn cho rằng, hệ thống quản trị tốt hơn những công ty Việt Nam, nhưng thực tế gian lận vẫn xảy ra.
Khi gian lận xảy ra như vậy, câu hỏi đặt ra là các công ty đã làm gì, bộ phận có vai trò kiểm tra, giám sát đã làm gì? Tại sao vẫn xảy ra các vụ gian lận quy mô lớn như vậy? Đó là lý do EY Vietnam phối hợp với IRT tổ chức hội thảo nhấn mạnh vấn đề kiểm soát gian lận từ đại lý.
Những chuyên gia quốc tế mà chúng tôi mời đến đã chia sẻ về phương pháp phân tích kỹ thuật dữ liệu - dịch vụ kế toán pháp lý. Đây là công cụ mới, kết hợp nhiều kỹ thuật tân tiến về công nghệ mà thế giới đang bắt đầu áp dụng. Tôi cho là nó rất hữu ích ở Việt Nam, giúp tăng cường công tác quản lý, giám sát đội ngũ đại lý.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh lại yếu tố quan trọng nhất là thái độ và sự quan tâm của lãnh đạo cao cấp trong công ty. Đó là yếu tố quyết định DN sẽ quản lý đại lý nói riêng và các vấn đề khác nói chung như thế nào. Nếu các công ty bảo hiểm thống nhất nhận thức xuyên suốt và có quyết tâm thì mới đảm bảo quản lý chặt chẽ.
Ngược lại, không có quyết tâm và hành xử thống nhất từ lãnh đạo cấp cao, thì công cụ nào cũng không thể giúp ích cho DN.
Ông có đề cập đến kỹ thuật phân tích kế toán pháp lý, kỹ thuật này là gì và nó sẽ giúp ích cho DN ra sao?
Kỹ thuật phân tích kế toán pháp lý là công cụ tốt để giúp các công ty bảo hiểm phân tích thái độ hành vi của đại lý bảo hiểm. Từ đó, dự đoán những xu hướng, rủi ro mà họ có thể gây ra cho công ty bảo hiểm trong tương lai, thông qua việc phân tích hành vi trong quá khứ.
EY đã tiến hành nhiều dự án phân tích dữ liệu cho các công ty bảo hiểm trên thế giới. Một ví dụ điển hình là khi phân tích khoanh vùng những đại lý có những dấu hiệu bất thường như tỷ lệ bồi thường hoặc tỷ lệ hủy hoặc hoàn trả hợp đồng cao, thì kết quả cho thấy, một số đại lý trong số này có những hiện tượng gian lận hoặc giả mạo chữ ký khách hàng, tự điền vào thông tin bồi thường.
Kỹ thuật phân tích này giúp DN khoanh vùng hiệu quả các đại lý có rủi ro cao và đưa ra các biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Tuy nhiên, dữ liệu của các công ty bảo hiểm Việt Nam được đánh giá là không đầy đủ, liệu có thể tiến hành phân tích theo phương pháp đó?
Chúng ta không thực hiện kiểm toán, mà chỉ phân tích dữ liệu và đã là dữ liệu thì dù ở mức độ nào cũng đều phân tích được. Bất cứ công ty bảo hiểm nào cũng có một nền tảng cơ sở dữ liệu cơ bản trong quá khứ để tiến hành phân tích và ngay cả các công ty hàng đầu trên thế giới cũng có thể không có được dữ liệu hoàn thiện.
Trong quá trình tiếp xúc với các DN bảo hiểm tại Việt Nam, tôi nhận thấy, nhiều trường hợp hệ thống quản lý dữ liệu của các công ty này hoàn toàn có khả năng lưu trữ các thông tin dữ liệu họ cần cho công tác quản lý, nhưng vấn đề là họ chưa bắt tay vào xác định những thông tin nào là cần thiết để thiết kế hệ thống.
Bên cạnh đó, việc thiếu một quy trình và cơ chế nhập liệu được quán triệt và củng cố thực hiện từ các cấp đại lý cho đến các đơn vị cơ sở cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc thiếu thông tin cần thiết cho công tác phân tích và quản lý rủi ro.
Các DN cần phải nhanh chóng xác định thời điểm bắt đầu phân tích, từ đó xác định những dữ liệu còn thiếu, thu thập dữ liệu mới và bổ sung dữ liệu quá khứ bằng hết khả năng để hỗ trợ tốt hơn cho công tác quản lý, bởi “dữ liệu là vàng” đối với DN. Ngoài ra, việc phân tích dữ liệu phải được thực hiện thường xuyên, ít nhất 6 tháng một lần.