Từ những cú bắt tay tỷ USD
Một thông tin khiến nhiều người hồ hởi, đó là trong khuôn khổ Hội nghị Xúc tiến đầu tư do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tổ chức tại Tokyo (Nhật Bản), đã có rất nhiều thỏa thuận hợp tác được ký kết, với tổng giá trị lên tới 22 tỷ USD.
Trong đó, không thể không nhắc tới việc Dự án Nhiệt điện Nghi Sơn 2, sau nhiều năm chờ đợi, đã được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư. Với tổng vốn đầu tư 2,8 tỷ USD, Nhiệt điện Nghi Sơn 2 sẽ do Marubeni (Nhật Bản) và KEPCO (Hàn Quốc) triển khai theo hình thức BOT, quy mô 1.200 MW. Cùng với Nhiệt điện BOT Nghi Sơn 2, hai dự án khác của Nhật Bản cũng đã được trao giấy chứng nhận đầu tư trong dịp này. Đó là Dự án Trung tâm thương mại Aeon MALL ở Hà Đông (Hà Nội) và Dự án Sân golf Sakura Hải Phòng.
Và điều quan trọng, bên cạnh những tập đoàn lớn của Nhật Bản, là rất nhiều cái tên Việt. Họ đã bắt tay với các đối tác Nhật Bản để triển khai các dự án trị giá hàng tỷ USD ở Việt Nam. Lớn nhất có lẽ là thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn BRG và Tập đoàn Sumitomo về phát triển thành phố thông minh tại khu vực phía Bắc Hà Nội (thuộc hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài), với tổng trị giá lên tới hơn 4 tỷ USD.
Dự án này, theo bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch Tập đoàn BRG, khi hoàn thành, sẽ tạo điểm nhấn cho không gian, kiến trúc khu vực cửa ngõ Thủ đô, tạo động lực thúc đẩy phát triển đô thị khu vực phía Bắc sông Hồng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Trong khi đó, Công ty cổ phần FECON cùng Công ty cổ phần Hạ tầng FECON (FCI), Công ty cổ phần Đường cao tốc Miền Trung Nhật Bản (NEXCO) và Công ty cổ phần Đường cao tốc Quốc tế Nhật Bản (JEXWAY) đã ký thỏa thuận hợp tác chiến lược trong lĩnh vực đầu tư, phát triển các dự án hạ tầng giao thông tại Việt Nam.
“Đây là sự kiện mang ý nghĩa to lớn, đánh dấu sự bắt đầu của quan hệ đối tác với các công ty tuyệt vời như FECON và FCI, cũng là bước đầu tiên đánh dấu việc NEXCO chính thức tham gia một dự án ở Việt Nam”, ông Miyaike, Tổng giám đốc, kiêm Chủ tịch của NEXCO khẳng định.
Ngoài ra, còn có thể kể hàng loạt thỏa thuận được ký kết khác. Chẳng hạn, Tập đoàn TH ký thỏa thuận với Tập đoàn International Total Engineering Corporation (ITEC) để phát triển Tổ hợp Y tế và Chăm sóc sức khỏe công nghệ cao TH tại Hà Nội; hay thỏa thuận về việc nghiên cứu đầu tư xây dựng cảng trung chuyển than tại khu vực Bà Rịa - Vũng Tàu phục vụ các nhà máy nhiệt điện…
Những cái bắt tay tỷ USD này chính là nền móng đầu tiên cho sự hình thành một làn sóng đầu tư mới từ Nhật Bản vào Việt Nam, thậm chí, hơn cả một làn sóng, đó chính là “một kỷ nguyên mới” trong hợp tác kinh tế, đầu tư Việt Nam - Nhật Bản.
Đến “một kỷ nguyên mới” bắt đầu
Có lẽ, không phải ngẫu nhiên mà Hội nghị Xúc tiến đầu tư Việt Nam, do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và JETRO phối hợp tổ chức trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, lại có chủ đề là “Hướng tới kỷ nguyên mới trong quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản”.
Tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dẫn lời của Thủ tướng Shinzo Abe trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1/2017 rằng, “dòng sông Hồng hùng vĩ chảy xuyên suốt qua Hà Nội, hướng ra Biển Đông, tới biển Hoa Đông rồi nối dòng với vịnh Tokyo. Không gì có thể ngăn sự tự do qua lại trên dòng chảy này. Nhật Bản và Việt Nam là hai nước láng giềng được gắn kết bởi vùng biển tự do”, để nhấn mạnh, “không gì có thể ngăn cản được một kỷ nguyên mới về sự thân tình, gần gũi, tin cậy trong hợp tác phát triển giữa hai nước Việt Nam - Nhật Bản”.
Còn Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe chia sẻ, khi ông trở lại nắm quyền, trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam, đã có 130 doanh nghiệp Nhật Bản đi cùng và đây là lần đầu tiên Thủ tướng Nhật Bản đi xúc tiến kinh doanh. Từ đó đến nay, quan hệ hai nước đã có bước tiến vượt bậc.
Thủ tướng Abe cũng nhấn mạnh, thời gian tới, ông sẽ cùng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục hỗ trợ, ủng hộ các hoạt động đầu tư mạnh mẽ của các doanh nghiệp Nhật Bản thông qua việc hoàn thiện kết cấu hạ tầng có chất lượng cao, cải thiện môi trường đầu tư cũng như đào tạo nguồn nhân lực.
Sự có mặt của hai vị nguyên thủ quốc gia tại một sự kiện có ý nghĩa lịch sử, với sự tham gia của 1.600 doanh nghiệp hai nước - thay vì chỉ 1.200 doanh nghiệp như dự kiến, chính là lời khẳng định cho sự bắt đầu của “kỷ nguyên mới” đó.
Cũng cần nhắc lại một điều rằng, ngay trước chuyến thăm Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có chuyến thăm Hoa Kỳ. Có một điểm chung của hai chuyến đi này, đó là rất đông đảo doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ và nay là của Nhật Bản đã có các cuộc tiếp kiến với Thủ tướng và chia sẻ tầm nhìn, mong muốn được đầu tư tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Thủ tướng cũng gửi thông điệp và cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.
Tại Nhật Bản, tiếp các tập đoàn lớn, Thủ tướng đã rất hoan nghênh kế hoạch đầu tư từ 20-50 khách sạn và khu nghỉ dưỡng ở Việt Nam của Route Inn, hay kế hoạch sản xuất 100.000 ô tô mỗi năm tại Việt Nam của Mazda, cũng như kế hoạch khai thác dầu ở bể Malay - Thổ Chu khu vực Tây Nam Bộ của Dầu khí Mitsui…
Thủ tướng đã bày tỏ sự vui mừng khi biết rằng, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư, có rất nhiều tập đoàn lớn như Sumitomo, Canon, TOA, BTMU, Toyota, Honda, Nidec… đến tham dự. Họ đã đến đầu tư và kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam từ nhiều năm nay. Gần đây, lại có thêm sự có mặt của Aeon Mall và Takashimaya…
Và một điều quan trọng, Thủ tướng đã nhấn mạnh chuyện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” cho dòng vốn đầu tư của Nhật Bản tại Việt Nam, để gửi thông điệp rằng, các nhà đầu tư Nhật Bản nên “quyết định nhanh hơn” khi đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực hạ tầng, kể cả điện lực, logistic, dịch vụ hàng không, du lịch, dịch vụ y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, sinh học, môi trường, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ… Nhất là tới đây, Việt Nam chủ trương thu hẹp lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ, mở rộng cơ hội cho các doanh nghiệp tư nhân, các quỹ đầu tư của Nhật Bản tham gia quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam…
“Tiềm năng hợp tác Việt Nam - Nhật Bản trong giai đoạn tới là vô hạn. Diễn đàn hôm nay góp phần giúp hai bên xích lại gần nhau hơn nữa, hiểu nhau hơn nữa. Đây sẽ là cơ sở vững chắc thúc đẩy doanh nghiệp hai nước, chủ thể của tiến trình hợp tác kinh tế, phát huy tối đa vai trò khởi xướng các ý tưởng mới, sáng tạo, tạo động lực mới trong thương mại và đầu tư, góp phần củng cố, làm phong phú hơn mối quan hệ đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Nhật Bản trong bất cứ hoàn cảnh nào của thế giới”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.
Hôm qua (6/6), Lễ đón chính thức và cuộc hội đàm giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã diễn ra tại Tokyo.
Trước đó, Thủ tướng đã có cuộc hội kiến Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản; gặp lãnh đạo Quốc hội, Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Nhật - Việt; tiếp lãnh đạo doanh nghiệp và các tổ chức hợp tác kinh tế như Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Việt Nam…
Tại cuộc gặp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hạ viện Nhật Bản Tadamori Oshima hoan nghênh chuyến thăm chính thức Nhật Bản của Thủ tướng; khẳng định coi trọng quan hệ với Việt Nam và mong muốn thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Nhật Bản phát triển toàn diện, mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực.
Trong khi đó, tọa đàm với đại diện 60 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin Nhật Bản sáng 6/6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng tôi cùng với ngài Thủ tướng Abe đã thống nhất rằng, hai nước Việt Nam và Nhật Bản đang hướng đến kỷ nguyên mới của quan hệ kinh tế Việt Nam - Nhật Bản”.