Với ngành bảo hiểm Việt Nam, năm 2023, số hóa, insurtech hay IA... không phải là dấu ấn thay đổi trọng yếu, “kỷ nguyên mới” của ngành bảo hiểm Việt Nam được tạo ra bởi cuộc khủng hoảng truyền thông, khủng hoảng sản phẩm, khủng hoảng lòng tin xuất hiện, điều chưa từng có 20 năm qua. Cuộc khủng hoảng này buộc toàn ngành phải thay đổi để hy vọng có được một “kỷ nguyên mới” phát triển bền vững hơn.
Sau hơn 20 năm hình thành thị trường bảo hiểm, ngành vượt qua tất cả các cuộc khủng hoảng kinh tế để duy trì tốc độ tăng trưởng 2 con số liên tục hàng năm. Thành tích ấn tượng đó được tạo bởi một thị trường gần 100 triệu dân, một quốc gia dân số lớn và dân số vàng, một thị trường có mức độ thâm nhập bảo hiểm còn thấp.
Tiềm năng lớn, tiếc rằng, được khai thác một cách “cạn kiệt”, đặc biệt với mảng bảo hiểm nhân thọ, rất ít doanh nghiệp lấy sự hài lòng của khách hàng làm trung tâm, nếu có cũng chỉ là những lời nói! Doanh số, thị phần mới là thước đo được chú trọng nhất. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm sẵn sàng chi trả số tiền rất lớn đề giành được một hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm từ các nhà băng nội địa, tung số tiền rất lớn cho các chiến dịch marketing bán hàng thay vì cho truyền thông thay đổi nhận thức người dân về bảo hiểm, sẵn sàng chi hoa hồng vượt trội đề giành các tổng đại lý của nhau...
Khi lướt nhanh trên một đôi chân yếu, điều gì đến sẽ phải đến và đã đến vào năm 2023. Trong Chuyên đề Toàn cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam ở số báo này, rất nhiều bài viết đã đề cập tới nguyên nhân, hậu quả của câu chuyện, cũng như các khuyến nghị. Bên cạnh những điều đó, có một điều phải suy nghĩ, đầu tiên là với thị trường bảo hiểm nhân thọ, đây là thị trường mà người chơi (trừ Bảo Việt Nhân thọ) đều là các tập đoàn bảo hiểm hàng trăm năm tuổi trên toàn cầu. Các tập đoàn này đã từng trải qua nhiều giai đoạn khốc liệt như thế chiến, nhiều thị trường có mức độ phát triển khác nhau, công nghệ - sản phẩm có sức cạnh tranh và được chấp nhận ở cấp độ toàn cầu…, nhưng tại sao các tập đoàn đó vào Việt Nam với cách làm thiếu bền vững để hệ lụy xảy ra, xét cho cùng, người thiệt thòi chính là khách hàng?
Câu hỏi này có liên quan tới một câu chuyện lâu rồi chưa được đề cập trở lại, liệu có nên mở cửa thị trường tới mức độ gần 100% cho doanh nghiệp ngoại, và cách mà cơ quan quản lý cần phải đặt lại luật chơi như thế nào để bảo vệ khách hàng đa phần là người Việt Nam!
Mở rộng ra câu chuyện này của khối nhân thọ chính là khối phi nhân thọ, đang có một làn sóng mở room 100% vốn để đón các nhà đầu tư ngoại. PVI, doanh nghiệp thị phần hàng đầu thị trường đã thành doanh nghiệp ngoại, 3 doanh nghiệp bảo hiểm trong nước đang được nắm chi phối hay sở hữu lớn bởi một doanh nghiệp bảo hiểm Hàn Quốc… Khi cuộc chuyển giao “vĩ đại” này hoàn tất, toàn ngành bảo hiểm Việt Nam gồm nhân thọ, phi nhân thọ, và môi giới bảo hiểm sẽ là sân chơi của doanh nghiệp ngoại. Lại thêm một “kỷ nguyên mới” khác có thể xuất hiện.
Đây là câu chuyện của thị trường, quy luật của sự tồn tại trong kinh doanh, nhưng qua câu chuyện khủng hoảng ngành bảo hiểm 2023, hy vọng những sự chuyển động đã và diễn ra từ cơ quan quản lý tới từng doanh nghiệp sẽ giúp thị trường phát triển bền vững và khách hàng thực sự là trọng tâm, không còn những khách hàng phải đi nộp đơn tố cáo, phải chấp nhận “cắt lỗ” hợp đồng…