Kỹ năng để vượt qua nỗi sợ phái sinh

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Có một nỗi sợ vô hình đối với chứng khoán phái sinh trong không ít nhà đầu tư cá nhân, không chỉ ở người từng thua lỗ, mà với cả người chỉ mới… nghe qua.
Khối lượng giao dịch trên sàn phái sinh gần đây quanh mức 100.000 hợp đồng/phiên, giảm mạnh so với bình quân 286.000 hợp đồng/phiên trong tháng 7/2021. Khối lượng giao dịch trên sàn phái sinh gần đây quanh mức 100.000 hợp đồng/phiên, giảm mạnh so với bình quân 286.000 hợp đồng/phiên trong tháng 7/2021.

Chim thương sợ cành cong

Một chuyên gia chứng khoán nhận xét, chứng khoán phái sinh có vai trò phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở, tuy nhiên, trong vòng 2 năm kể từ khi thị trường phái sinh khai trương (ngày 10/8/2017), nhà đầu tư tham gia giao dịch chủ yếu nhằm hưởng chênh lệch giá, bởi cơ chế giao dịch phái sinh cho phép nhà đầu tư mua bán liên tục, ghi nhận lãi/lỗ ngay lập tức. Giai đoạn đó, các nhà đầu tư nhỏ lẻ thường xuyên chiếm tỷ trọng trên 98% giá trị giao dịch.

Công cụ đầu tư mới này hiện vẫn có sức hút ghê gớm, nhưng thực tế giao dịch nhằm hưởng chênh lệch giá không dễ mang lại lợi nhuận. Rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ. Số lượng tài khoản chứng khoán phái sinh gia tăng theo thời gian, nhưng chỉ bằng khoảng 10% tài khoản thị trường cơ sở và thanh khoản những tháng gần đây giảm dần. Bởi lẽ, nếu không có kiến thức, kinh nghiệm, đặc biệt là kiểm soát tâm lý, tuân thủ kỷ luật đầu tư, thì rủi ro thua lỗ trên sàn phái sinh rất cao.

Nhà đầu tư Trần Ngọc (Hà Nội), người vừa quyết định “chia tay” với chứng khoán phái sinh sau khi mất phần lớn vốn đầu tư sau 4 tháng “lướt sóng” cho biết, nhà đầu tư chỉ cần ký quỹ khoảng 25 - 26 triệu đồng là có thể giao dịch 1 hợp đồng phái sinh.

Giá bán cao hơn giá mua, hoặc giá mua thấp hơn giá bán là lợi nhuận sẽ tự động được ghi nhận ngay vào tài khoản. Trừ thuế và phí, chỉ cần giá chênh lệch trên 0,5 điểm là có lãi (1 điểm tương đương 100.000 đồng).

Sau một thời gian đầu tư phái sinh ảo và có lãi, anh Ngọc quyết định chơi thật và không cưỡng lại việc giao dịch liên tục nhằm tận dụng các đợt sóng tăng/giảm trong phiên, dù tổng kết lại, chi phí và các khoản lỗ thường xuyên lớn hơn các khoản lãi. Khi lỗ thì muốn gỡ, lãi thì muốn lãi thêm, nên tay không ngừng đặt lệnh, ngay cả khi anh đã dán mảnh giấy ghi dòng chữ “hạn chế giao dịch, kiên nhẫn canh mua - bán” lên màn hình máy tính.

Theo anh Ngọc, tâm lý khi đầu tư thật khác xa so với đầu tư ảo, tâm lý dao động liên tục theo diễn biến giá, nhất là sau khi mở vị thế.

Cụ thể, lo lắng với vị thế mua khi thấy giá giảm. Giá giảm ít nên chưa vội cắt lỗ, đến khi giá giảm nhiều thì kỳ vọng giá sẽ phục hồi, nhưng cuối cùng lại cắt lỗ ở vùng đáy. Lúc giá hồi thì chưa vội mua lại ngay vì thầm nghĩ, nhỡ giá sẽ sớm quay đầu giảm?

Ngược lại, tâm lý cực kỳ hưng phấn khi thấy giá tăng sau khi mua, dẫn đến nâng giá mục tiêu, khi mức tăng của thị giá giảm dần vẫn cố giữ vị thế, chờ giá tăng trở lại mới bán, cuối cùng lại bán ở mức giá mà lãi chẳng đáng bao nhiêu, thậm chí lỗ.

Mặt khác, diễn biến giá thực tế đôi khi “chạy” nhanh hơn các con số trên bảng điện tử nên lệnh đặt sát thị giá thường không được khớp, nếu nới mức giá đặt thì dẫn tới nguy cơ lãi giảm, hoặc lỗ tăng.

Có những lúc, giá tăng nhiều nên chiến lược mua đuổi mang lại lợi nhuận và ngược lại, giá giảm nhiều nên chiến lược bán đuổi mang lại lợi nhuận. Chiến lược này thường hiệu quả khi thị trường cơ sở đang trong xu hướng tăng, còn thị trường trong xu hướng giảm hoặc đi ngang thì nhà đầu tư dễ rơi vào tình trạng “mua cao, bán thấp”, hoặc “mua thấp, bán thấp hơn”, vì giá đảo chiều bất ngờ.

Rút kinh nghiệm trường hợp này, anh Ngọc chuyển sang mở vị thế bán ở giá cao, mở vị thế mua ở giá thấp nhằm đón đầu, nhưng giá lại không như dự kiến, khiến anh cuống cuồng cắt lỗ.

Nhìn chung, thị trường phái sinh thường diễn biến không như dự đoán, tưởng giá sẽ giảm thì thực tế lại tăng, tưởng giá sẽ tăng thì thực tế lại giảm.

Sau khi lỗ nhiều hơn lãi, tâm lý nhà đầu tư dần trở nên thận trọng, nhưng hiệu quả giao dịch hầu như không được cải thiện.

Do thận trọng nên thường bỏ lỡ cơ hội, giá thấp không mở vị thế mua ngay, mà chờ giảm thêm, nhưng giá tăng trở lại, lúc đó lại nghĩ giá cao rồi, không nên mua. Ngược lại, giá cao không mở vị thế bán ngay, mà chờ giá cao hơn, nhưng giá lại quay đầu giảm, lúc đó trong đầu lại phân vân giữa quyết định bán hay mua.

“Khi lãi, đầu óc tôi rất nhẹ nhõm, nghĩ mình thật tài giỏi, có thể sớm gỡ lại các khoản lỗ. Nhưng tổng kết lại, các quyết định mua bán thường sai nhiều hơn. Nếu đầu tư chứng khoán cơ sở thì tin tức chi phối giá, còn đầu tư phái sinh, giá hầu như biến động theo tâm lý, hoặc động thái của “đội lái”. Tôi đã quyết định rút ra khỏi thị trường phái sinh, quay trở lại thị trường cơ sở”, anh Ngọc chia sẻ.

Anh Huy, một người từng chơi phái sinh cho hay, đôi khi anh dự đoán được diễn biến chỉ số cơ sở là VN30, nhưng giá phái sinh không phải lúc nào cũng cùng chiều, thậm chí ngược lại, dẫn đến các quyết định giao dịch sai thời điểm, hoặc làm đảo lộn nhận định ban đầu, nhất là khi tham khảo thêm ý kiến trên các diễn đàn mạng.

Một trong những kinh nghiệm mà anh Huy rút ra là phải tự tin vào nhận định của bản thân, canh thời điểm giá thấp trong phiên để mở vị thế mua, canh thời điểm giá cao trong phiên để mở vị thế bán, rồi đặt luôn lệnh chờ để đóng vị thế, sau đó đóng bảng điện tử, nhằm tránh thay đổi tâm lý. Đặc biệt, nhà đầu tư không nên vào các phòng (room) tư vấn trên mạng. Những người hay đọc đỉnh, đoán đáy càng không đáng tin.

Theo anh Huy, càng đầu tư, anh càng rút ra được kinh nghiệm, nhưng dường như kinh nghiệm trên sàn phái sinh không bao giờ là đủ, mà kinh nghiệm được đánh đổi bằng thời gian, sức khỏe (mắt luôn dán vào bảng điện), tiền bạc, nên hiện anh cũng “sợ” phái sinh, sau nhiều lần “tiếc đứt ruột” bởi các khoản thua lỗ.

Anh Tuyến, một nhà đầu tư chưa từng thử sức trên sàn phái sinh nhưng khẳng định sẽ không bao giờ tham gia, vì hầu hết bạn bè anh đều thua lỗ. Mặt khác, anh có thói quen phân tích doanh nghiệp nên thấy việc đầu tư phái sinh khá vô vị khi đơn thuần “đánh” chỉ số, mang tính may rủi, thậm chí cờ bạc.

“Nhà đầu tư chỉ nên dành một phần nhỏ tài khoản để tham gia đầu tư trên sàn phái sinh, nếu lỗ hết khoản đó thì thôi, không nên nạp tiền chơi tiếp. Với người ít vốn hoặc ngại rủi ro, tốt nhất nên tránh xa”, anh Tuyến nói.

Để vượt qua nỗi sợ

Số lượng tài khoản chứng khoán phái sinh gia tăng, nhưng ở phía ngược lại, một bộ phận nhà đầu tư trở nên “sợ” thị trường này.

Ông Vũ Duy Khánh, Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Smart Invest (AAS) cho rằng, có thể nỗi sợ với phái sinh xuất phát từ mô hình lý thuyết khó tiếp cận so với chứng khoán cơ sở; thị trường có diễn biến khó lường; câu chuyện thua lỗ của những nhà đầu tư đi trước khiến cả những người chưa tiếp xúc với phái sinh cũng e dè, ác cảm.

Theo thống kê của HNX, tỷ trọng giao dịch chứng khoán phái sinh của nhà đầu tư cá nhân trong nước liên tục giảm, năm 2019 đạt mức bình quân 92,51%, năm 2020 là 85,86%, đến tháng 9/2021 giảm còn 74,7%.

Theo ông Khánh, thị trường phái sinh về cơ bản có diễn biến cùng chiều với chỉ số cơ sở, nhưng nhiều nhà đầu tư luôn có cảm giác có “nhà tạo lập”, “đội lái” tác động vào chỉ số hoặc giá phái sinh, dẫn đến những biến động bất ngờ, khó lường, khiến họ cảm thấy rủi ro và không được bảo vệ.

Tỷ lệ nhà đầu tư thua lỗ trên thị trường phái sinh nhiều hơn trên thị trường cơ sở và có những nỗi sợ “vô hình” với phái sinh, nhưng thực tế cho thấy, nhà đầu tư khi đã tham gia thì sẽ khó có thể dứt ra được, bởi tính “gây nghiện” của cơ chế giao dịch T+0, lãi/lỗ hạch toán ngay lập tức. Đây cũng là lý do khiến có những người bước chân vào địa hạt phái sinh trở nên thờ ơ với chứng khoán cơ sở.

Vẫn theo ông Khánh, cần phải nhìn nhận khách quan rằng, phái sinh là sản phẩm giúp nhà đầu tư phòng vệ rủi ro khi nắm giữ danh mục chứng khoán cơ sở với nhiều cổ phiếu, đồng thời giúp nhà đầu tư có cơ hội kiếm lời cả từ sự đi xuống của giá chứng khoán cơ sở và chỉ số VN30.

Tuy nhiên, vì lý do tỷ lệ ký quỹ giao dịch thấp và cơ hội thu lãi lớn trong thời gian ngắn nên đa số nhà đầu tư cá nhân bị cuốn vào cuộc đầu cơ, khiến thị trường phái sinh bị sai bản chất, sai với thiết kế sản phẩm ban đầu.

Ông Khánh đánh giá, lỗi cơ bản mà các nhà đầu tư phái sinh hay gặp phải đó là giao dịch nhiều nhưng hiệu quả thấp, vì thường chốt lời các khoản lãi nhỏ, trong khi lỗ lớn mới quyết định cắt. Ngoài ra, các khoản phí và thuế khi giao dịch phái sinh ở mức cao.

Vị chuyên gia tại Chứng khoán Smart Invest khuyến nghị, nhà đầu tư phái sinh nên cân nhắc chiến lược nắm giữ vị thế đến khi đáo hạn sau khi phân tích kỹ xu hướng của thị trường cơ sở, cụ thể là chỉ số VN30. Đồng thời, chọn thời điểm thị trường có xu hướng lớn để tham gia, vì giá phái sinh thường có diễn biến tương đồng hơn so với thị trường có xu hướng nhỏ.

Các khung giờ giao dịch quan trọng như 11h00, 13h00, 14h00 hàng ngày thường có lệnh lớn đẩy vào, nên các nhà đầu tư cần chú ý hiện tượng này khi giao dịch và hạn chế mua bán trong các phiên xác định giá mở cửa (ATO), bởi vì khả năng sai xu hướng rất cao.

Thành Nguyễn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục