Kỷ lục hủy niêm yết

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm 2013, toàn thị trường có 21 DN hủy niêm yết, bằng của cả năm 2012 và là con số cao kỷ lục từ trước đến nay trên TTCK.
Kỷ lục hủy niêm yết

> Hiện trạng doanh nghiệp muốn hủy niêm yết

> Cửa ra cho cổ phiếu hủy niêm yết

> Hủy niêm yết vì biên độ giá, UBCK nói gì?  

> Bao nhiêu DN chào sàn nửa cuối năm?

Đó là số liệu được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đưa ra trong báo cáo về TTCK Việt Nam 6 tháng đầu năm 2013.

Có 3 lý do khiến các DN bị hủy niêm yết, đó là DN thua lỗ 3 năm liên tiếp, lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ, hoặc hủy niêm yết tự nguyện để tái cấu trúc, hay giải thể công ty.

Xét trên 3 lý do này, nhiều DN hủy niêm yết là đáng mừng hơn là đáng ngại, bởi thị trường cần được thanh lọc để chất lượng cổ phiếu "sạch" hơn, những DN niêm yết phải xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của công chúng. Tuy nhiên, nếu so con số 21 DN hủy niêm yết trong 6 tháng với con số 9 DN niêm yết mới giai đoạn này, sẽ thấy một khoảng hụt.

Thị trường cần nhiều hơn nỗ lực tạo hàng để tăng cường hàng hóa mới lên niêm yết, duy trì và thu hút các dòng tiền mới vào thị trường.

Từ khi Luật Chứng khoán ra đời, công tác xét duyệt niêm yết và theo đó là công tác tạo hàng cho TTCK được đặt trọng tâm vào 2 Sở GDCK. Ở vai trò của UBCK, cơ quan này tập trung xây dựng, hoàn chỉnh hành lang pháp lý điều tiết hoạt động của toàn thị trường.

Việc tạo hàng tại 2 Sở trở nên quan trọng hơn khi các Sở phải hạch toán độc lập (từ năm 2009), tự chủ về tài chính và phải thực hiện chế độ tài chính, chế độ kiểm toán theo quy định pháp luật. DN niêm yết mang lại một nguồn thu ổn định cho các Sở, bên cạnh đó DN có quy mô càng lớn, thanh khoản càng cao, sẽ đóng góp nguồn thu từ phí giao dịch càng lớn cho các Sở.

Chính vì yếu tố trên mà công tác tạo hàng cho TTCK của nhà quản lý không chỉ thuần túy mang ý nghĩa vì thị trường, vì nhà đầu tư, mà ở đó còn vì chính nguồn thu cũng như vị thế của mỗi Sở GDCK trong bức tranh chung toàn TTCK Việt Nam.

Trong bối cảnh số DN hủy niêm yết gia tăng, tạo hàng cho TTCK là nhiệm vụ quan trọng được cả 2 Sở đặt ra.

Mặc dù mỗi Sở có một tiêu chí niêm yết riêng (sàn HOSE, DN phải có vốn điều lệ tối thiểu 120 tỷ đồng; sàn Hà Nội, DN có vốn điều lệ tối thiểu 30 tỷ đồng), nhưng do quy định pháp lý chỉ đưa ra mức sàn, nên với ứng viên là các DN lớn, kinh doanh hiệu quả, sẽ khó tránh khỏi khả năng cả 2 sàn đều muốn "mời" DN lên niêm yết.

Cạnh tranh nội bộ trong thu hút DN lên sàn có thể xảy ra khi cả 2 Sở đều muốn gia tăng số lượng DN niêm yết để bù đắp phần nào lượng DN hủy niêm yết. Bài toán này buộc 2 Sở phải nỗ lực đổi mới, gia tăng các tiện ích và tính hấp dẫn để tăng sức hút với các DN và nhà đầu tư.

Theo UBCK, Đề án hợp nhất 2 Sở GDCK thành Sở GDCK Việt Nam sẽ được hoàn tất cuối năm nay để trình Chính phủ xem xét. Từ nay đến giai đoạn hợp nhất được 2 Sở, chắc chắn sẽ còn nhiều DN phải hủy niêm yết và công tác tạo hàng tiếp tục là bài toán tế nhị với TTCK Việt Nam.

Người quan sát
Người quan sát

Tin cùng chuyên mục