Để phát hành thành công, thời điểm và mức giá chào bán là yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, tại CTCP Công nghiệp khoáng sản Bình Thuận (KSA), những đợt phát hành tăng vốn từ năm 2013 đến nay khá kỳ lạ khi mức giá chào bán luôn cao hơn thị giá và sau mỗi lần phát hành “ế”, sẽ có những NĐT cá nhân/tổ chức “chịu” đứng ra mua cổ phần nhằm đảm bảo kết quả phát hành được “mỹ mãn”.
Điểm qua giao dịch cổ phiếu KSA trong năm 2014 và năm 2015, cụ thể, năm 2014, thị giá cổ phiếu KSA giảm nhẹ 10%, tuy nhiên, mức biến động giữa giá cao nhất và thấp nhất lại khá rộng 108%, khối lượng giao dịch (KLGD) bình quân ở mức khá, khoảng hơn 1 triệu đơn vị/phiên. Tuy nhiên, từ đầu năm 2015 đến nay, thị giá cổ phiếu KSA đã giảm hơn 40,6%, từ mức 9.600 đồng/CP xuống còn 5.700 đồng/CP, KLGD bình quân khoảng 0,7 triệu đơn vị/phiên. Giá thấp nhất rơi vào ngày 25/8, chỉ còn 3.600 đồng/CP.
Vào khoảng cuối năm 2013, KSA có đợt chào bán hơn 18,5 triệu cổ phần cho cổ đông hiện hữu, giá chào bán bằng mệnh giá. Kết quả, khối lượng đặt mua chỉ đạt 2.680 cổ phiếu. Mức giá chào bán giai đoạn này cao hơn thị giá cổ phiếu KSA, do vậy, lẽ đương nhiên, NĐT nếu muốn đầu tư cổ phiếu KSA sẽ mua trên sàn vẫn được giá tốt hơn.
Tuy nhiên, HĐQT KSA tiếp tục chào bán đợt hai và có 3 tổ chức, 12 cá nhân đăng ký mua toàn bộ lượng cổ phiếu chưa bán hết cho cổ đông, với giá vẫn bằng mệnh giá. Trong đó NĐT tổ chức đặt mua khoảng 5,5 triệu cổ phiếu, còn các NĐT cá nhân đặt mua hơn 13 triệu cổ phiếu.
Đáng chú ý vào cuối năm 2013, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc KSA đăng ký mua 4,5 triệu cổ phiếu, nâng nắm giữ từ 2.249.268 cổ phiếu, tỷ lệ 14,57%, lên 6.749.268 cổ phiếu, tỷ lệ 19,87% (sau phát hành).
Trong giai đoạn từ năm 2013 đến nay, KSA có nhiều sự thay đổi về nhân sự cấp cao. Tại ĐHCĐ bất thường tháng 11/2014, Đại hội đã bầu ông Hoàng Đức Hải (đại diện nhóm cổ đông đến từ Đông Âu) thay thế ông Nguyễn Văn Dũng để giữ chức Chủ tịch HĐQT KSA.
Sau đó, KSA lại có đợt thay đổi nhân sự, ông Nguyễn Văn Hoàng được bầu làm Chủ tịch HĐQT KSA, thay ông Hoàng Đức Hải. Cũng trong giai đoạn này, ông Dũng đã đăng ký bán gần hết số cổ phiếu KSA nắm giữ và giảm sở hữu xuống còn 1.352.388 cổ phiếu KSA, tỷ lệ 3,62% và không còn là cổ đông lớn kể từ ngày 11/12/2014. Diễn biễn giá cổ phiếu khoảng 3 tháng trở lại cũng khá tích cực, tăng từ 8.300 đồng/CP lên 11.300 đồng/CP, KLGD đạt khá, hơn 1,5 triệu CP/phiên.
Tiếp tục trong năm 2015, KSA đăng ký chào bán hơn 67 triệu cổ phiếu, trong đó, 56 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 2:3 và 11 triệu cổ phiếu chào bán riêng lẻ cho đối tác chiến lược. Ngày đăng ký cuối cùng 30/9/2015. Cũng tương tự như trường hợp trên, thị giá KSA giai đoạn này chỉ loanh quanh ở mức 4.000 đồng/CP (từ 3.800-4.800 đồng/CP trong tháng 9, nhích lên 4.100-4.600 đồng/CP trong tháng 10, từ tháng 11 đến nay có mức nhỉnh tích cực hơn, từ 4.300-5.700 đồng/CP).
Kết quả, trong tổng số 56 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu, chỉ có 1,22 triệu cổ phiếu được đăng ký mua. Số cổ phần “ế”, KSA đã phân phối tiếp cho 10 NĐT cá nhân và tổ chức. Trong đó, CTCP VFI Việt Nam mua 10 triệu cổ phiếu, CTCT Tư vấn và đầu tư Sài Gòn Năng Động mua 20 triệu cổ phiếu (trước đó, công ty này chỉ mới nắm giữ 10 cổ phiếu KSA). Tương tự, đợt chào bán 11 triệu cổ phiếu riêng lẻ với mức giá 10.000đ/CP cũng không thành công khi không có cổ phiếu nào được mua. Nguyên nhân theo giải trình của KSA là do các cổ đông chiến lược thông báo không thực hiện quyền mua cổ phần phát hành riêng lẻ. Theo đó, HĐQT Công ty cũng thống nhất không phân phối tiếp số cổ phần chào bán riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược và số cổ phần này sẽ bị hủy bỏ.
Mới đây nhất, CTCP Chứng khoán VSM đã đăng ký mua 6 triệu cổ phiếu KSA, ứng với 6,42% vốn điều lệ, từ ngày 18/12/2015 đến ngày 16/1/2016 qua phương thức khớp lệnh, thỏa thuận. Đáng chú ý, bà Phạm Thị Hinh hiện là Chủ tịch HĐQT KSA, đồng thời là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của CTCK VSM. Bà Hinh được bầu làm Chủ tịch KSA từ ngày 26/3/2015 và hiện nắm giữ 1,22 triệu cổ phiếu KSA, tỷ lệ 1,3%.
Sự thay đổi nhân sự với mật độ khá dày và sự gia nhập của nhóm các cổ đông mới có lẽ là điều dễ nhận thấy tại KSA. Điều này có ảnh hưởng đến hoạt động của DN hay không có lẽ cần thêm thời gian để đánh giá. Tuy nhiên, với nhân sự mới, có lẽ sẽ còn nhiều việc phải làm tại đây để cải thiện hơn tình hình kết quả kinh doanh, khi mà luỹ kế 9 tháng đầu năm 2015, doanh thu và lợi nhuận giảm mạnh hơn 55% và 92,5% so với cùng kỳ 2014.