Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Bấm nút không ngập ngừng

0:00 / 0:00
0:00
Khi có nhiều chính sách mới được trình và cần quyết định ngay trong một kỳ họp Quốc hội, để bớt đi những ngập ngừng khi bấm nút, đòi hỏi nỗ lực không chỉ của cá nhân mỗi đại biểu, mà còn của nhiều cơ quan khác.
Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Bấm nút không ngập ngừng

Quốc hội khóa XV chuẩn bị bước vào đợt hai của Kỳ họp thứ tám (diễn ra từ ngày 20 đến 30/11) với dự kiến thông qua 18 luật và nhiều nghị quyết chứa những quyết sách quan trọng, tác động sâu rộng đến đời sống xã hội.

Theo thông lệ, Quốc hội thông qua các luật, nghị quyết bằng hình thức biểu quyết điện tử. Với hình thức này, bên cạnh nhấn nút tán thành/không tán thành, mỗi đại biểu còn có thể chọn nút “không biểu quyết” khi sự ngập ngừng còn quá lớn, khó quyết định chọn nút nào trong hai nút còn lại.

Thường thì số đại biểu chọn “không biểu quyết” rất ít. Nhưng kể cả khi chọn tán thành/không tán thành, thì sự ngập ngừng cũng khó tránh, nhất là với kỳ họp này, không chỉ một mà nhiều luật được đề nghị thông qua theo quy trình rút gọn tại một kỳ họp (thông lệ là 2 kỳ họp). Rồi chủ trương đầu tư Dự án Đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, dự án có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, cũng cần được bấm nút.

Chưa kể, Nghị quyết về Thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất - đang gây rất nhiều tranh cãi, chỉ được bổ sung vào giữa kỳ họp - cũng cần quyết định ngay…

Riêng về xây dựng pháp luật, có những dự án luật rất khó như Luật Điện lực (sửa đổi), cũng được đề xuất thông qua ngay tại kỳ họp này.

Việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, đặc biệt là tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện các quy định về chủ trương đầu tư, lựa chọn hoặc chấp thuận nhà đầu tư, cấp phép xây dựng các dự án điện gió ngoài khơi, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn, lưới điện, đương nhiên được Quốc hội ủng hộ.

Trong báo cáo trước khi trả lời chất vấn trực tiếp tại Kỳ họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã bày tỏ rằng, Chính phủ “trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua Luật Điện lực (sửa đổi) tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý”.

Nhưng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội vẫn đầy lo lắng khi cho ý kiến vào Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) mới nhất ở phiên họp thứ 39 vừa qua. Bởi một số nội dung vẫn đang còn thiết kế 2 phương án, việc xem xét, thông qua dự án Luật tại 1 hay 2 kỳ họp hiện vẫn còn ý kiến khác nhau. Chủ tọa phiên họp phải “đề nghị Bộ trưởng Bộ Công thương tập trung hơn nữa cho công tác phối hợp để chỉ đạo sát sao hơn và đảm bảo chất lượng của dự án luật này”.

Ngoài sửa Luật Điện lực, hàng loạt luật khác (Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư…) cũng được sửa đổi một số điều, với nhiều quy định phân cấp, phân quyền mạnh mẽ chưa từng có. Trong khi đó, việc phân cấp - như phân tích của nhiều vị đại biểu Quốc hội, cần đảm bảo nguyên tắc không được trái với quy định của Hiến pháp, phải kiểm soát quyền lực, phải đảm bảo các nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước. Nguyên tắc rất quan trọng nữa là phải phù hợp với năng lực của cơ quan được phân cấp. Và một trong những yêu cầu của Luật Tổ chức chính quyền địa phương là phân cấp thì phải kèm theo phân bổ nguồn lực.

Khối lượng luật, nghị quyết cần Quốc hội thông qua rất đồ sộ, chính sách mới vừa khó lại vừa nhiều, thế nên Quốc hội nghỉ (giữa hai đợt họp), nhưng các cơ quan của Quốc hội vẫn làm ngày làm đêm để tiếp thu ý kiến đại biểu, chỉnh lý các dự thảo. Các cơ quan soạn thảo cũng không kém phần vất vả để phối hợp tiếp thu, có những vấn đề phải có báo cáo giải trình cấp tốc. Rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cả Chủ nhật, cả buổi tối để cho ý kiến.

Sự thống nhất giữa các bên càng cao, tiếp thu, giải trình càng thuyết phục, thì sự ngập ngừng khi bấm nút sẽ càng bớt đi. Có thể vẫn không tránh khỏi những băn khoăn, thậm chí hoàn toàn không đồng ý trước một vài điều khoản, nhưng không lẽ vì thế mà không bấm nút thông qua cả một đạo luật, trong khi yêu cầu từ cuộc sống cấp thiết lắm rồi.

Thế nên, chọn nút bấm nào, cũng chẳng hề dễ với mỗi vị đại diện cho dân ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Những ngập ngừng chỉ có thể bớt đi khi mỗi vị đại biểu dành đủ thời gian, tâm sức cho những vấn đề cần được bấm nút.

Nguyên An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục