Khi con tàu HQ 571 kéo lên những hồi còi dài rời âu thuyền Trường Sa Lớn cũng là lúc nhiều giọt lệ lăn rơi trên khuôn mặt nhiều người trong Đoàn công tác số 8 ra thăm quần đảo Trường Sa và Nhà dàn DK1. Hai hàng chiến sĩ đảo Trường Sa đứng trên âu tàu hát vang những bài hát về Trường Sa để tạm biệt những tình cảm đến từ đất liền và khắp 5 châu khiến ai cũng phải bồi hồi xúc động.
Anh Phạm Quang Long, Phó chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, người đàn ông từng trải gần 50 tuổi đời với bước chân đi qua hơn 50 nước trên thế giới, đã không kìm nén cảm xúc của mình, để mặc những giọt nước mắt rơi và bật lên khe khẽ: “Thương bọn trẻ quá”.
Trường Sa là như vậy, đầy nắng, đầy gió táp, mưa sa, với những người chiến sĩ chắc tay súng canh gác biển trời, chấp nhận mọi gian khổ và sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Hướng dẫn xuồng vào đảo |
“Đất liền yêu Trường Sa”, hơn 200 người trong đoàn công tác thăm đảo và nhà dàn đã đồng thanh hô vang như vậy để tạm biệt những người lính đảo trước khi tàu rời bến trở lại đất liền. Anh Long và chúng tôi, những người đến từ nhiều cơ quan, đơn vị trong đất liền và cả kiều bào từ 17 nước trên thế giới trong đoàn công tác, với hầu hết là lần đầu đến với Trường Sa. Sau 8 ngày thăm các đảo chìm, đảo nổi, chứng kiến cuộc sống của những người chiến sĩ nơi đảo xa, thì mọi sự ngạc nhiên và háo hức ban đầu đều chuyển thành những tình cảm thương yêu.
Anh Long chia sẻ, anh đã phải chờ đợi hơn 2 năm mới có chuyến đi này, sau thời gian ngăn trở vì dịch khiến các chuyến tàu thăm đảo phải tạm dừng.
“Các chiến sĩ trên các đảo đa phần trạc tuổi con mình, nên khi nhìn những khuôn mặt xạm đi vì nắng gió, những bàn tay chai sạn vì cuộc sống và huấn luyện thì thương lắm, xúc động lắm”, anh Long chia sẻ.
Di chuyển bằng ca nô từ tàu vào đảo chìm |
Trường Sa đã đổi khác
Chia sẻ với chúng tôi, Đại úy Phạm Đình Phú trên đảo Đá Tây C chia sẻ: “Các anh ra đây thăm đảo vui một thì bọn em vui mười”.
Cái mà các chiến sĩ thiếu nhất có lẽ là tình cảm của đất liền. Những năm gần đây, với sự quan tâm và đầu tư của Đảng và Nhà nước, cùng với sự chung tay của người dân cả nước với tinh thần “Cả nước vì Trường Sa, Trường Sa vì cả nước”, cuộc sống vật chất trên các đảo đã thay đổi rất nhiều.
Trên các đảo nổi rộng rãi có cư dân ở như Song Tử Tây, Sinh Tồn và Trường Sa Lớn, nhà cửa sinh hoạt của chiến sĩ đều được xây dựng khang trang, có điện gió, điện mặt trời, hệ thống xử lý nước, mạng điện thoại 2G của Viettel… Ngoài ra, các đảo này còn có chùa, trường học, hệ thống y tế, nhà cộng đồng, dịch vụ hậu cần cho thuyền cá, giúp cuộc sống của người dân, nhân viên trạm khí tượng, hải đăng và ngư dân ghé đảo không quá khác xa với cuộc sống trên đất liền.
Vườn rau xanh, chảo truyền hình vệ tinh, sóng điện thoại, năng lượng mặt trời, máy lọc nước biển, phòng ốc khang trang... đã giúp các chiến sĩ có đời sống vật chất và tinh thần đầy đủ và phong phú. |
Còn trên các đảo chìm, trước đây sinh hoạt rất khó khăn vì diện tích nhỏ giữa mênh mông biển trời, thì giờ đã được đầu tư xây dựng khá khang trang. Chỉ cho chúng tôi vườn rau tăng gia, trạm điện gió, điện mặt trời, hệ thống bồn chứa nước, trạm thu phát viễn thông, đại úy Phạm Đình Phú trên đảo Đá Tây C cho biết, cuộc sống người lính đảo hiện nay đã được đảm bảo rất tốt. Các chiến sĩ, ngoài huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu, đã có đủ cơ sở vật chất để tập luyện thể thao như gym, bóng bàn, có TV và điện thoại để kết nối với đất liền và đặc biệt có đủ nước ngọt phục vụ sinh hoạt, đủ rau xanh và đồ tươi phục vụ bữa ăn hàng ngày.
“Đời sống các chiến sĩ đã tốt hơn rất nhiều, nhưng sống giữa mênh mông đất trời, nên rất mong có được sự giao lưu, chia sẻ và động viên từ đất liền. Hai năm trước, do dịch bệnh, đảo không có khách đến thăm. Năm nay vui lắm, chúng em được tiếp các anh các chị, xem văn công biểu diễn trực tiếp, rất là hạnh phúc”, đại úy Phạm Đình Phú nói.
Trong nắng và gió
Những cái bắt tay thật chặt, những ánh mắt long lanh thay mọi lời nói cho niềm vui, nỗi xúc động của những người lính đảo và những vị khách trong đoàn công tác tới thăm các chiến sĩ. Cuộc sống vật chất và tinh thần của người lính đã đủ đầy, nhưng gian khổ và hiểm nguy vẫn còn nguyên vẹn.
Chuẩn đô đốc Phạm Như Xuân cùng các cháu thiếu nhi trên đảo Song Tử Tây |
Theo giới thiệu trong tài liệu của Vùng 4 Hải Quân, Quần đảo Trường Sa nằm ở khu vực khí hậu, thời tiết rất khắc nghiệt, một năm có tới 131 ngày bão, gió từ cấp 6 trở lên, mỗi tháng có 13-20 ngày gió mạnh.
“Sóng bắt đầu từ gió”, những người trên biển có thể sẽ hiểu câu thơ lãng mạn này theo một cách khác. Chỉ cần gió lên là sóng biển dập dồn, Đoàn công tác số 8 của chúng tôi ra đảo vào những ngày tháng 5, nằm trong 2 tháng đẹp nhất năm để đi biển (tháng 4 - 5), nhưng vẫn có những ngày biển động, sóng cao tới 2 m, khiến tàu không thể tiếp cận đưa khách lên thăm đảo cũng như Nhà dàn DK1.
Mà sóng gió trên biển thì khá bất thường, khó nắm bắt quy luật. Trong câu chuyện kể của người lính đảo, có những thời điểm, tàu cung cấp thực phẩm, vật tư đến rất gần đảo, buông neo rồi, mà không ra được vì sóng quá lớn, ca nô từ đảo không thể di chuyển để tiếp cận tàu lớn. Hoặc có những hôm, ca nô đang di chuyển từ tàu tiếp vào, biển đang đẹp thì bất chợt mưa dông kéo đến mịt mùng, khuất hết tầm nhìn, đành phải thả trôi ca nô trên biển. Khi mưa dông qua thì ca nô đã trôi cách đảo 3-4 hải lý.
Thăm hỏi tặng quà người dân và các cháu học sinh trên đảo Sinh Tồn |
Nhưng bão mới là thứ dữ dội nhất trên vùng đảo Trường Sa, do địa hình đơn độc giữa biển, nên sức gió luôn rất lớn. Cơn bão số 9 ngày 18/12/2021 vào đảo Song Tử Tây có sức gió lên tới cấp 15, cấp 16, giật trên cấp 17, thủy triều và sóng biển cao 6 - 10 m đã tạo sức phá hoại nghiêm trọng.
Theo Thượng tá Trần Thanh Tú, Chỉ huy trưởng, kiêm Bí thư xã đảo Song Tử Tây, bão đi qua đã làm đổ, bật gốc, gãy khoảng 90% cây xanh, 17 căn nhà bị bay ngói, 194 tấm pin năng lượng mặt trời bị bay vỡ, toàn bộ kính cường lực trên đài quan sát, bệnh xá bị sập đổ, trạm điện gió bị cong, mất tua-bin cánh quạt, đất trên đảo bị nhiễm mặn 100%…
Cũng theo Thượng tá Trần Thanh Tú, sau bão, đảo phải ra nghị quyết chuyên đề để nhanh chóng khắc phục hậu quả. Sau khi được cấp nhiều cây, đảo đã trồng mới hơn 10.000 cây xanh, củng cố các vườn rau bị sập, xử lý đất nhiễm mặn… Đến nay, đã khắc phục được 90% công việc.
Chùa trên đảo Sinh Tồn |
Ánh mắt Trường Sa
Trước khi lên hành trình 8 ngày thăm đảo, Trung tá Trần Ngọc Dương, Chính ủy Trung đoàn 196 Hải Quân đã “bật mí” sớm với chúng tôi về Trường Sa: “Các anh đi lần đầu sẽ có nhiều cái mới, nhiều cảm xúc, nhưng các anh hãy chú ý vào một điều đặc biệt, đó là ánh mắt người chiến sĩ”.
Ánh mắt Trường Sa, quả thật, rất khó để mô tả. Có sự hồn nhiên của những người lính trẻ, sự vui tươi không hề giấu giếm, có những những ánh mắt trong veo dõi rất xa của những người lính trong phiên gác, cũng ánh mắt đó có thoáng miên man khi được hỏi về gia đình ở quê nhà, ánh mắt rất vui nhưng cũng long lanh khi chia tay những vị khách ra thăm đảo và ánh mắt vụt sáng kiên cường khi được hỏi về những hiểm nguy từ bão tố và quân thù…
Ký họa Trường Sa của các họa sĩ trong Đoàn công tác số 8 |
Họa sĩ Nguyễn Văn Trinh, Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ (Hội Mỹ thuật Việt Nam) đã phác họa cả trăm bức chân dung những người lính đảo trong chuyến công tác. Trinh chia sẻ: “Em chọn vẽ phác họa vì thời gian không cho phép thực hiện các tác phẩm hội họa lớn, nhưng các khuôn mặt của người lính trên các đảo Trường Sa sẽ là chất liệu cho các tác phẩm thực hiện khi vào bờ”.
“Nếu đưa được các ánh mắt, đưa được các cảm xúc của người lính vào được tác phẩm, thì em tin rằng, tác phẩm sẽ thành công”, Trinh cho biết.
Ký họa về Trường Sa của họa sĩ Nguyễn Văn Trinh cứ vội vàng như thế, như sợ thời gian chuyến công tác trôi quá nhanh không ghi kịp hết những hình ảnh thân thương của người chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Chúng tôi cũng vậy, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều cố gắng ghi lại không chỉ bằng thiết bị ghi hình, mà đều cố gắng đong đầy những ánh mắt, các khung cảnh của Trường Sa để rồi đưa sâu vào trí nhớ, để rằng những kỷ niệm đó sẽ có những lúc ùa về trong tâm thức, trong lời nói, khi có dịp nhắc tới TRƯỜNG SA.