Lãi quý II tăng 22%, tiếp tục xúc tiến mua mỏ khoáng sản mới
Theo báo cáo tài chính quý II/2019, KSB đạt 292 tỷ đồng doanh thu, tăng 8% so với cùng kỳ; lợi nhuận gộp 144 tỷ đồng, tăng tương ứng 8%. Trong kỳ, doanh thu tài chính đạt 19 tỷ đồng, tăng 217% nhưng đồng thời chi phí tài chính cũng tăng mạnh lên mức xấp xỉ 15 tỷ đồng từ mức hơn 1 tỷ đồng của cùng kỳ năm trước.
Điểm tích cực là chi phí quản lý được tiết giảm 11,4 tỷ đồng, tương ứng giảm đến 39%. Qua đó, giúp KSB ghi nhận 114 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, và 97 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng lần lượt 14,8% và 21,7% so với cùng kỳ năm 2018. Có được kết quả này, KSB cho biết là nhờ sản lượng khai thác và tiêu thụ đá tăng cao so cùng kỳ.
Luỹ kế 6 tháng đầu năm, KSB đạt doanh thu 589 tỷ đồng, tăng 12,5%; lợi nhuận sau thuế đạt 153 tỷ đồng, tương đương cùng kỳ và hoàn thành được 48% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Theo đánh giá của KSB, mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận 6 tháng 2019 so với cùng kỳ chủ yếu do cùng thời điểm mỏ đá Tân Đông Hiệp đang phải tạm ngưng hoạt động để chờ giấy phép mới. Điều này được phản ánh khá rõ trong báo cáo tài chính riêng 6 tháng 2019, khi doanh thu tăng trưởng 12% và lợi nhuận tăng trưởng 73% so với cùng kỳ 2018. Như vậy, mặc dù chưa hoàn thành 50% kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm, nhưng việc duy trì được doanh thu và lợi nhuận sau một thời gian dài tăng trưởng ổn định và liên tục cho thấy hoạt động kinh doanh của Công ty vẫn đang ổn định.
Tại thời điểm 30/6/2019, tổng tài sản KSB đạt 3.216 tỷ đồng, tăng 319 tỷ đồng so với đầu năm, tương đương tăng 11%. Đáng chú ý, khoản uỷ thác đầu tư tại thời điểm này là hơn 708 tỷ đồng, tăng 15% so với đầu năm. Nhiều khả năng hoạt động M&A doanh nghiệp có các mỏ đá lớn, tiềm năng vẫn đang được xúc tiến triển khai.
Theo kế hoạch năm 2019 đã trình cổ đông thông qua, tổng chi phí đầu tư dự kiến cho việc nhận chuyển nhượng doanh nghiệp có các mỏ khoáng sản (sét gạch ngói, đá xây dựng, cát xây dựng) trong khu vực Đông Nam Bộ của KSB lên đến 1.000 tỷ đồng. Do đó, nhiều dự đoán, doanh nghiệp mục tiêu mà KSB hướng đến một doanh nghiệp lớn, có nhiều mỏ đá và còn thời hạn khai thác dài.
Mới đây, Hội đồng quản trị KSB có thông báo về việc phát hành 350 tỷ đồng trái phiếu trong quý III/2019, kỳ hạn 2 năm, kỳ thanh toán lãi 6 tháng/lần. Đây là trái phiếu doanh nghiệp không chuyển đổi, có bảo đảm bằng tài sản, không kèm chứng quyền.
Công ty chưa công bố kết quả cũng như trái chủ của đợt phát hành này, tuy nhiên với việc được tiếp cận các thông tin doanh nghiệp trước khi quyết định đầu tư, nếu đợt phát hành thành công cho thấy các khoản ủy thác của KSB là cụ thể và không quá rủi ro để nhà đầu tư trái phiếu có thể quyết định đầu tư.
Việc phát hành nằm một phần trong tổng thể kế hoạch huy động vốn của KSB nhằm tăng quy mô hoạt động, trong đó có việc mở rộng các mỏ đá hiện hữu. Đồng thời, tìm kiếm và đầu tư các mỏ đá mới có vị trí, chất lượng tốt ở khu vực Đông Nam Bộ.
Công tác đền bù và xây dựng hạ tầng KCN tiếp tục được đẩy mạnh
Năm 2017, KSB thành lập Công ty TNHH MTV Phát triển khu công nghiệp KSB với vốn điều lệ 300 tỷ đồng, đầu tư chiến lược vào hệ sinh thái khu công nghiệp. Theo đó, Khu công nghiệp Đất Cuốc, được đổi tên mới là Khu công nghiệp KSB có tổng diện tích là 553 ha, bao gồm 2 khu A và B.
Nhằm tạo giá trị gia tăng và có thêm nguồn thu ổn định qua các năm, KSB đã tiến hành xây dựng hệ sinh thái khu công nghiệp. Công ty đã xin chuyển đổi một phần, khoảng 2,8 ha đất công nghiệp sang đất thương mại dịch vụ để xây dựng tiện ích như cửa hàng kinh doanh, nhà ở công nhân, khu trung tâm thương mại dịch vụ... Mục tiêu của KSB là hình thành nên nhiều tiện ích khác như ngân hàng, viễn thông, nhà trẻ, siêu thị, khuôn viên cây xanh... ngay trong khu công nghiệp giúp các công nhân tại đây sinh hoạt thuận tiện và đảm bảo được các nhu cầu sinh sống. Qua đó, Khu công nghiệp KSB thu hút khách thuê nhiều hơn và có được giá cho thuê tốt hơn.
KSB đánh giá, nhu cầu thuê khu công nghiệp vẫn còn rất cao, bằng chứng là dù chưa hoàn thiện giải phóng mặt bằng nhưng đã có khách bày tỏ muốn thuê diện tích lớn và sẵn sàng “xuống tiền” để đặt cọc. Khách thuê diện tích lớn chủ yếu là doanh nghiệp ngành gỗ, kế đến là các doanh nghiệp gia công một số mặt hàng điện tử, may mặc - những ngành nghề kinh doanh được đánh giá hưởng lợi khi Mỹ đánh thuế các hàng hoá nhập khẩu Trung Quốc.
Trên thực tế, nhờ chính sách kinh tế mở thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam đã giúp nhu cầu thuê đất công nghiệp tăng mạnh mẽ. Chưa kể đến, Việt Nam là một trong những “điểm đến” của dòng vốn đầu tư dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc.
Theo thống kê của công ty chứng khoán, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp với tổng diện tích gần 95.000 ha. Trong đó, diện tích đất có thể cho thuê đạt gần 64.000 ha, chiếm khoảng 68% tổng diện tích. Có 250 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động với tỷ lệ lấp đầy đạt hơn 73% và 76 khu công nghiệp đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng.
Trong khi đó, nguồn cung cả hai miền trong giai đoạn cuối năm 2018 đầu năm 2019 không đáng kể. Tỷ lệ lấp đầy nhích nhẹ so với cùng kỳ, trong đó TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tiếp tục duy trì tỷ lệ lấp đầy cao, trên 80%. Giá thuê tăng lên ở cả hai vùng do nhu cầu thuê tăng lên mạnh mẽ (miền Bắc giá thuê quý I tăng 7,6% so với cùng kỳ; còn miền Nam, giá thuê trong quý IV/2018 tăng 16% so với quý IV/2017)
JLL dự đoán có khoảng 9.793 ha đất dự kiến sẽ gia nhập thị trường trong 3 năm tới và miền Nam vẫn có vai trò là điểm đến đầy hứa hẹn cho đầu tư công nghiệp.
Theo báo cáo tài chính riêng lẻ và hợp nhất quý II/2019 của KSB, doanh thu của các công ty con đã giảm so với quý I/2019. Nhiều khả năng doanh thu từ khu công nghiệp chưa được ghi nhận nhiều trong quý II.
Tại thời điểm 30/6/2019, KSB có chi phí xây dựng cơ bản dở dang lên đến 589 tỷ đồng, tăng 43% so với đầu năm, chủ yếu đến từ chi phí đến bù - xây dựng cơ bản Khu công nghiệp KSB 527 tỷ đồng. Con số này tiếp tục tăng so với mức 346 tỷ đồng của quý I/2019, cho thấy công tác đầu tư cho khu công nghiệp vẫn đang được xúc tiến mạnh mẽ. Với tình hình thị trường thuận lợi, dự báo doanh thu và lợi nhuận từ khu công nghiệp sẽ là nguồn thu lớn và tiềm năng của Công ty trong năm 2019 cũng như những năm tới.
Tình hình với riêng Khu công nghiệp KSB, phần diện tích hiện hữu (212,4 ha) đã được KSB cho thuê hết. Công ty đã và đang thực hiện đầu tư mở rộng Khu công nghiệp giai đoạn 1 và 2. Trong đó, giai đoạn 1 (128,1 ha) đã hoàn tất công tác đền bù và dần hoàn thiện hạ tầng, KSB cũng ký thỏa thuận cho thuê khoảng 60% diện tích của giai đoạn này. Còn giai đoạn 2 (187 ha) đang trong quá trình đền bù.
Ngoài Khu công nghiệp KSB, Công ty cũng “ngắm nghía” một số địa điểm thích hợp để xin đầu tư khu công nghiệp (chờ UBND tỉnh trình quy hoạch khu công nghiệp giai đoạn 2020 - 2025 - PV). Đồng thời, KSB cũng tìm khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nhà đầu tư muốn bán lại, vị trí khu vực phía Nam như Bình Dương, Đồng Nai, Long An.
Với việc đầu tư vào khu công nghiệp là chiến lược của KSB nhằm hưởng lợi được từ nhu cầu thuê bất động sản khu công nghiệp đang tốt, đồng thời đảm bảo được nguồn thu ổn định hàng năm.