Trong khi đó, nghe câu chuyện về khả năng liệu có thể go live sau kỳ nghỉ dài, vào 2/5 tới không, một thành viên am hiểu thị trường nói đùa “Có thể là có và cũng có thể không bao giờ”…
Hệ thống giao dịch mới KRX cứ “hẹn lên, hẹn xuống” vốn dĩ đã trở thành… chuyện thường ngày với nhiều nhà đầu tư. Bởi thế, trước khi UBCK có công văn hỏa tốc đề nghị các bên liên quan chưa golive vào thời điểm 2/5/2024, một số nhà đầu tư chuyên nghiệp có kinh nghiệm bám sàn nhiều năm khi được hỏi “thấy sao nếu KRX chưa đi vào hoạt động sau kỳ nghỉ lễ tới?”, đã trả lời rằng “điều này có khi lại tốt cho thị trường”.
Kể điều đó để thấy, nhiều nhà đầu tư không kỳ vọng quá lớn vào việc khi đưa hệ thống KRX vào giao dịch, thị trường sẽ có nhiều thay đổi, sẽ có những bước chuyển lớn.
Trao đổi với giới báo chí về KRX, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch UBCK cũng nói rằng, sau khi kiểm thử hệ thống cơ bản xong, hoàn thiện các bước cuối cùng sẽ cho phép vận hành KRX, nhưng nhà đầu tư cũng nên có kỳ vọng đúng. Việc mở ra, triển khai sản phẩm mới có cho phép hay không thì cơ quan quản lý cần cân nhắc phù hợp với khung pháp lý, quan trọng hơn là phải quản lý được rủi ro, an toàn hệ thống, ban đầu cần để CTCK dần làm quen với hệ thống mới.
Về thanh khoản thị trường, những kỳ vọng cho rằng giá trị giao dịch có thể đạt tới 4 tỷ USD/phiên cũng được một số chuyên gia chứng khoán cho là phóng đại. Thống kê các thị trường tương đối phát triển cho thấy, hiếm có thị trường nào giao dịch với giá trị giao dịch quá 0,5% vốn hóa/ngày, dù các thị trường này đều trading T0 từ lâu, cũng như có nhiều sản phẩm thay vì chỉ khớp lệnh và thỏa thuận như sàn chứng khoán Việt Nam. Hiện tại, vốn hóa của HOSE chưa đến 5 triệu tỷ đồng, thanh khoản hiện tại hơn 20.000 tỷ đồng tương đương 0,4% vốn hóa/ngày, cũng là mức tương đối so với các thị trường khu vực. Con số quanh 30.000 tỷ đồng/phiên, do đó là mức hợp lý hơn nhiều so với 4 tỷ USD (tương đương giá trị giao dịch/vốn hóa 2%).
Cải thiện thanh khoản đối với thị trường chứng khoán Việt Nam có quan trọng không? Từ phân tích trên, đồng thời nhìn lại tiêu chí nâng hạng của MSCI, tiêu chí thanh khoản được ước tính theo giao dịch hàng năm/vốn hóa cổ phiếu tự do lưu hành, mức yêu cầu cho thị trường phát triển chỉ là 20%. Việt Nam hiện có giá trị giao dịch/vốn hóa theo năm (không loại cổ phiếu hạn chế lưu hành) cũng đã quanh hoặc hơn 100%.
Không phải tất cả nhà đầu tư bỏ vốn vào chứng khoán đều có nhu cầu giao dịch hàng ngày và việc mua đi, bán lại liên tục cũng được khuyến nghị không hiệu quả đối với phần lớn nhà đầu tư cá nhân. Do đó, thúc đẩy sự phát triển của thị trường không chỉ nằm ở việc đưa hệ thống giao dịch mới vào vận hành mà quan trọng hơn là phải củng cố chất lượng cổ phiếu niêm yết, tăng thêm vốn hóa thị trường bằng việc có thêm nhiều doanh nghiệp hàng đầu đưa cổ phiếu vào giao dịch…
Khi người dân có những địa chỉ an toàn, sinh lời bền vững để bỏ vốn dài hạn, họ mới yên tâm coi chứng khoán là một kênh cất trữ tài sản như ở nhiều thị trường phát triển đi trước. Còn nếu chỉ tập trung vào những giải pháp bề nổi, thì dù cho thị trường có sự tham gia của nhiều nhà đầu tư cá nhân ở một giai đoạn nào đó, chỉ số tăng mạnh, thanh khoản tăng cao, cũng vẫn mong manh và đi kèm tính biến động cao, rủi ro lớn.