Kremlin coi kết quả bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp Nga là “chiến thắng“

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Kết quả trưng cầu dân ý về Hiến pháp sửa đổi tương đương với kết quả bầu cử tổng thống năm 2018 và cao hơn nhiều so với kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp Liên bang năm 1993, tờ RBC đưa tin.
Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: TASS

Theo dữ liệu sơ bộ chính thức do Ủy ban Bầu cử Trung ương Nga (CEC) công bố sau khi kiểm 100% phiếu bầu, có 77,92% cử tri bỏ phiếu thuận, 21,27% bỏ phiếu chống trong cuộc trung cầu dân ý toàn Nga về Hiến pháp sửa đổi.

65,28% người Nga đủ điều kiện đã đi bỏ phiếu từ ngày 25/6-1/7. Trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp, có thể cho phép Tổng thống Nga Vladimir Putin nắm quyền tới năm 2036, ban đầu được lên kế hoạch diễn ra ngày 22/4 song đã bị hoãn do đại dịch Covid-19.  

Theo luật pháp Liên bang Nga, các sửa đổi Hiến pháp sẽ chỉ có hiệu lực nếu hơn một nửa số cử tri tham gia bỏ phiếu ủng hộ, không có quy định về số cử tri đi bầu tối thiểu. Với kết quả trên, Hiến pháp Nga với 206 sửa đổi mới đã được người dân đồng ý thông qua.

Các sửa đổi Hiến pháp chính lần này bao gồm đảm bảo lương hưu tối thiểu, định nghĩa về hôn nhân và thiết lập lại giới hạn nhiệm kỳ tổng thống.

Hãng tin RBC cho biết, kết quả bỏ phiếu lần này vượt quá mong đợi của chính quyền tổng thống Nga Putin.

“Không ai ngờ rằng, trong bối cảnh đại dịch lây lan, tình hình kinh tế khó khăn và mùa hè nóng nực, kết quả bỏ phiếu lại có thể cao như thế. Không bê bối, số người vi phạm quy định ở mức tối thiếu. Đây là một chiến thắng”, hai nguồn nội bộ Kremlin tiết lộ với RBC.

Trước đó, các quan chức Kremlin hy vọng, sẽ có khoảng  60% cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu.

Kết quả đạt được trong cuộc trưng cầu dân ý lần này tương đương với trong cuộc bầu cử tổng thống cách đây 2 năm. Năm 2018, 76,69% công dân Liên bang Nga đã bỏ phiếu cho Vladimir Putin, trong khi các đối thủ của ông nhận được tỏng cộng 21,45% số phiếu bầu.

Ngoài ra, kết quả bỏ phiếu lần này cũng vượt xa kết quả bỏ phiếu trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới do Tổng thống đưa ra năm 1993. Khi đó, tỷ lệ cử tri đủ điều kiện đi bỏ phiếu bỏ phiếu là 54,81%, kết quả có 58,43% phiếu thuận và 41,57% phiếu chống.

Quỳnh Lê
RBC

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục