Có tổng mức đầu tư khoảng 1.100 tỷ đồng, nhà máy thủy điện Nậm Pạc có tổng công suất lắp máy 34MW. Sau khi hoàn thành và đi vào hoạt động trong quý IV/2020, nhà máy thủy điện Nậm Pạc sẽ cung cấp sản lượng điện trung bình khoảng 150 triệu kWh cho hệ thống điện quốc gia, đồng thời sẽ mang lại doanh thu khoảng 240 tỷ đồng/năm cho chủ đầu tư và đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 36 tỷ đồng/năm.
Theo số liệu từ Hiệp hội năng lượng Việt Nam, với nhu cầu điện ở Việt Nam được ước tính sẽ tăng 12% mỗi năm, chính phủ đã đặt mục tiêu tạo ra 265 tỷ kWh điện vào năm 2020 và 570 tỷ kWh điện vào năm 2030. Con số này cao gấp khoảng 3 lần hiện nay là 170 tỷ kWh. Điều này cho thấy nguồn cung và nhu cầu sử dụng nguồn điện năng chưa tương đồng, và việc xảy ra tình trạng thiếu điện là rất rõ ràng.
Do đó, theo ông Nguyễn Việt Cường - Chủ tịch Tập đoàn Kosy cho biết, việc đầu tư nhà máy thủy điện Nậm Pạc là phù hợp trong bối cảnh hiện nay, mang lại một bước tiến lớn trong chiến lược phát triển của Tập đoàn Kosy khi tấn công sang lĩnh vực năng lượng sạch. Với doanh thu ổn định có được từ nhà máy, chúng tôi đặt mục tiêu cân bằng thu hồi vốn trong khoảng chỉ 6 - 8 năm sau khi phát điện chính thức…”
Dự án dự kiến mang lại doanh thu khoảng 240 tỷ đồng/ năm cho chủ đầu tư và đóng góp vào ngân sách địa phương khoảng 36 tỷ đồng/ năm
Được biết, nhà máy thủy điện Nậm Pạc được thiết kế xây dựng theo loại hình thủy điện đường dẫn, trong đó có 04 con đập dâng nước làm hoàn toàn bằng bê tông cốt thép trọng lực. Dự kiến, sau khi được xây dựng xong, sẽ tạo ra một diện tích mặt hồ rộng khoảng 18 ha. Đây chính là yếu tố thuân lợi tạo điều kiện để hình thành và phát triển các cơ sở nuôi cá nước lạnh có hiệu quả kinh tế cao. Từ đó mở ra hướng đi mới trong việc phát triển nuôi cá lồng bè trên các hồ thủy điện để khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương
Ngoài ra, khi nhà máy thủy điện Nậm Pạc được triển khai và đi vào hoạt động, hệ thống hạ tầng giao thông gần 40km đường liên xã, liên huyện từ thị trấn Mường So đi vào xã Nậm Xe và xã Sin Súi Hồ được nâng cấp, cải tạo mở rộng và hiện đại hóa.
Trong quá trình xây dựng, đặc biệt là vào các giai đoạn cao điểm, nhà máy thủy điện Nậm Pạc có thể tập trung tới 700 – 800 các cán bộ, kỹ sư, công nhân và người dân địa phương cùng tham gia thi công các hạng mục liên quan trên công trường. Khi nhà máy hoàn thành, với tuổi đời khai thác trên 50 năm, thì hàng năm sẽ có từ 40 – 60 kỹ sư, công nhân vận hành, sinh sống trực tiếp tại khu vực nhà máy.