UBND tỉnh Kon Tum vừa ban hành Kế hoạch ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ trên địa bàn tỉnh. Mục đích của Kế hoạch này nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, các chủ đập, hồ chứa thủy điện và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chủ động ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ nhằm giảm thiệt hại về người và tài sản của Nhân dân và nhà nước.
Kế hoạch cũng nhằm nâng cao năng lực lãnh đạo, công tác phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lực lượng, tổ chức thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và nâng cao ý thức cảnh giác cho các tầng lớp nhân dân tại địa phương về nguy cơ và cách phòng tránh thảm họa thiên tai để giảm thiểu tối đa thiệt hại cho nhân dân…
Yêu cầu đặt ra đối với kế hoạch này là củng cố, kiện toàn hệ thống tổ chức, hoạt động của các cơ quan, đơn vị, các địa phương liên quan và chủ đập, hồ chứa thủy điện trong công tác ứng phó sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ và tìm kiếm cứu nạn bảo đảm sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị lực lượng để đáp ứng kịp thời yêu cầu ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ khi có tình huống xảy ra.
Các cơ quan, đơn vị chủ động xây dựng các phương án sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người trong tình huống sự cố vỡ đập, hồ thủy điện và xả lũ; đồng thời, giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm, bảo vệ tính mạng Nhân dân.
Đồng thời, các cơ quan, đơn vị chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời nhằm để giảm thiểu thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản do sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ gây ra; thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng; khắc phục khẩn trương và hiệu quả sau sự cố vỡ đập, hồ thủy điện, xả lũ.
Theo thống kê của UBND tỉnh Kon Tum, hiện tại trên địa bàn tỉnh có 30 công trình thủy điện đang vận hành khai thác do các đơn vị doanh nghiệp quản lý đã lập quy trình vận hành hồ chứa và được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 2 công trình thủy điện lớn (Thượng Kon Tum, Plei Krông) nằm trên lưu vực thuộc hệ thống sông Sê San phải thực hiện quy trình vận hành hồ chứa liên hồ và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 13/2/2018 về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Sê San.
Trong 30 công trình thủy điện đang vận hành khai thác, có 9 công trình vận hành đập tràn có cửa van điều tiết, còn lại các công trình vận hành đập tràn tự do.
Trong đó, đối với công trình Hồ chứa cắt lũ kết hợp phát điện Đăk Bla do Công ty TNHH KONIA quản lý vận hành khai thác đã được cập nhật trong Kế hoạch số 1988/KH-UBND ngày 15/6/2021 của UBND tỉnh về ứng phó thảm họa vỡ đập, hồ thủy lợi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có các công trình thủy điện lớn nằm trên lưu vực thuộc hệ thống sông Sê San liên quan đến 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai, bao gồm: Ialy, Sê San 3, Sê San 3A, Sê San 4.
Hiện nay, các đơn vị quản lý đập, hồ thủy điện đang vận hành đã tổ chức lập Phương án bảo vệ đập, Phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp đập, hồ chứa chi tiết, cụ thể cho từng công trình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định để triển khai thực hiện quản lý, vận hành, khai thác theo quy định.
Đập các công trình thủy điện đang vận hành được xây dựng có kết cấu là đập bê tông trọng lực (trừ đập thủy điện Thượng Kon Tum, Đăk Pô Cô, Đăk Psi 5 là đập đất đồng chất) được thiết kế đặt trên nền đá kiên cố, đảm bảo an toàn về độ bền và độ ổn định của thân đập, nền đập và hai vai đập trong trường hợp thiết kế và kiểm tra; hệ số an toàn về ổn định, độ bền, biến dạng chung, cục bộ của đập và nền trong mọi trường hợp làm việc rất khó xảy ra trường hợp vỡ đập thông thường.
Tuy nhiên, trong quá trình vận hành công trình do các sự cố bất ngờ dưới đây dẫn đến sự cố vỡ đập, hồ thủy điện như: Ở thân và chân đập có các chỗ rò rỉ bị xói, sụt lở và lượng nước rò rỉ ngày càng gia tăng; có chỗ đất sụt lún bị mở rộng ra nhanh chóng, trượt mái đập đột ngột và diễn ra với tốc độ nhanh không kịp xử lý theo các biện pháp thông thường; lũ về hồ thủy điện đặc biệt lớn, tương đương mức lũ thiết kế trở lên xảy ra đột ngột (do trên lưu vực có mưa quá lớn, kéo dài nhiều ngày...) nên nước lũ về hồ nhanh, không thể kịp vận hành theo quy trình khiến các cửa van tràn có thể bị kẹt, hư hỏng, mất khả năng điều khiển; xảy ra động đất mạnh vượt mức chịu của đập theo thiết kế, do bị phá hoại với mức độ rất nghiêm trọng; do con người tác động, phá hoại gây vỡ đập.
Về xả lũ, do tác động áp thấp nhiệt đới, bão, siêu bão ảnh hưởng trực tiếp đến tỉnh Kon Tum nên trên lưu vực sông, suối các công trình thủy điện xuất hiện mưa có cường độ lớn, diện rộng, lượng mưa khá lớn, thời gian mưa kéo dài gây ra lũ nên các công trình thực hiện các bước xả lũ theo quy trình vận hành hồ chứa thủy điện được phê duyệt (vận hành hồ chứa xả lũ đối với công trình có cửa van).