Kon Tum kêu gọi doanh nghiệp lớn đầu tư trồng sâm Ngọc Linh

Kon Tum ban hành nhiều chính sách ưu đãi để thu hút doanh nghiệp lớn đầu tư vào vùng dược liệu, đặt mục tiêu trở thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia.
Vùng dược liệu trên địa bàn Kon Tum.

UBND tỉnh Kon Tum cho biết, sau 3 năm thực hiện chính sách đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu, Kon Tum đã thu hút được nguồn vốn lớn đầu tư phát triển vùng dược liệu.

Theo thống kê, đến nay, tỉnh Kon Tum đã chấp thuận chủ trương đầu tư 24 dự án phát triển dược liệu với tổng vốn đăng ký đạt 13.213 tỷ đồng; địa phương này đã phát triển được 2.416,5 ha dược liệu. Trên địa bàn tỉnh Kon Tum có gần 1.160 ha sâm Ngọc Linh và gần 2.700 ha cây dược liệu khác, được trồng chủ yếu tại 3 vùng dược liệu trọng điểm của tỉnh là huyện Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông.

Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, ông Lê Ngọc Tuấn cho biết, tỉnh đã và đang triển khai các giải pháp để xây dựng tỉnh Kon Tum thành vùng phát triển dược liệu trọng điểm của cả nước.

Cụ thể, tỉnh Kon Tum đã quy hoạch vùng phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu với tổng diện tích quy hoạch 31.742,8ha, thuộc địa bàn 2 huyện Đăk Glei và Tu Mơ Rông. Ngoài ra, Kon Tum cũng đang rà soát các vùng lân cận có khả năng trồng Sâm Ngọc Linh và dược liệu để bổ sung quy hoạch. Đồng thời, trình Thủ tướng Chính phủ về Phương án thí điểm trồng sâm Ngọc Linh và dược liệu dưới tán rừng đặc dụng kết hợp với bảo vệ rừng bền vững trên địa bàn Kon Tum.

Kon Tum cũng hỗ trợ huyện Tu Mơ Rông và huyện Đăk Glei mua giống cấp cho người dân trên địa bàn trồng và phát triển sâm Ngọc Linh và sử dụng, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ từ các Chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tìm hiểu, kết nối, thu hút các doanh nghiệp lớn vào đầu tư chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Để thu hút nhà đầu tư vào phát triển dược liệu, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều chính sách ưu đãi như hỗ trợ chi phí cho nhà đầu tư sản xuất giống sâm Ngọc Linh để hỗ trợ lại giống cho hộ gia đình, cá nhân, nhóm hộ, cộng đồng dân cư tham gia liên kết trồng sâm Ngọc Linh với nhà đầu tư. Mức hỗ trợ 50.000.000 đồng/ha sâm trồng liên kết, diện tích hỗ trợ không quá 10 ha/nhà đầu tư. Số lượng giống sâm Ngọc Linh thương phẩm được nhà đầu tư hỗ trợ là 500 cây/ha, mỗi gia đình, cá nhân được hỗ trợ một lần không quá 100 cây giống thương phẩm.

Đối với dự án trồng Đảng sâm và Đương quy, hỗ trợ một lần 50% chi phí mua cây giống cho hộ gia đình, cá nhân; hỗ trợ một lần cho hộ nghèo 100% chi phí mua cây giống, chi phí mua phân bón hữu cơ vi sinh theo định mức cho chu kỳ đầu tiên, diện tích hỗ trợ tối đa 1.000m2.

Kon Tum đặt mục tiêu phấn đấu phát triển vùng dược liệu tỉnh Kon Tum thành vùng dược liệu trọng điểm quốc gia và trở thành trung tâm sản xuất dược liệu lớn của cả nước vào năm 2025, với diện tích Sâm Ngọc Linh khoảng 4.500 ha; các cây dược liệu khác khoảng 10.000 ha, tức là mỗi năm trồng mới được ít nhất 2.000 ha cây dược liệu các loại.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Kon Tum kêu gọi đầu tư vào 31 dự án trồng và chế biến dược liệu với quy mô gần 13.900 ha, tổng vốn đầu tư 8.995 tỷ đồng. Các dự án kêu gọi đầu tư thuộc 9/10 huyện, thành phố của Kon Tum, chủ yếu ở 3 huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và Kon Plông.

Hoàng Anh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục