Kính xây dựng: hàng ngoại vẫn ở chiếu trên

(ĐTCK-online) Dù đã có Thông tư 11/2009/TT-BXD nhằm quản lý về chất lượng các mặt hàng kính xây dựng (cũng nhằm vào việc hạn chế kính nhập lậu), nhưng những thương hiệu "ngoại" vẫn là ứng cử viên sáng giá cho các công trình cao cấp.
Các tòa nhà, cao ốc cao cấp hiện sử dụng kính phản quang và kính low-e khá nhiều

Financial Tower (quận 1, TP. HCM) là công trình do Tập đoàn Bitexco làm chủ đầu tư, không chỉ lập nên kỷ lục cao nhất Việt Nam , mà còn có những điểm khá nổi bật khác. Cụ thể, tòa nhà đầu tiên có sân đáp trực thăng, được kết cấu chủ yếu từ thép và kính. Để tạo nên công trình cao nhất này, đã có 6.000 tấm kính được sử dụng để bao quanh tòa nhà và được cắt với những kích thước khác nhau (do diện tích giữa các tầng không giống nhau). Loại kính được sử dụng cho tòa nhà chủ yếu là kính nhập khẩu (thương hiệu North Glass).

Theo ông Nguyễn Du Trường Nguyên, Phó giám đốc kinh doanh và tiếp thị CTCP Địa ốc Phú Long, dù kính nổi sản xuất trong nước vẫn có chỗ đứng trong thị trường xây dựng, nhưng do còn hạn chế về mặt công nghệ nên kính trong nước chưa đáp ứng được một số yêu cầu về mặt kỹ thuật đối với những công trình cao cấp và có quy mô lớn như Financial Tower (TP. HCM) hay Keangnam Tower (Hà Nội).

Theo một nhà nhập khẩu kính hàng đầu tại Việt Nam , đối với kính xây dựng có thể phân loại thành các dạng: kính trắng, kính màu, kính phản quang và kính low-e (cản nhiệt). Hiện các công ty trong nước có thể sản xuất được kính trắng lẫn kính màu và đang chiếm lĩnh 60% thị phần (chủ yếu là phục vụ các công trình dân dụng), hay nói đúng hơn đa phần các nhà sản xuất trong nước có thể sản xuất kính nguyên liệu với kích thước 4 - 12 mm (bề dày); 40% còn lại là các loại kính nhập khẩu (kích thước 15 - 19 mm, kính phản quang và low-e).

Nhà nhập khẩu này cho rằng, xu hướng của các tòa nhà, cao ốc cao cấp hiện nay là tiết kiệm năng lượng, nên tỷ trọng sử dụng kính phản quang và kính low-e khá lớn. Ngoài ra, đối với các khách sạn 3 - 5 sao, đa phần đều sử dụng kính 15 - 19 mm cho tiền sảnh. Vì thế, kính nhập khẩu có vị thế khá vững.

Dạo quanh một số showroom chuyên về kính xây dựng tại TP. HCM, có thể dễ dàng nhìn thấy những thương hiệu kính nhập khẩu nổi tiếng như: Asahi (Nhật Bản), Glaverbel (Bỉ), Saint Gobain (Pháp), North Glass (Trung Quốc)… Đứng ở góc độ nhà nhập khẩu và gia công kính, ông Lương Trọng Tuấn, Giám đốc CTCP Sản xuất - dịch vụ Phú Phong cho biết, hiện Công ty chủ yếu nhập khẩu và gia công theo đơn đặt hàng của các nhà thi công và lắp đặt. Theo đó, Phú Phong chủ yếu nhập các mặt hàng kính nguyên liệu mà Việt Nam không sản xuất được (kính cao cấp) từ Trung Quốc và các quốc gia khác.

Theo thống kê của một số nhà nhập khẩu kính, đối với thị trường kính nguyên liệu nhập khẩu, Trung Quốc đang nắm hơn 60% thị phần; 30 - 35% nhập từ các quốc gia ASEAN như Indonesia, Thái Lan…; 3 - 5% còn lại là từ các nước châu Âu. Sở dĩ kính nguyên liệu từ châu Âu không được sử dụng nhiều tại các công trình tại Việt Nam chủ yếu là do biến động tỷ giá EUR/VND. Hơn nữa, mức giá của các loại kính này thường cao, do tất cả các khoản phí về vận chuyển, thủ tục… đều được cộng vào đơn giá.

Riêng các loại kính nhập khẩu trong khu vực ASEAN chủ yếu là của các thương hiệu nổi tiếng của Mỹ, Nhật Bản…, bởi đa phần các nhà sản xuất này đều có nhà máy đặt tại Thái Lan, Indonesia.

Thị trường xây dựng Việt Nam bắt đầu tăng dần sự hiện diện của kính nhập khẩu từ khu vực ASEAN, do các nhà nhập khẩu tận dụng lợi thế về mặt địa lý và mức thuế. Theo đó, với việc gia nhập vào Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), thuế suất mà Việt Nam đánh vào kính nguyên liệu nhập khẩu chỉ còn từ 0 - 5%; trong khi đó, thuế suất đối với kính nguyên liệu từ Trung Quốc là 30%. Song, tại thời điểm này, kính nhập từ Trung Quốc (do Trung Quốc tự sản xuất hoặc do các hãng nước ngoài đặt nhà máy tại đây sản xuất) vẫn đang ở ngôi vị dẫn đầu, do giá cả cạnh tranh (giá đầu vào thấp; cùng chủng loại, nhưng giá kính nhập từ Trung Quốc thấp hơn kính sản xuất trong nước khoảng 10%).

Tuy có mức thuế cao, nhưng theo tìm hiểu của ĐTCK, trên thực tế, kính nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có thể "lách" quy định về quản lý chất lượng hàng hóa kính xây dựng tại Thông tư 11/2009/TT-BXD của Bộ Xây dựng bằng cách "đóng mộc Temper" (kính an toàn đã qua xử lý) và nghiễm nhiên trở thành kính thành phẩm. Khi đó, mức thuế suất mà kính nhập khẩu từ Trung Quốc phải chịu chỉ còn 5 - 10% (kính thành phẩm).

Minh Nguyên
Minh Nguyên

Tin cùng chuyên mục