Kinh tế Việt Nam: Trông đợi sự tăng tốc

0:00 / 0:00
0:00
Có lẽ, không cụm từ nào đúng hơn để nhận định về kinh tế Việt Nam ở thời điểm này bằng cụm từ “đà phục hồi mạnh mẽ”. Có rất nhiều dẫn chứng để chứng minh điều này.
Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước.

Con số dễ thấy nhất nằm chính ở sức mua của nền kinh tế. Tổng cục Thống kê, khi công bố số liệu này cũng đã nhận định rằng, hoạt động thương mại và dịch vụ “phục hồi ở tất cả các ngành và “ghi nhận mức tăng cao” so với cùng kỳ năm 2021.

Cụ thể, tháng 8/2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tăng 0,6% so với tháng trước đó và tăng 50,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt quy mô và tốc độ tăng cao hơn so cùng kỳ các năm trước khi xảy ra Covid-19. Trong đó, dịch vụ lưu trú, ăn uống gấp 2,9 lần và dịch vụ du lịch lữ hành gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng đã tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ 2021 giảm 3,5%); nếu loại trừ yếu tố giá thì tăng 15,1% (cùng kỳ 2021 giảm 5,1%).

Sức mua tăng cũng tạo động lực cho sản xuất trong nước. Chính vì vậy, Chỉ số Sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8/2022 ước tăng 2,9% so với tháng trước và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng, mức tăng là 9,4% so với cùng kỳ năm trước.

Sản xuất tăng, nên xuất khẩu cũng tăng. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 8/2022 ước tăng 9,1% so với tháng trước và tăng 22,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tăng 17,3% so với cùng kỳ năm trước.

Khi các điều kiện kinh tế thuận lợi, doanh nghiệp cũng vì thế gia tăng đầu tư, sản xuất - kinh doanh. Bởi vậy, trong tháng 8, cả nước có 11.900 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 4,5% so với tháng trước, nhưng vẫn tăng 106,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng, có 149.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 31,1% so với cùng kỳ năm trước…

Sẽ không quá khó để nhận ra, các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 8 đều tăng rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái và cũng không quá khó khi lý giải điều này. Đơn giản là vì tháng 8/2021 là thời điểm dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ ở khu vực miền Nam, nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, các hoạt động kinh tế - xã hội bị đình trệ.

Tuy vậy, kể cả bỏ qua cả yếu tố trên, thì sự phục hồi của nền kinh tế cũng rất rõ ràng. Như tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8/2022 đạt 481.200 tỷ đồng, cao hơn mức đạt được của tháng 8/2018 và tháng 8/2019. Trong khi đó, 8 tháng năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13,9% so với 8 tháng năm 2019 - trước khi xảy ra dịch Covid-19.

Việc các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 8 và 8 tháng đều tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái hứa hẹn tốc độ tăng trưởng GDP của quý III năm nay sẽ ở mức cao so với cùng kỳ.

Đây là điều đã được chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh nhắc tới khi quý III/2021, GDP của nền kinh tế giảm 6,02%. Bởi thế, trên nền thấp, thì tăng trưởng GDP quý III năm nay sẽ ở mức cao.

Con số chính xác là bao nhiêu phải đợi 1 tháng nữa. Tuy nhiên, Ngân hàng Standard Chartered đã từng đưa ra dự báo rằng, tăng trưởng GDP trong quý III/2022 của Việt Nam có thể đạt 10,8%. Rất nhiều chuyên gia cũng nhận định, việc GDP quý III tăng trưởng 2 con số là “có cơ sở”.

Chưa có gì chắc chắn về tốc độ tăng trưởng GDP của quý III, song điều chắc chắn là, nền kinh tế sẽ tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ. Có lẽ, đó cũng là lý do để Standard Chartered dự báo, GDP của Việt Nam sẽ đạt tốc độ tăng trưởng 6,7% trong năm nay và Ngân hàng Thế giới đã tăng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên tới 7,5% vào đầu tháng 8 năm nay.

Dù các dự báo còn khác nhau, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể trông đợi sự tăng tốc của nền kinh tế.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục