Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) tháng 4 năm 2024 được công bố hôm nay (11/4), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giữ nguyên dự báo trước đó về tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay bất chấp những bất ổn kéo dài từ môi trường bên ngoài. Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 6,0% trong năm 2024 và 6,2% trong năm 2025.
Ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam chia sẻ: “Kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng với nhịp độ vững chắc trong năm nay và năm tới, bất chấp môi trường toàn cầu còn nhiều thách thức. Tuy nhiên, những bất ổn địa chính trị toàn cầu và các hạn chế mang tính cơ cấu của kinh tế trong nước có thể ảnh hưởng đến triển vọng này. Do đó, các biện pháp chính sách trong năm 2024 sẽ cần kết hợp các biện pháp hỗ trợ tăng trưởng ngắn hạn để đẩy mạnh nhu cầu trong nước với các giải pháp cải thiện cơ cấu trong dài hạn nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững”.
Các chuyên gia ADB đánh giá, đầu tư công là một đầu tàu quan trọng của tăng trưởng kinh tế, song cần hiện thực hóa các kế hoạch để đầu tàu này phát huy sức mạnh. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mức tăng 1% trong giải ngân vốn đầu tư công tương ứng với mức tăng 0,058% GDP. Ngoài ra, cứ 1 đồng vốn đầu tư công được giải ngân sẽ kích thích 1,61 đồng vốn đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước. Tuy nhiên, tỷ lệ thực hiện so với kế hoạch luôn ở mức thấp, dao động quanh 80% trong năm. Mặc dù chính phủ nỗ lực giải quyết vấn đề này, nhưng tiến triển đạt được là chưa đủ.
Thứ nhất, các dự án được phê duyệt với ngân sách được phân bổ đôi khi chưa sẵn sàng để triển khai, gây ra tình trạng chậm trễ kéo dài. Theo ADB, một cách tiếp cận có hệ thống nhằm cải thiện tính sẵn sàng của dự án có thể gia tăng đáng kể hiệu quả thực hiện. Nhiều dự án đòi hỏi hoạt động chuẩn bị cơ bản, như nghiên cứu khả thi, thu xếp giải phóng mặt bằng và chuẩn bị mua sắm đấu thầu song song với thủ tục phê duyệt dự án. Dự án có tính sẵn sàng cao để đẩy nhanh tiến độ triển khai sẽ giúp giảm thiểu tình trạng đội vốn.
Các chuyên gia ADB chia sẻ tại buổi họp báo |
Thứ hai, các dự án đôi khi cần thay đổi thiết kế hoặc ngân sách ngay cả sau khi được phê duyệt và phân bổ ngân sách. Điều này có thể gây gián đoạn kéo dài trước khi có thể bắt đầu hoạt động dự án. Một trở ngại lớn cho việc chuẩn bị các dự án kịp thời và có chất lượng là sự phức tạp của các quy định, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất, thu hồi đất và giải phóng mặt bằng. Theo ADB, sự cứng nhắc này là một thách thức quan trọng trong tình huống thị trường có biến động. Giá cả tăng cao do thiếu nguyên liệu và đầu vào cho sản xuất - xảy ra do những hạn chế pháp lý - dẫn đến chi phí cao hơn, buộc phải đàm phán lại hợp đồng hoặc cần thêm kinh phí và phê duyệt bổ sung.
"Cần phải sửa đổi các quy định để cho phép sự linh hoạt dựa trên nguyên tắc và điều chỉnh phù hợp với mục đích, như một phần của việc cải thiện các thủ tục trong chu trình dự án. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc phê duyệt và quản lý dự án hiệu quả, có thể điều chỉnh phù hợp với nhiều tình huống khác nhau mà không phải lặp lại quy trình phê duyệt. Việc tăng cường năng lực của cán bộ phụ trách đầu tư công ở cấp tỉnh và địa phương cũng rất quan trọng để cải thiện chất lượng chuẩn bị dự án", ông Nguyễn Bá Hùng, Chuyên gia kinh tế trưởng ADB nhận định.
Thứ ba, sự phối hợp yếu kém giữa đầu tư công và quy trình ngân sách dẫn tới phân bổ ngân sách chậm và không đủ. Trong những năm gần đây, báo cáo cho thấy các cơ quan trung ương nhận được nguồn vốn phân bổ cao hơn so với mức đề xuất, trong khi các tỉnh nhận được quá ít so với nhu cầu. Thách thức cấp bách từ sự chênh lệch giữa ngân sách được phân bổ và nhiệm vụ đầu tư thường dẫn tới việc thiếu hụt ngân sách và chậm trễ trong triển khai dự án - ngân sách có thể không được phân bổ một cách tối ưu cho những lĩnh vực ưu tiên đã xác định, dẫn đến không tận dụng tối đa hiệu quả nguồn lực. Điều này làm hạn chế tiến độ dự án và hiệu quả sử dụng vốn.
Theo ông Hùng, năm 2024, đầu tư công sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Sau khi Quốc hội phê duyệt ngân sách, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch phân bổ 688,5 nghìn tỷ đồng để tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng và thúc đẩy phát triển kinh tế. Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chính sách khác nhau để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công và nâng cao hiệu quả thực thi. Những biện pháp này bao gồm một loạt các nghị quyết và chỉ thị tập trung vào các khía cạnh khác nhau của giải ngân vốn đầu tư công.
“Tuy nhiên, để duy trì tiến độ, cần có các biện pháp mang tính hệ thống hơn nhằm cải thiện các quy trình pháp lý và quy định để có thể thực hiện thành công. Bằng cách chủ động khắc phục những trở ngại này một cách toàn diện trong suốt chu trình dự án, Việt Nam có thể phát huy tối đa tiềm năng của các sáng kiến đầu tư công, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển bền vững”, ông Hùng nhấn mạnh.