Kinh tế và chứng khoán đều có dư địa tăng trưởng

(ĐTCK) Khối công ty chứng khoán có đánh giá cao về triển vọng của nhiều ngành nghề, lĩnh vực, qua đó duy trì mức tăng trưởng cao của lợi nhuận các doanh nghiệp.
Tăng cường đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng được coi là một biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Bộ phận nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán Maybank Kim Eng (MBKE)

Các biện pháp giãn cách nhằm phòng chống dịch Covid-19 từ tháng 7/2021 ở 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến các chuyên viên phân tích hạ đánh giá các ngành sản xuất công nghiệp, bất động sản, tiêu dùng, hàng không, cho thuê mặt bằng bán lẻ. Trong khi đó, giá dầu tăng mạnh giúp nâng mức đánh giá cho ngành năng lượng, tiện ích và các ngành liên quan đến giá cả hàng hóa như phân bón, thép.

Từ đầu tháng 10, Việt Nam nới lỏng các biện pháp giãn cách nhờ tỷ lệ tiêm vắc-xin gia tăng và dịch bệnh dần được kiểm soát. Kỳ vọng, khi dịch Covid-19 được đẩy lùi, Chính phủ sẽ tăng cường đầu tư công trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng như là một biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, ngành vật liệu xây dựng sẽ được hưởng lợi. Những ngành khác như bán lẻ, bất động sản, ngân hàng, tiêu dùng, thậm chí là hàng không cũng sẽ có hiệu quả hoạt động tốt hơn.

Chỉ số MSCI Việt Nam đang ở mức P/E tương lai 12 tháng là 15,7 lần, gần -1 độ lệch chuẩn (15,4 lần), dưới mức bình quân 5 năm (16,5 lần). Theo dự báo kịch bản cơ sở của MBKE, tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp toàn thị trường năm 2022 ước tính đạt khoảng 20%, điều này có nghĩa là thị trường chứng khoán Việt Nam đang giao dịch ở mức PEG rất hấp dẫn là 0,8 lần khi so với mức PEG bình quân của ASEAN là 1,5 lần (PEG nhỏ hơn 1 cho thấy cổ phiếu đang có mức định giá thấp so với khả năng tăng trưởng lợi nhuận).

Bộ phận nghiên cứu, phân tích Công ty Chứng khoán BIDV (BSC)

Dự báo, đến cuối năm 2021 sẽ có 85,9 triệu người được tiêm 1 mũi vắc-xin phòng Covid-19. Điều này sẽ củng cố khả năng phục hồi kinh tế nói chung và các nhóm ngành nói riêng.

BSC đánh giá, nền kinh tế đang trong quá phục hồi theo mô hình chữ K, các doanh nghiệp có thị phần lớn, cấu trúc tài chính vững mạnh, ban lãnh đạo năng động sẽ sớm thích ứng với trạng thái bình thường mới và tận dụng được cơ hội để duy trì đà tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2022 - 2023. Tăng trưởng lợi nhuận năm 2021 có thể giảm so với dự báo trước đó do làn sóng dịch bệnh lần thứ tư, nhưng nhiều khả năng vẫn giữ ở mức cao.

Trong kịch bản thận trọng, BSC dự báo, mức tăng trưởng lợi nhuận sau thuế của các doanh nghiệp năm 2021 là 30%, năm 2022 là 18%. Theo đó, VN-Index sẽ giao dịch ở mức P/E dự phóng tương ứng là 16,5 lần và 13,8 lần, hấp dẫn so với trung bình trong khu vực.

Mức tăng trưởng lợi nhuận dựa trên triển vọng của các ngành ngân hàng, bất động sản, công nghiệp (bao gồm vật liệu xây dựng, tài nguyên cơ bản), dầu khí, dịch vụ tiêu dùng, bán lẻ và nhóm ngành xuất khẩu.

Quy mô thị trường chứng khoán cũng như thanh khoản hiện tăng mạnh và vẫn còn dư địa tăng. Giá trị giao dịch trung bình/ngày của thị trường Việt Nam hiện đạt mức cao thứ hai trong ASEAN (sau Thái Lan), gấp đôi tổng giá trị giao dịch của thị trường Singapore và Indonesia. Kỳ vọng, dòng vốn nước ngoài sẽ quay trở lại trong năm 2022 khi Việt Nam được thêm vào danh sách theo dõi nâng hạng của MSCI và chính thức nâng hạng trong năm 2023.

Ông Phạm Lưu Hưng, Phó giám đốc Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán SSI

Chỉ số chứng khoán đang tăng, nhà đầu tư phấn khởi, nhưng tôi muốn bàn đến vấn đề lạm phát. Mỗi khi thị trường chứng khoán giảm là có rất nhiều câu hỏi về lạm phát xuất hiện và coi đó là một trong những nguyên nhân chính. Thực tế, nhiều người có sự ám ảnh về lạm phát, coi lạm phát là xấu. Thật ra, lạm phát không xấu, giá cả tăng không quá cao là động lực cho hoạt động sản xuất - kinh doanh. Giảm phát mới đáng sợ, giá cả đứng im cũng đáng lo, trường hợp Nhật Bản cho thấy rõ điều này.

Năm 2021, lạm phát tại Việt Nam dự kiến sẽ thấp hơn mục tiêu của Chính phủ, vì nước ta tính lạm phát trung bình 12 tháng, nên nếu tháng 11 và 12 có tăng lên thì mức đóng góp vào tổng số vẫn thấp.

Lạm phát sẽ không xấu khi không kiểm soát được, chỉ khi lạm phát ảnh hưởng tới tổng cầu (demand), phá hoại sức cầu thì mới được coi là xấu.

Trên thế giới, trong bối cảnh dịch Covid-19, ở nhà quá lâu vì giãn cách xã hội sẽ sinh ra cái gọi là pent up demand (cuồng chân cuồng tay), nên lúc mở cửa trở lại, giá cả nhiều mặt hàng thường tăng, dẫn tới quan ngại về lạm phát, nhưng các ngân hàng trung ương không can thiệp. Trong dài hạn, nếu giá cả không tự điều chỉnh thì ngân hàng trung ương sẽ can thiệp.

Tại Việt Nam, lạm phát năm 2021 có một số điểm giống giai đoạn cuối năm 2019, đầu năm 2020 khi chỉ số giá tiêu dùng có lúc tăng 5 - 7%, sau đó tự giảm, dù Ngân hàng Nhà nước không can thiệp.

Phòng Nghiên cứu Phân tích Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco)

Các chỉ báo dự báo sớm tăng trưởng kinh tế tháng 10/2021 như chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI), chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) hồi phục tích cực cho thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế sẽ khả quan trong quý IV/2021.

Chúng tôi đã cập nhật mô hình dự báo, tăng trưởng quý cuối năm có thể đạt 4 - 5%, giúp GDP cả năm tăng 2 - 2,5%.

Lạm phát có thể có áp lực tăng, tuy nhiên, chúng tôi cho rằng, lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 2%, do giá điện điều chỉnh giảm và giá thịt lợn giảm mạnh so với đầu năm. Sự ổn định về kinh tế vĩ mô sẽ tạo sự ổn định cho thị trường chứng khoán.

Mặt bằng định giá P/E của VN-Index đang ở quanh mức 17 lần, đây là mức trung bình của chỉ số trong lịch sử và thấp hơn so với các thị trường khác trong khu vực. Nếu lãi suất tiếp tục giảm và chính sách tiền tệ nới lỏng sẽ tiếp tục hỗ trợ nền kinh tế và tạo cơ hội cho thị trường chứng khoán tăng điểm.

Có một số cơ hội đầu tư rút ra từ kinh tế vĩ mô tháng 10/2021 như sau:

Thứ nhất, dịch bệnh được khống chế và GDP quý IV phục hồi sẽ giúp thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan. Nhiều ngành nghề được kỳ vọng hồi phục tốt sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 như tiêu dùng, bán lẻ, hàng không, dịch vụ.

Thứ hai, giá trị xuất khẩu tăng trưởng ở mức 2 con số, trong đó, nhóm hàng dệt may, sắt thép, thủy sản tăng trưởng, bất chấp dịch bệnh từ đầu năm đến nay. Xuất khẩu tiếp tục được kỳ vọng tăng trưởng tốt trong quý IV/2021 và năm 2022 nhờ dịch bệnh đang được đẩy lùi và nhu cầu từ thị trường quốc tế hồi phục mạnh mẽ. Điều này tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp xuất khẩu thuộc các nhóm hàng dệt may, giày, gỗ, sắt thép, thủy sản.

Thứ ba, Việt Nam còn nhiều dư địa để triển khai các gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng đề án phục hồi và phát triển kinh tế với quy mô khoảng 800.000 tỷ đồng. Trên thế giới, sau khi có các gói hỗ trợ, chỉ số chứng khoán đều bật tăng mạnh như tại Mỹ, châu Âu, Thái Lan, Nhật Bản, Trung Quốc.

Agriseco đánh giá, nếu đề án trên được thông qua, một số nhóm ngành kỳ vọng được hưởng lợi trực tiếp là bất động sản, xây dựng, vật liệu xây dựng, hàng không, dịch vụ, công nghệ thông tin.

Mai Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục