Kinh tế tuần hoàn thúc đẩy tăng trưởng bền vững

(ĐTCK) Tại lễ ra mắt cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn & những mô hình tiên phong" do Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức ngày 21/9, nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam đã được chia sẻ, hướng tới một nền kinh tế tăng trưởng bền vững.
Cuốn sách "Kinh tế tuần hoàn và Những mô hình tiên phong" do Tạp chí Nhà đầu tư ra mắt ngày 21/9

Phát biểu tại buổi lễ, TS Nguyễn Anh Tuấn, Tổng biên tập Tạp chí Nhà đầu tư - Chủ biên cuốn sách “Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong” nhấn mạnh, phát triển nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn thân thiện với môi trường là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 đã chỉ rõ "Khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất".

Đề án "Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam" được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 7/6/2022 đã xác định, cần "tập trung ban hành các chính sách dài hạn nhằm khuyến khích, ưu đãi, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn trên cơ sở nâng cao nhận thức, sự chủ động, phát huy đổi mới sáng tạo và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội".

Để phát triển kinh tế tuần hoàn mạnh mẽ hơn, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng cần tiếp tục nâng cao nhận thức, hoàn thiện cơ chế, chính sách, có giải pháp thúc đẩy phát triển và lan tỏa mô hình kinh tế tuần hoàn.

Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề xuất việc quan trọng cần làm trước hết là rà soát quy định pháp luật liên quan, nếu phát hiện quy định nào không tạo thuận lợi hoặc cản trở kinh tế tuần hoàn thì bãi bỏ ngay.

Theo ông Hiếu, hiện chưa có chính sách riêng nào cho kinh tế tuần hoàn mà các cơ chế, chính sách đang nằm ở nhiều quy định khác, chính sách đầu tư khác nhau. Vậy nên, trước khi có chính sách ưu đãi, thúc đẩy thì rà soát các quy định cản trở đã là hành động thiết thực.

Ông David Riddle, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông David Riddle, Tổng giám đốc điều hành Tập đoàn Tân Hiệp Phát cho biết, kinh nghiệm từ Tân Hiệp Phát cho thấy kinh tế tuần hoàn không chỉ đóng góp lợi ích kinh tế của riêng doanh nghiệp mà còn đóng góp cho sự phát triển hưng thịnh của nền kinh tế.

Tại Tân Hiệp Phát đã phát triển thành công mô hình tái chế 3R trong sản xuất kinh doanh khi giảm chi phí nguyên liệu đầu vào thông qua giảm trọng lượng chai nhựa, bỏ hoàn toàn hộp carton đóng gói sản phẩm thay vào đó là màng bọc co có thể tái chế. Đối với những chai nhựa đã qua sử dụng, Tân Hiệp Phát phát triển thành nhựa tái chế, sản xuất pallet, viện nhựa nén, trong tương lai cung cấp cho các doanh nghiệp có nhu cầu nguyên liệu đầu vào từ nhựa tái chế. Đặc biệt, việc đầu tư vào công nghệ vô trùng đã giúp Tập đoàn giảm thiểu lượng nhựa trong quá trình sản xuất, giảm lượng nước, điện sử dụng, qua đó tối ưu về chi phí.

"Kinh tế tuần hoàn thực sự là cần thiết và có ý nghĩa. Tân Hiệp Phát khẳng định sẵn sàng giải quyết những thách thức phía trước và khả thi để vươn tới nền kinh tế tuần hoàn phát triển bền vững. Cần phải có hành lang pháp lý mạnh mẽ hơn quy định trách nhiệm cụ thể cho các nhà sản xuất, nhà phân phối về thu hồi, phân loại và tái chế hoặc thanh toán chi phí xử lý thải cho các sản phẩm thải bỏ", ông David Riddle nói và cũng đã đưa ra dẫn chứng.

Cụ thể, nhiều tập đoàn nổi tiếng đã chú trọng đến kinh tế tuần hoàn từ rất sớm như hãng mỹ phẩm lớn Estee Lauder đã giảm chi phí đóng gói sản phẩm, sử dụng bao bì có thể tái chế; Boots, nhà bán lẻ dược phẩm của Anh có chiến lược thu vỏ sản phẩm để đem về tái chế thông qua việc thành lập mạng lưới khách hàng thân thiết đổi vỏ lấy điểm thưởng và sản phẩm; Đặc khu hành chính Hồng Kông (Trung Quốc) đã tạo ra những biện pháp ngăn cản người tiêu dùng sử dụng nhựa dư thừa bằng việc đánh thuế túi nhựa.

Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Nguyễn Mại nhận định, kinh tế tuần hoàn không phải vấn của riêng Việt Nam mà chung của thế giới. Tại Việt Nam, các tập đoàn kinh tế lớn đã có mô hình kinh tế tuần hoàn nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh nên không có đủ nguồn lực chuyển sang kinh tế tuần hoàn.

Theo ông Mại, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc chuyển từ kinh tế tuyến tính sang kinh tế tuần hoàn, cần điều tra, khảo sát lý do những doanh nghiệp muốn chuyển sang kinh tế tuần hoàn nhưng quá trình lại chậm và khó khăn. Đồng thời, nâng cao nhận thức và ý thức của người dân trong bảo vệ môi trường, tái chế nhựa, cùng hướng tới phát triển bền vững.

Cuốn sách Kinh tế tuần hoàn và những mô hình tiên phong" dày 540 trang khổ lớn, xuất bản song ngữ tiếng Việt và tiếng Anh, đăng tải nhiều bài viết, công trình nghiên cứu của các tác giả là các nhà quản lý, các chuyên gia có uy tín, lãnh đạo các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục