Kinh tế tư nhân Việt Nam: Bước xoay trở phi truyền thống và niềm kiêu hãnh dân tộc (Bài 4)

Đang có những bước chân mạnh mẽ, chứa đựng sức vươn bản năng và cả niềm kiêu hãnh dân tộc của khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong nền kinh tế. Tương lai của Việt Nam sẽ được định hình bởi những thương hiệu Việt, doanh nghiệp Việt lớn và mạnh, sẵn sàng so mình với thế giới, đi cùng với thế giới. Chỉ có điều, các bước xoay trở này đang cần thêm sự hậu thuẫn bởi môi trường lành mạnh, tư duy quản lý nhà nước hiện đại, chấp nhận cái mới để bứt phá.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm thành tựu kinh tế tư nhân trước thềm Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2019.

Bài 4: Nền kinh tế của người chính trực

Hậu quả khôn lường của các mối quan hệ thân hữu, sân sau đã khắc vào nền kinh tế nhiều nỗi đau. Nhưng cuộc chiến chống tham nhũng và nỗ lực cải cách thể chế đang mở cửa, dẫn ánh sáng vào môi trường kinh doanh. Đây là cơ hội cho những người kinh doanh chính trực, cũng là cơ hội cho nền kinh tế bứt phá.

Vùng sáng tỏa rộng

Tháng 7/2019, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) sẽ có hiệu lực. Lần đầu tiên, phạm vi của Luật này lan tới hoạt động của doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, doanh nghiệp buộc phải thực hiện một số nghĩa vụ mới, đặc biệt là hệ thống kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. “Đây là việc không thể chậm trễ, vì đó là chuẩn mực của cuộc chơi toàn cầu”, ông Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái nói.

Cách đây nhiều năm, khi đặt bút ký vào điều khoản chống tham nhũng trong hợp đồng với một đối tác hàng đầu thế giới, ông Đoàn đã quyết định sẽ phải học để đi cùng với các doanh nghiệp lớn ở nước ngoài.

“Doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp có quy mô toàn cầu đã kinh doanh hàng trăm năm nay, nên họ hiểu rất rõ từng biến động của thời cuộc, từng khúc quanh của lộ trình kinh doanh tới cả những gian truân và cạm bẫy. Họ rất nhạy bén trong nhận thức kinh doanh và uyển chuyển thực hiện để doanh nghiệp phát triển bền vững. Chúng tôi cho rằng, nên theo đúng quy luật kinh doanh và hãy học từ bài học của những người đi trước, như vậy mới mong bền vững được”, ông Đoàn chia sẻ tâm tư.

Nhưng với số đông doanh nghiệp Việt, nhất là khu vực tư nhân, các yêu cầu này còn rất mới và không dễ thực hiện.

Kết quả khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về sự liêm chính trong doanh nghiệp, công bố tháng 3/2019, cho thấy, một tỷ lệ lớn doanh nghiệp hiểu chưa đúng hoặc chưa đầy đủ về khái niệm kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, kiểm soát nội bộ chỉ đơn thuần là trách nhiệm của kiểm soát viên nội bộ, chứ không phải là vấn đề quản trị doanh nghiệp.

Đại diện nhóm nghiên cứu, PGS-TS. Nguyễn Văn Thắng (Đại học Kinh tế Quốc dân) còn phát hiện các vấn đề về tuân thủ, như trong quan hệ với cơ quan nhà nước, một tỷ lệ lớn các doanh nghiệp đã vi phạm một số quy định và việc chi trả chi phí không chính thức được sử dụng khá rộng rãi và chiếm tỷ trọng khá lớn...

Mặc dù không thể phủ nhận, về tổng thể, nếu còn cơ chế xin - cho, còn có nhiều lợi ích nhóm với những quan hệ thân hữu, còn thiếu bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực của đất nước, còn lời nói khác xa với hành động, thì không thể hết được những doanh nghiệp chỉ muốn tận dụng kẽ hở của thể chế, doanh nghiệp sẽ không muốn chuyên nghiệp.

Nhưng trong công cuộc phòng chống tham nhũng, theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, doanh nghiệp vừa là nạn nhân, vừa là tác nhân. Thậm chí, các doanh nghiệp tác nhân thường tận dụng lợi thế so sánh, chủ yếu là các quan hệ thân hữu, sâu sau, đề giành chiến thắng mà không cạnh tranh, không cạnh tranh công bằng, thôn tính doanh nghiệp khác…

Hậu quả của các mối quan hệ này rất lớn, làm vẩn đục môi trường kinh doanh, làm suy yếu sức cạnh tranh của nền kinh tế, thậm chí tha hóa cả hệ thống chính trị. Chưa kể, khi hệ thống kiểm soát và tuân thủ của doanh nghiệp không được áp dụng hoặc không thực hiện đúng chức năng, thì các hành vi xấu dễ có cơ hội nảy sinh trong các công ty và vượt ra ngoài biên giới qua các chuỗi cung ứng, đầu tư và thương mại toàn cầu.

Rõ ràng, việc xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ hướng tới quản lý rủi ro cần được coi là vấn đề ưu tiên hàng đầu để không chỉ thúc đẩy cộng đồng doanh nghiệp tuân thủ và thể hiện rõ cam kết xây dựng văn hóa kinh doanh liêm chính, mà còn tạo sự cộng hưởng, gia tăng gia tốc và áp lực cho cuộc chống tham nhũng mà Đảng, Chính phủ đang xác định là không có vùng cấm.

“Tôi đã nhìn thấy những doanh nghiệp đang thay đổi tích cực. Các doanh nghiệp cần tạo thành lực lượng, sẽ gây sức ép và buộc Nhà nước phải thay đổi”, ông Lộc nói.

Nền kinh tế của những người chính trực

Trong bức tâm thư 6.000 chữ mà ông Phạm Đình Đoàn gửi Báo Đầu tư để bàn về hiện thực khát vọng thịnh vượng của doanh nghiệp, điều ông mong mỏi nhất là sự ghi nhận, đón nhận những doanh nghiệp đang làm khác, đang thay đổi.

“Thử nhìn hiện tượng nhiều doanh nghiệp được mở ra để đào tạo kinh doanh, quản lý, công nghệ... cho các doanh nghiệp, sẽ thấy một xu thế rất tích cực. Nhiều doanh nhân như chúng tôi đã nhận thức tốt yêu cầu phải chuyên nghiệp, minh bạch, chính trực trong kinh doanh, nếu muốn đi xa hơn trong sự nghiệp. Nhưng sự thay đổi này có lẽ cần sự trợ giúp hơn từ Nhà nước và cộng đồng”, ông Đoàn chia sẻ.

“Đừng có kỳ thị với kinh tế tư nhân, phải công bằng. Tôi đề nghị sắp tới nơi nào làm tốt phải biểu dương, khen thưởng, thậm chí phong danh hiệu anh hùng cho doanh nghiệp tư nhân. Không kỳ thị, nhưng đồng thời anh nào có sai thì yêu cầu họ sửa…

Trích phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị lần thứ 10, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII 

Sự trợ giúp này hàm nhiều nghĩa. Đó là cần đẩy mạnh cuộc chiến chống tham nhũng và xây dựng cơ chế để mọi doanh nghiệp thực sự bình đẳng trước pháp luật, bình đẳng trước tiếp cận các nguồn lực của xã hội, trước các chính sách ưu đãi, khuyến khích. Đó là hỗ trợ các doanh nghiệp làm đúng pháp luật để tránh xảy ra đổ vỡ lớn. Đó là các cơ quan công quyền và truyền thông đừng soi mói, vạch vòi doanh nghiệp…

Đây từng là vấn đề được tranh luận, khi nhận diện khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam trong 30 năm đổi mới.

Một doanh nghiệp lớn lên, trước hết nhờ những doanh nhân tài giỏi, thức thời. Đó là những người nắm được quy luật phát triển, xu hướng công nghệ để biết xã hội thiếu gì mà cung cấp, tạo ra lợi nhuận. Đó là những người nắm thời cơ mang lại do tiến trình cải cách kinh tế và mở cửa hội nhập.

Ở Việt Nam, do yếu tố lịch sử, quá trình này gắn với việc vừa học, vừa kinh doanh, thỏa mãn đam mê của nhiều người, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu chuyên nghiệp, hoạt động dưới chuẩn, thậm chí vi phạm pháp luật, lớn lên bằng đầu cơ…

Một cách tự nhiên, cạnh tranh trong hội nhập và những đòi hỏi mới của nền kinh tế thị trường khiến các bất hợp lý trong phát triển trước đây được phơi bày, cả trong hoạt động của Nhà nước và doanh nghiệp. Nhưng đây là lý do khiến khu vực kinh tế tư nhân, nhất là các doanh nghiệp lớn, bị cho là chưa đủ sức để định hình nền kinh tế Việt Nam trong tương lai. Những nguồn gốc lớn lên từ đầu cơ luôn được nhắc đến.

TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam đã từng phải đề nghị một cơ chế không hồi tố khi đánh giá về khu vực này, với một tầm nhìn, tạo con đường để kinh tế tư nhân phát triển mạnh hơn, có tâm thế vươn lên trở thành một doanh nghiệp ngày càng đàng hoàng.

“Thị trường đầy đủ và môi trường kinh doanh minh bạch như những bóng đèn, sẽ bật sáng từng vùng tối, để không còn chỗ cho những ứng xử lệch chuẩn, cả từ phía Nhà nước và thị trường. Khi đó, cả khu vực nhà nước và tư nhân sẽ không có cơ hội để làm sai, không thể làm sai. Cũng đến lúc chính trực phải là những bóng đèn cao áp trên con đường đi của nền kinh tế”, ông Thiên nói.

Cũng đã đến lúc, con đường đi đến thịnh vượng của nền kinh tế sẽ ghi dấu ấn thành công của các doanh nghiệp, doanh nhân chính trực, với sức vươn bản năng, sự sáng tạo không giới hạn và niềm kiêu hãnh dân tộc ẩn chứa…

Ý kiến - nhận định:

Tôi tin là tính chuyên nghiệp sẽ thắng - Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Tập đoàn U&I

Ai làm doanh nghiệp cũng muốn làm ăn bài bản. Chưa đủ kiến thức thì phải đi học, phải trả giá và tìm người giỏi về cùng làm. Tôi tin là tính chuyên nghiệp cuối cùng sẽ thắng, cái gì không phù hợp sẽ không thể tồn tại mãi được. Muốn so được với các doanh nghiệp lớn của thế giới, thì phải làm như vậy.

Tôi không cho là người Việt Nam thiếu tinh thần đoàn kết hay khả năng làm việc chung. Tôi cũng không nghĩ các doanh nghiệp mạnh cứ phải làm cùng nhau. Nên có nhiều đàu tàu, mỗi đầu tàu kéo một nhóm doanh nghiệp vệ tinh cùng phát triển.

Lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra, suy cho cùng, là để phụng sự xã hội - Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tập đoàn Crystal Bay

Nhiều người hỏi tại sao tôi lại chọn đầu tư vào những vùng khó khăn như Ninh Thuận. Chúng tôi nhìn thấy thiên nhiên, con người, văn hóa ở những vùng đất mới là thế mạnh, là tiềm năng, chứ không phải là điểm yếu, là khó khăn. Nên bất chấp cơ chế chính sách có thể còn khó, thủ tục hành chính còn cồng kềnh, kéo dài không đáng có, các doanh nghiệp vẫn sẽ miệt mài làm vì đam mê. Đã là doanh nghiệp, thì đều muốn tạo ra lợi nhuận, nhưng chúng tôi tin là, lợi nhuận mà doanh nghiệp làm ra, suy cho cùng, cũng là để phụng sự lại xã hội.

Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể đi trước về công nghệ, quy trình quản lý - Ông Trần Đức Thành, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Delta Group

Khi tôi đến nhận mặt bằng xây Royal City (Hà Nội), nhà máy cơ khí còn đang làm việc. Sau hai năm rưỡi, Tổ hợp Royal City hình thành. Đến công ty tư vấn của Pháp cũng nói không tưởng tượng được. Nếu không có năng lực thực sự, thì không làm được.

Hiện doanh nghiệp tư nhân Việt Nam có thể không cần đi theo, mà có thể đi trước doanh nghiệp nhiều nước về công nghệ, quy trình quản lý. Song nếu trong các dự ánlớn, thậm chí cả dự án lần đầu được thực hiện ở Việt Nam, với tiêu chí xét thầu phải có 5 công trình tương tự, thì chúng tôi thua.

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục