Kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ nền kinh tế không rào cản - Bài 3: Cuộc đua thứ hạng với những người dẫn đầu

0:00 / 0:00
0:00
Sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh không phải là gò doanh nghiệp vào cùng khuôn khổ, mà là để các doanh nghiệp có thể tự do sáng tạo giải bài toán hiệu quả kinh doanh.
Chỉ khoảng 6% doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam đủ tiêu chuẩn là nhà cung cấp cấp 1-3 của các đối tác nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất gia công tại một nhà cung cấp của Samsung. Ảnh: Đức Thanh Chỉ khoảng 6% doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam đủ tiêu chuẩn là nhà cung cấp cấp 1-3 của các đối tác nước ngoài. Trong ảnh: Sản xuất gia công tại một nhà cung cấp của Samsung. Ảnh: Đức Thanh

Bài 3: Cuộc đua thứ hạng với những người dẫn đầu

Sự bình đẳng trong môi trường kinh doanh không phải là gò doanh nghiệp vào cùng khuôn khổ, mà là để các doanh nghiệp có thể tự do sáng tạo giải bài toán hiệu quả kinh doanh.

Chúng ta đang thua ở đâu?

Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF) đặt câu hỏi này khi nhắc đến ý mà ông tâm đắc nhất trong bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm.

“Tổng Bí thư đã viết, phấn đấu trong vòng 3 năm tới, môi trường kinh doanh của Việt Nam nằm trong Top 3 ASEAN. Hiện Top 3 về môi trường kinh doanh trong khối ASEAN là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Vào Top 3 có nghĩa là phải vượt Thái Lan. Vậy chúng ta đang thua Thái Lan ở đâu?”, ông Tín đặt vấn đề trực diện.

Đây không phải lần đầu ông Tín nhắc đến thứ hạng về môi trường kinh doanh Việt Nam. Trong quan điểm của vị tiến sỹ - doanh nhân này, môi trường kinh doanh thuận lợi là một lợi thế nhân tạo, với sự kết hợp chặt chẽ giữa Nhà nước và doanh nghiệp theo hướng đồng hành, cùng nắm tay nhau tiến về phía trước.

“Một khi các nhà lãnh đạo đất nước khẳng định sẵn sàng cạnh tranh sòng phẳng, sẵn sàng so sánh với lãnh đạo các nước ASEAN để đạt Top 3, thì doanh nghiệp Việt Nam chắc chắn sẽ thêm tự tin để cạnh tranh sòng phẳng, để đạt ít nhất là Top 3 trong cộng đồng doanh nghiệp ASEAN”, ông Tín chia sẻ quan điểm.

Thực ra, cuộc đua về thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong ASEAN đã bước sang năm thứ 10 tính từ năm 2015, khi Nghị quyết 19/2015/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đặt mục tiêu Top 6 ASEAN trong năm 2015 và có mặt trong ASEAN 4 ở một số chỉ tiêu vào năm 2016.

Ngay thời điểm ban hành, tinh thần của Nghị quyết 19/2015/NQ-CP được ghi nhận là thực sự rất khác biệt, vì lần đầu tiên, Chính phủ quyết định lấy phương pháp đánh giá độc lập từ bên ngoài làm căn cứ đo lường và định vị năng lực cạnh tranh của môi trường kinh doanh Việt Nam. Các nhiệm vụ, giải pháp, cũng như việc thực thi cũng thay đổi lớn, đòi hỏi tư duy và cách ứng xử của từng công chức phải thay đổi theo chuẩn mực và thông lệ quốc tế tương ứng.

Nhưng đến năm 2020, năm cuối cùng của Báo cáo về Sự thuận lợi trong kinh doanh (Doing Business) của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam vẫn ở vị trí thứ 5 về môi trường đầu tư - kinh doanh trong ASEAN, đứng sau Singapore, Malaysia, Thái Lan và Brunei. Trong Báo cáo Sẵn sàng kinh doanh (B-READY) 2024 mà WB đang thử nghiệm cách tiếp cận mới để đánh giá môi trường kinh doanh, đầu tư tại các quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, Việt Nam thuộc ASEAN-4, sau Singapore, Malaysia và Thái Lan.

Tuy nhiên, nhiều tiêu chí liên quan đến môi trường kinh doanh của doanh nghiệp theo thông lệ quốc tế, như thành lập, tiếp cận tài chính, nghĩa vụ thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, giải quyết tranh chấp, năng lực cạnh tranh, giải quyết phá sản, còn có điểm số và xếp hạng thấp trong ASEAN…

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) - một trong những tác giả chính của các phiên bản nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh - rất tâm tư về những chuyển động chậm này, nhất là lúc “nền kinh tế đang cần tăng trưởng rất cao”.

Lý luận và kinh nghiệm quốc tế cho thấy, để một nền kinh tế đạt được tăng trưởng trên 10% liên tục trong nhiều năm liền, đòi hỏi nguồn vốn đầu tư đủ lớn và sử dụng có hiệu quả. Với nền kinh tế Việt Nam, theo tính toán của TS. Cung, nguồn vốn đầu tư cần huy động chiếm khoảng 40-45% GDP. Như vậy, so với tỷ trọng khoảng 33% trong GDP hiện tại, nhu cầu vốn tăng lên đáng kể.

“Vốn đầu tư công sẽ có những giới hạn, không thể tăng cao và kéo dài mãi, vì vậy, nguồn lực quan trọng là tăng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân. Hiện tại, đây cũng là khu vực chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, khoảng 57,8%”, ông Cung phân tích.

Nhưng mấy năm gần đây, tăng trưởng đầu tư của khu vực kinh tế tư nhân rất thấp, chưa bằng một nửa giai đoạn trước dịch Covid-19. Một phần nguyên nhân là sức khỏe của doanh nghiệp bị bào mòn, thị trường chưa vận hành thuận lợi, nhưng phần chính lại là những điểm nghẽn lưu cữu khiến niềm tin kinh doanh chao đảo…

Nền kinh tế không rào cản

Tổng Bí thư đã viết, phấn đấu trong vòng 3 năm tới, môi trường kinh doanh của Việt Nam nằm trong Top 3 ASEAN. Hiện Top 3 về môi trường kinh doanh trong khối ASEAN là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Vào Top 3 có nghĩa là phải vượt Thái Lan.

- Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch Liên đoàn Doanh nghiệp Bình Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Gỗ Trường Thành (TTF)

Có nhiều giải pháp khác nhau để cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam, nhưng ở cuộc đua tranh trên bình diện khu vực và thế giới, hay trực diện vào mục tiêu Top 3 ASEAN, phương án có lẽ tập trung vào giải quyết các tiêu chí đi sau Thái Lan.

Phân tích 12 chỉ số trong 7 nhóm vấn đề thúc đẩy tăng trưởng trong khối ASEAN, Việt Nam đang thua Thái Lan ở 2 chỉ số, đó là dễ làm kinh doanh (tương ứng là 70 và 80 trên thang điểm 100) và cơ sở hạ tầng (tương ứng 3,2 và 3,7 trên thang điểm 5).

Cụ thể hơn, theo tổng hợp của TS. Cấn Văn Lực và Nhóm chuyên gia Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, thời gian đăng ký kinh doanh ở Việt Nam mất 15 ngày, trong khi ở Singapore là 1,5 ngày, Thái Lan là 4,5 ngày.

Như vậy, nhóm việc cần giải quyết là tăng đầu tư vào hạ tầng và thúc đẩy sự dễ dàng trong kinh doanh. Trong đó, Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm ít nhất 30% thủ tục hành chính, 30% chi phí kinh doanh (gồm cả chi phí không chính thức) và 30% thời gian xử lý hành chính. Đây cũng là con đường mà Thái Lan và Malaysia đã đi trong thời gian qua.

Tuy nhiên, là người kinh doanh, ông Tín muốn đặt vấn đề rất cụ thể, có sự đối sánh, nhất là khi chi phí thực hiện các thủ tục hành chính tại Việt Nam cũng là chi phí cơ hội, khi so theo thời gian thực, chiếm một tỷ lệ vô cùng vô lý, trong nhiều trường hợp đến 1/3 giá trị của một dự án.

Ví như quy định về cấp phép xây dựng cho từng công trình, từ nhà dân tới các công trình của doanh nghiệp, của Việt Nam, trong khi nhiều quốc gia không cần phải cấp giấy phép xây dựng do có quy hoạch, bao gồm cả quy hoạch kiến trúc, rất toàn diện, nhưng đủ chi tiết để người dân chủ động tuân thủ.

Hay cách tính tiền sử dụng đất cho từng dự án bất động sản, thay vì sử dụng số liệu từ thị trường, cũng vậy, vừa vô cùng mất thời gian, vừa tạo tâm lý sợ sai trong cán bộ, lại vừa làm tăng chi phí toàn xã hội…

Hệ quả của cách tư duy quản lý trên có lẽ chính là 6.200 điều kiện kinh doanh và 5.000 thủ tục hành chính, là tâm lý muốn ẩn mình trong khu vực phi chính thức của hộ kinh doanh và cả thói quen “xin cơ chế”, thay vì chủ động đề xuất chính sách phù hợp với nhu cầu phát triển của nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp.

Thậm chí, nhóm nghiên cứu của TS. Cấn Văn Lực đã số hóa hệ quả trên, đó là chỉ khoảng 6% doanh nghiệp vừa và lớn của Việt Nam đủ tiêu chuẩn là nhà cung cấp cấp 1-3 của các đối tác nước ngoài, trong đó chỉ có khoảng 5.000 doanh nghiệp, tương đương 0,54% tổng số doanh nghiệp Việt thực sự tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu. Số còn lại không đủ tiêu chuẩn tham gia chuỗi sản xuất toàn cầu hoặc chỉ ở công đoạn có hàm lượng giá trị gia tăng thấp.

Tỷ lệ doanh nghiệp tư nhân tham gia kết nối với đối tác nước ngoài chỉ khoảng 14%, thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ 46% của Malaysia và con số 30% của Thái Lan. Đặc biệt, trong môi trường này, các doanh nghiệp vất vả, tốn kém hơn nhiều nếu chọn đổi mới, sáng tạo, làm khác đi để tồn tại và phát triển. Giai đoạn 2021-2023, chỉ khoảng 14-15% số doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo…

Giải pháp tổng quan hơn trong bài toán này đang nhắc tới các kiến nghị đầu tư thật nhanh và xứng đáng cho chính phủ điện tử, nhất là trong bối cảnh bộ máy nhà nước đang trong cuộc cách mạng tinh giản, sáp nhập để bảo đảm có một Nhà nước hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả.

“Chúng tôi mong chờ điều này hơn cả hai vấn đề về hạ tầng và giáo dục. Ở đâu có xin - cho và cấp phép phổ biến, ở đó chính phủ điện tử có thể hóa giải và chỉ số thuận lợi trong kinh doanh chắc chắn sẽ tăng cao”, ông Tín khuyến nghị.

Trong nền kinh tế thuận lợi cho kinh doanh, không còn rào cản, không khuôn mẫu cứng nhắc, có thể sánh vai với các nền kinh tế phát triển, các nguồn lực sẽ vận động không ngừng để hiệu quả hơn...

Những hạn chế phát triển của doanh nghiệp tư nhân xuất phát một phần từ những bất cập của hệ thống thể chế và chính sách kinh tế và môi trường kinh doanh. Những điểm nghẽn này không chỉ kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khu vực kinh tế tư nhân, khiến tỷ trọng đóng góp của khu vực này trong GDP gần như không thay đổi trong hơn một thập kỷ qua, mà còn cản trở nền kinh tế nâng cao giá trị gia tăng, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, làm chậm tiến trình đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 theo mục tiêu Nghị quyết của Đảng và kỳ vọng của Nhân dân.

(Trích bài viết “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng” của Tổng Bí thư Tô Lâm)

(Còn tiếp)

Khánh An
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục