Số liệu kinh tế năm 2021 vừa được Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố sáng nay 17/1. Trong quý IV/2021, GDP Trung Quốc tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng trung bình 3,6% mà các chuyên gia kinh tế dự báo với hãng tin Reuters.
Theo Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản xuất công nghiệp trong tháng 12/2021 đã tăng 4,3% so với một năm trước. Mức tăng này vượt dự báo tăng 3,6% của Reuters. Tuy nhiên, doanh số bán lẻ tháng 12 lại tăng thấp hơn kỳ vọng với mức khiêm tốn 1,7%.
"Chúng tôi nhận thức được rằng môi trường bên ngoài ngày càng phức tạp và không chắc chắn, và nền kinh tế trong nước đang chịu áp lực nhân ba, do nhu cầu sụt giảm, cú sốc nguồn cung, và kỳ vọng suy giảm", thông báo của Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc nêu.
Đầu tư tài sản cố định năm 2021 tại Trung Quốc tăng 4,9%, nhỉnh hơn mức kỳ vọng 4,8%. Trong khi tỷ lệ thất nghiệp thành thị trong tháng 12 bằng mức trung bình cả năm là 5,1%, thì tỷ lệ thất nghiệp của người trong độ tuổi 16 - 24 tuổi vẫn cao hơn nhiều, neo ở mức 14,3%.
Chính sách "zero-Covid" của Trung Quốc nhằm kiểm soát đại dịch đã dẫn đến các biện pháp hạn chế đi lại mới trong nước, đáng kể nhất là việc phong tỏa thành phố Tây An ở miền Trung vào cuối tháng 12/2021. Trong tháng 1, nhiều thành phố khác cũng đã bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần, nhằm kiểm soát các ổ dịch liên quan đến biến thể Omicron.
Ngân hàng đầu tư Goldman Sachs dự báo GDP Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm lại ở mức 4,8% trong năm 2022 trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đứng trước những thách thức lớn. Đáng kể, chi tiêu tiêu dùng chững lại đã kéo giảm tăng trưởng và thách thức này được cho là vẫn tiếp diễn khi tiêu dùng năm 2022 khó phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19.
Cùng với thị trường bất động sản, tiêu dùng là một trong hai lĩnh vực mà các nhà kinh tế lo ngại nhiều nhất trong dự báo triển vọng tăng trưởng Trung Quốc.
Ông Wang Jun, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Zhongyuan (Trung Quốc) lập luận: "Nếu nhu cầu được cải thiện, thì kỳ vọng tăng trưởng sẽ được cải thiện". Chuyên gia này lý giải, nguyên nhân chính khiến sự phát triển kinh tế Trung Quốc không thể duy trì tốt là do nhu cầu suy giảm do tác động tiêu cực của đại dịch đến thu nhập của người dân.
Ông Wang Jun lý giải thêm rằng sức cầu giảm cũng đến từ việc chính quyền các địa phương ở Trung Quốc cắt giảm chi tiêu cho các dự án cơ sở hạ tầng và việc Bắc Kinh siết chặt quy định dạy thêm sau giờ học chính khóa đối với các doanh nghiệp giáo dục đã ảnh hưởng đến thị trường việc làm.
Đối với cú sốc nguồn cung, ông Wang Jun nhận định, áp lực này chủ yếu liên quan đến đại dịch và việc Trung Quốc áp dụng các biện pháp quyết liệt nhằm giảm lượng phát thải carbon. Các hạn chế nhằm phòng chống Covid-19 cũng tác động đến khả năng người lao động quay trở lại làm việc, gây ra gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, trong đó có sự thiếu hụt nghiêm trọng các nguyên liệu đầu vào quan trọng như chất bán dẫn.
Nhìn chung, bất ổn về việc làm và thu nhập làm giảm mức độ sẵn sàng chi tiêu của người dân Trung Quốc. Một nguyên nhân khác là do Bắc Kinh siết chặt tín dụng bất động sản nhằm hạn chế sự phụ thuộc vào nợ của doanh nghiệp bất động sản nước này, khiến thị trường bất động sản nước này trở nên ảm đạm.
Xét theo lĩnh vực, Goldman Sachs cho biết trong thời dịch, người tiêu dùng Trung Quốc đã chi tiêu nhiều cho thực phẩm và quần áo hơn là các dịch vụ như giáo dục và giải trí.
Tuy dự đoán sự phân hóa chi tiêu giữa hàng hóa và dịch vụ tại Trung Quốc sẽ giảm nhẹ trong năm 2022, nhưng Goldman Sachs vẫn cho rằng ngay cả khi chi tiêu thực của các hộ gia đình tăng 7% trong năm 2022, thì đến cuối năm nó "sẽ vẫn ở dưới mức trước đại dịch Covid". Nguyên nhân là do những trở ngại từ chính sách "không khoan nhượng" của Trung Quốc trong việc kiểm soát Covid-19 và các biện pháp ứng phó suy thoái của ngành bất động sản.