Những rủi ro trực tiếp và gián tiếp đối với kinh tế Trung Quốc đã được những học giả trong và ngoài nước phân tích tại Hội thảo “Kinh tế Trung Quốc: những rủi ro trung hạn” do Trung tâm nghiên cứu kinh tế và chính sách, Trường đại học Kinh tế, đại học quốc gia tổ chức.
Tác động của nền kinh tế toàn cầu
Cuộc khủng hoảng tài chính của Mỹ diễn ra năm 2008 - 2009 đã lan rộng ra toàn cầu, dẫn tới sự suy thoái trầm trọng nhất tại các nước phát triển, thị trường tiêu thụ chính của nền sản xuất thế giới. Các chính sách kích thích kinh tế bằng mở rộng tài khoá và tiền tệ diễn ra tràn lan trên thế giới, đồng USD suy yếu và căng thẳng trên thị trường tiền tệ đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Trung Quốc, vốn tăng trưởng dựa vào xuất khẩu chủ yếu và mức dự trữ ngoại hối ở mức cao, đặc biệt là những tài sản USD. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức 9,2% vào năm 2009. Trong khi gói kích thích kinh tế 4.000 tỷ nhân dân tệ được triển khai nhanh chóng sau đó đã không mang lại nhiều tác động tích cực, do dòng tiền không đi đúng mục tiêu, hậu quả là tạo ra tình trạng bong bóng bất động sản.
Bên cạnh đó, hai nền kinh tế chủ chốt là Mỹ và Nhật Bản có tác động lớn đến Trung Quốc, trong đó, tại Mỹ gói QE3 vẫn được duy trì và có xu hướng thu hẹp trong giai đoạn cuối năm nay đến đầu năm sau, còn tại Nhật, Abenomics với nỗ lực phục hồi nền kinh tế nước này, có thể làm hạ nhiệt dòng vốn chảy sang các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc. Nếu xảy ra sự tháo chạy của các dòng vốn nước ngoài, bao gồm cả trực tiếp, gián tiếp và dòng tiền nóng, trong trường hợp căng thẳng Trung Quốc gia tăng sẽ làm trầm trọng thêm những vấn đề kinh tế.
Những vấn đề nội tại
Bên cạnh những tác động từ nền kinh tế thế giới, theo nhiều chuyên gia, triển vọng tăng trưởng và khả năng bùng nổ những rủi ro trong trung hạn của Trung Quốc phần lớn phụ thuộc vào những yếu tố nội tại của nền kinh tế nước này.
Thứ nhất, Trung Quốc phải đối mặt với những thách thức trong quá trình đô thị hoá, đó là tình trạng ô nhiễm môi trường, giao thông tắc nghẽn, tình trạng dòng người ồ ạt chảy vào các thành phố lớn sau khi bãi bỏ quy định về đăng ký hộ khẩu. Điều này làm cho sự cạnh tranh về lao động trong đô thị tăng lên, tỷ lệ thất nghiệp bị đe doạ. Bên cạnh đó, là vấn đề nhà ở đô thị, khiến Chính phủ gặp nhiều khó khăn khi phải duy trì tình trạng cân băng giữa một bên là tình trạng bong bóng bất động sản, mặt khác vẫn phải thúc đẩy một đô thị hoá mới.
Thúc đẩy đô thị hoá cũng khiến cho chi phí dành cho công nhân tăng lên. Theo số liệu nghiên cứu, chi phí này sẽ là bình quân đầu người khoảng 100.000 nhân dân tệ cho thành phố lớn và 60.000 nhân dân tệ cho thành phố nhỏ. Như vậy, chính quyền thành phố sẽ phải đầu tư 2.400 tỷ nhân dân tệ cho 400 triệu công dân mới trong thập kỷ tới, gây áp lực lớn cho ngân sách chính quyền địa phương.
Để giải quyết vấn đề này, chính quyền địa phương đã phát hành trái phiếu thông qua việc thành lập các công ty đầu tư tài chính, và những công ty đã sử dụng những tài sản của địa phương như nhà ga, sân bay... để thế chấp vay vốn ngân hàng. Điều này khiến Trung Quốc dễ rơi vào tình trạng nợ dưới chuẩn như đã xẩy ra ở Mỹ vào năm 2008.
Kinh tế Trung Quốc đang đối diện với các rủi ro trung hạn - Ảnh: Internet
Thứ hai là những rủi ro do quá trình quốc tế hoá đồng nhân dân tệ. Sau một thời gian dài giữ ổn định tỷ giá, tạo lợi thế cạnh tranh về giá cho hàng hoá, thúc đẩy xuất khẩu, đã mang lại nhiều thặng dư thương mại cho Trung Quốc. Chế độ tỷ giá cố định của Trung Quốc chuyển sang chế độ tỷ giá linh hoạt, khiến Trung Quốc khó có thể tiếp tục định giá thấp đồng nhân dân tệ, làm giảm lợi thế cạnh tranh trong thương mại quốc tế, tăng trưởng GDP giảm xuống mức 8,9% vào cuối năm 2012, và hiện ở mức 7,5% vào cuối tháng 6 vừa qua.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đối mặt với những rủi ro của quá trình tự do hoá cán cân vốn và hệ thống tài chính. Khi dòng vón nóng chảy vào, sẽ tạo áp lực nâng giá nội tệ, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh thương mại quốc tế. Tuy nhiên, nếu luồng vốn này đột ngột chảy ra sẽ khiến cho hệ thống tài chính của Trung Quốc chao đảo, dự trữ ngoại hối giảm mạnh, thậm chí có thể dẫn đến khủng hoảng. Tình trạng vay nợ tràn lan, sử dụng không đúng mục đích và hiệu quả dễ khiến cho Trung Quốc rơi vào cuộc khủng hoảng nợ công tồi tệ như đã và đang diễn ra với khu vực châu Âu.
Hơn nữa, khi quốc tế hoá đồng nhân dân tệ cũng làm cho Ngân hàng Trung ương gặp khó khăn trong việc xác định cầu nội tệ, cũng như khả năng can thiệp đến lãi suất và cung tiền thông qua nghiệp vụ thị trường mở bị hạn chế.
Cuối cùng, nền kinh tế Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những rủi ro đối với hệ thống ngân hàng về tín dụng, thanh khoản và cơ cấu, quản trị.
Cụ thể, theo số liệu báo cáo, đến thời điểm 31/12/2012, tổng nguồn vốn của hệ thống ngân hàng Trung Quốc đạt 113.000 tỷ nhân dân tệ, trong đó vốn chủ sở hữu là 8.300 tỷ nhân dân tệ, vốn huy động là 82.600 tỷ nhân dân tệ, tỷ lệ nợ xấu là 0,95% tổng dư nợ (68.500 tỷ nhân dân tệ). Tuy nhiên, số liệu thống kê cũng cho thấy, tăng trưởng tín dụng của Trung Quốc tăng mạnh hơn so với tốc độ tăng trưởng GDP, tỷ lệ tín dụng/GDP luôn đạt 140% và tăng kỷ lục vào năm 2012 khi đạt 202%. Trong khi đó, các khoản cho vay bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong các khoản vay tín dụng và có chiều hướng gia tăng. Phần lớn các khoản vay, trong đó có các khoản vay của chính quyền địa phương cũng đều dùng bất động sản để thế chấp. Do đó, khi giá bất động sản sụt giảm, làm giảm giá trị các khoản tín dụng, gây ra rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
Một điểm nữa cũng khiến cho tình trạng nợ xấu của Trung Quốc chưa được biểu hiện đúng với bản chất vì, Nhà nước không chỉ quản lý các ngân hàng lớn nhất mà còn quản lý các DNNN (vốn là bộ phận vay nợ nhiều). Cơ chế này gây nên nhiều gian lận và tạo điều kiện để các khoản nợ dễ dàng được che giấu.
Về rủi ro thanh khoản, số liệu thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2009 -2012, tốc độ tăng trưởng huy động vốn luôn thấp hơn tốc độ tăng trưởng tổng dư nợ. Điều này có nghĩa là nguồn tiền ra lớn hơn nguồn tiền vào. Kèm theo đó là tình trạng nợ xấu gia tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Bên cạnh những rủi ro về tín dụng và thanh khoản, hệ thống ngân hàng Trung Quốc gặp phải rủi ro về cơ cấu quản trị, và yếu tố này được đánh giá là quan trọng nhất đối với hệ thống ngân hàng. Và điều này đã được minh chứng bằng thực tế tại hệ thống ngân hàng của Mỹ và Indonesia thời gian vừa qua, gần như 100 sụp đổ của các ngân hàng là do vấn đề quản trị kém và rủi ro đạo đức. Như vậy, chất lượng quản trị kém có nghĩa sẽ làm chất lượng tài sản có suy giảm, những rủi ro về thanh khoản và tín dụng chỉ là hệ quả từ những tác động này.