Kinh tế Trung Quốc chống chọi với các dấu hiệu xấu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, các yếu tố phi kinh tế đang gia tăng và cản trở hoạt động ngoại thương của nước này, vốn đang phải đối mặt với nguy cơ xảy ra tình trạng “cực kỳ nghiêm trọng” vào nửa cuối năm nay.
Kinh tế Trung Quốc chống chọi với các dấu hiệu xấu

Ông Li Xingqian, người đứng đầu Bộ phận Ngoại thương, Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng, một số quốc gia thúc đẩy mạnh mẽ việc “tách rời”, “cắt đứt chuỗi cung ứng”, “giảm thiểu rủi ro” đã ngăn chặn thương mại bình thường. Xuất khẩu của Trung Quốc, một yếu tố đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế trong nước, đã sụt giảm trong những tháng gần đây, khi kinh tế toàn cầu chậm lại.

Đề cập đến các lời kêu gọi đa dạng hóa chuỗi cung ứng, ông Li nói: “Các công ty cho biết, việc chính trị hóa thương mại của một số quốc gia đã buộc các đơn đặt hàng và hoạt động sản xuất phải chuyển ra ngoài, gây tổn hại đến lợi ích kinh tế của cả nhà cung cấp và người mua”. Ông Li nói thêm, Bộ sẽ giúp các doanh nghiệp đối phó với những hạn chế thương mại vô lý.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã leo thang trong vài năm qua và Mỹ đang sử dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu của riêng mình trong nỗ lực hạn chế sự phát triển công nghệ cao của Trung Quốc, khiến không ít quốc gia khác cũng phải “hành động”. Trung Quốc đang tìm cách giữ chân và thu hút đầu tư nước ngoài, trong đó dự kiến cho phép các nhà đầu tư nước ngoài tăng quy mô đầu tư chiến lược vào các công ty niêm yết.

Những lo ngại đang gia tăng rằng kinh tế Trung Quốc đang trên bờ vực giảm phát sau khi một loạt dữ liệu kinh tế cung cấp thêm bằng chứng về sự tăng trưởng trì trệ, làm dấy lên những lời kêu gọi can thiệp chính sách có ý nghĩa hơn.

“Chúng ta cần thấy áp lực giá cả rộng rãi và dai dẳng trước khi có thể tuyên bố giảm phát. Điều này đang xảy ra ở các lĩnh vực thượng nguồn và thường mất từ 2 - 4 quý để đi xuống”, ông Hong Hao, nhà kinh tế trưởng của Grow Investment Group nói và chia sẻ: “Tôi nghĩ, chúng ta đang trên bờ vực giảm phát. Bây giờ là lúc phải hành động để ngăn chặn áp lực giảm phát”.

Tăng trưởng GDP danh nghĩa của Trung Quốc thấp hơn tăng trưởng GDP thực tế trong quý II/2023.

Dữ liệu cho thấy, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 5,4% trong tháng 6/2023 so với một năm trước và giảm 0,8% so với một tháng trước, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Mức giảm hàng năm vào tháng 6 là lần giảm thứ 9 liên tiếp của Trung Quốc và là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 12/2015. Trong khi đó, lạm phát giá tiêu dùng hàng năm không thay đổi trong tháng 6/2023, do giá thịt lợn giảm 7,2% và yếu hơn mức tăng 0,2% trong tháng 5. Dữ liệu giá tiêu dùng và giá sản xuất cho thấy, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tiếp tục hạ nhiệt.

Rủi ro giảm phát đè nén nền kinh tế, nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) đã đẩy lùi luận điểm giảm phát vào tuần trước. “Tại thời điểm này, không có giảm phát và sẽ không có nguy cơ giảm phát trong nửa cuối năm nay”, ông Liu Guoqiang, Phó thống đốc PBOC nói và chỉ ra các yếu tố tích cực như sự phục hồi kinh tế và tăng trưởng cung tiền. Cụ thể, GDP quý II/2023 tăng 6,3% so với cùng kỳ và tăng 0,8% so với quý I. Các ngân hàng Trung Quốc đã gia hạn 1.810 tỷ nhân dân tệ (258,23 tỷ USD) cho các khoản vay mới bằng nhân dân tệ trong tháng 6/2023, tăng 22% so với tháng 5.

Tuy nhiên, ông Zhang Zhiwei, Chủ tịch kiêm nhà kinh tế trưởng của Pinpoint Asset Management cho hay, tăng trưởng GDP danh nghĩa thấp hơn tăng trưởng GDP thực tế trong quý II/2023, lần đầu tiên kể từ khi có dữ liệu so sánh vào quý IV/2016. Điều này cho thấy, nguy cơ giảm phát là nghiêm trọng. Một số nhà kinh tế tại Citi và Macquarie cũng cảnh báo nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc.

“Áp lực giảm phát là rõ ràng, khi tăng trưởng GDP danh nghĩa giảm xuống 4,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong quý II/2023 từ mức 5% trong quý I. Đây là lần đầu tiên kể từ quý I/2020, chỉ số giảm phát GDP chuyển sang giá trị âm”, hai nhà kinh tế học của Macquarie là Larry Hu và Yuxiao Zhang đánh giá.

Nhiều dữ liệu tháng 6/2023 khác đã chỉ ra các chỉ báo yếu. Mặc dù số liệu đầu tư tài sản cố định và sản lượng công nghiệp cao hơn so với kỳ vọng của thị trường, nhưng vẫn có sự sụt giảm đáng lo ngại trong đầu tư bất động sản, trong khi mức nền so sánh năm ngoái thấp vì tình trạng phong tỏa do Covid-19.

Một loạt ngân hàng ở Phố Wall đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Trung Quốc, mức dự báo mới của Citi, Morgan Stanley và JP Morgan là 5%, còn Barclays là 4,9%.

Linh Hương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục