Giới quan sát ngày càng lo ngại kinh tế lao dốc trong vài tháng tới, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc khiến niềm tin kinh doanh và tiêu dùng giảm sút.
Phần lớn nhà kinh tế học và lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Các nhà hoạch định chính sách thì vẫn kỳ vọng một cuộc hạ cánh mềm, thay vì suy thoái ngay lập tức.
Dù vậy, tại Hội nghị Thượng đỉnh Chính phủ Thế giới (WGS) tại Dubai cuối tuần trước, nhà kinh tế học từng giành giải Nobel - Paul Krugman tỏ ra nghi ngờ viễn cảnh này.
Khi được hỏi về khả năng toàn cầu suy thoái trong vài tháng tới, ông cho biết: "Tôi cho rằng khả năng cao là chúng ta sẽ suy thoái trong năm nay hoặc năm tới".
Krugman cho rằng sẽ không có "một yếu tố lớn nào" gây ra suy thoái kinh tế. Thay vào đó, một chuỗi thách thức sẽ làm tăng dần rủi ro suy giảm Ông nhấn mạnh chương trình cắt giảm thuế của Tổng thống Mỹ - Donald Trump là một nguy cơ, vì nó "không hiệu quả lắm". Krugman cũng cảnh báo tăng trưởng của ngành công nghệ "bắt đầu giống bong bóng có nguy cơ xì hơi".
Krugman là giáo sư danh dự tại Trường Woodrow Wilson thuộc Đại học Princeton. Ông từng giành giải Nobel Kinh tế năm 2008 với nghiên cứu "Tác động của lợi thế quy mô tới các mô hình thương mại và địa điểm diễn ra các hoạt động kinh tế".
Ông cho rằng các nhà hoạch định chính sách kinh tế đang thiếu sự chuẩn bị. "Mối lo chủ yếu luôn là chúng ta không phản ứng một cách hiệu quả khi mọi thứ chậm lại. Khu vực hiện có vẻ gần với suy thoái nhất là eurozone", ông nói.
Cuối tuần trước, Ủy ban châu Âu (EC) đã hạ đáng kể dự báo tăng trưởng khu vực đồng euro năm 2019 và 2020. Theo đó, GDP eurozone sẽ chỉ tăng 1,3% năm nay và 1,6% năm tới. Cách đây vài tháng, dự báo của giới chức còn là 1,9% và 1,7%.