Kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi, vĩ mô ổn định

0:00 / 0:00
0:00
Đó là nhận định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình kinh tế - xã hội trong 10 tháng qua.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2022. Ảnh: VGP Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2022. Ảnh: VGP

Kinh tế tiếp tục phục hồi, vĩ mô ổn định

Các nhận định tích cực về nền kinh tế đã tiếp tục được đưa ra tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 10/2022.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nền kinh tế đang tiếp tục duy trì đà phục hồi, đồng thời giữ vững được ổn định vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn.

Một trong những dấu hiệu dễ thấy nhất, đó là chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 10 tháng chỉ tăng 2,89%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021. Với xu hướng này, chắc chắn, lạm phát cả năm sẽ được kiểm soát dưới mức 4%.

Trong bối cảnh đó, thu ngân sách nhà nước 10 tháng ước đạt 103,7% dự toán, tăng 16,2% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, thu nội địa đạt 98,4% dự toán, tăng 12,1%, tạo dư địa trong điều hành tài khóa.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tiếp tục tích cực, tính chung 10 tháng đạt 17,45 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước. Điều này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng sẽ góp phần giảm áp lực lên cán cân thanh toán quốc tế của Việt Nam trong ngắn hạn, đồng thời giúp gia tăng năng lực sản xuất mới của nền kinh tế trong thời gian tới.

Số liệu thống kê cũng cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu tháng Mười ước tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng đạt gần 616,24 tỷ USD, tăng 14,1%.

Trong đó, xuất khẩu tăng 15,9%, nhập khẩu tăng 12,2%. Đặc biệt, nền kinh tế tháng 10 ước xuất siêu 2,27 tỷ USD, tính chung 10 tháng xuất siêu 9,4 tỷ USD. Đây là con số rất tích cực.

Không chỉ giữ vững ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, hoạt động sản xuất - kinh doanh tiếp tục phục hồi khá tích cực.

Trong đó, sản xuất công nghiệp phục hồi khá. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng Mười tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, ước tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,6% (cùng kỳ năm 2021 tăng 5,1%), một số ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực phục hồi khá như dệt may, da giày, chế biến gỗ…

Đáng chú ý, thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là sức cầu trong nước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 10 ước tăng 17,1% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 10 tháng ước tăng 20,2%, loại trừ yếu tố giá tăng 16,1%. Du lịch tiếp tục phục hồi nhanh, khách quốc tế 10 tháng đạt gần 2,4 triệu lượt, gấp 18,8 lần cùng kỳ năm 2021.

Kinh tế phục hồi nên theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tình hình doanh nghiệp tiếp tục khởi sắc. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 58,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường đạt gần 178.500 doanh nghiệp, tăng 38,3% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,3 lần doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.

Theo nhận định của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, trong những tháng cuối năm 2022, tình hình kinh tế Việt Nam có triển vọng khá khả quan.

Thứ nhất, là do hoạt động sản xuất - kinh doanh khởi sắc và đạt được kết quả khá toàn diện trên nhiều mặt tạo ra mức tăng trưởng khả quan trong 9 tháng đầu năm.

Thứ hai, do nền tăng trưởng quý IV/2021 ở mức thấp, nên khả năng tăng trưởng ước đạt của quý IV/2022 được kỳ vọng ở mức cao.

Lường trước các rủi ro

Xu hướng của nền kinh tế là tích cực, song theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, khó khăn, rủi ro phía trước cũng còn rất lớn.

Một trong số đó, làtăng trưởng của các yếu tố cả về cung và cầu của nền kinh tế tuy đã đạt ở mức cao nhưng cơ bản chưa bù đắp được mức giảm sút của năm trước do tác động của dịch Covid-19, mức bình quân 10 tháng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019.

Chỉ số IIP bình quân 10 tháng của 3 năm 2020-2022 mới đạt 3,4%, trong khi cùng kỳ giai đoạn 2016-2019 là 10,2%.

Bên cạnh đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng chỉ tăng 1,2% (cùng kỳ giai đoạn 2016-2019 là 11,9%); xuất khẩu chỉ tăng 6,3% (cùng kỳ giai đoạn 2016-2019 tăng 9%).

“Các cấp, các ngành không được chủ quan, lơ là, cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt các cơ hội phục hồi và phát triển”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Cùng với đó, thực tế là, bối cảnh thế giới vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, điều này đã tác động tiêu cực và gây thêm nhiều khó khăn đối với hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và công tác quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô trong nước.

Thị trường tài chính, tiền tệ và chính sách điều hành cũng đối mặt với áp lực ngày càng tăng do định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và nhiều quốc gia. Tỷ giá, lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát, tác động khó khăn tới tiếp cận vốn vay, trong khi nhu cầu vay vốn phục hồi sản xuất, kinh doanh tăng cao; chi phí đầu vào sản xuất tăng, có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Theo Bộ trưởng, dư địa điều hành chính sách tiền tệ để hỗ trợ tăng trưởng hạn chế, việc triển khai hỗ trợ lãi suất 2%/năm chậm, chưa phát huy hiệu quả của chính sách tài khóa.

Đặc biệt, vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới mặc dù đã có dấu hiệu phục hồi trong tháng, nhưng tính chung 10 tháng vẫn giảm 23,7% so với cùng kỳ. Dự báo cả năm mặc dù đạt tương đương năm 2021, nhưng còn khoảng cách so với năm trước dịch 2019, ảnh hưởng đến tiềm năng mở rộng sản lượng của khu vực đầu tư nước ngoài, có thể tác động đến cán cân vãng lai, dự trữ ngoại hối, tỷ giá… trong trung và dài hạn.

“Nguy cơ suy thoái tại Mỹ, EU, Trung Quốc và nhiều nước phát triển là đối tác quan trọng của Việt Nam ngày càng trở nên rõ ràng hơn. Đây là thách thức lớn đối với tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa và sự phục hồi của ngành du lịch nước ta”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục