Kinh tế quý III: Xuất khẩu và tăng trưởng GDP vẫn khó

(ĐTCK) 6 tháng đầu năm, tình trạng thâm hụt thương mại vẫn duy trì với cán cân nhập khẩu tiếp tục gia tăng. 
Kinh tế quý III: Xuất khẩu và tăng trưởng GDP vẫn khó

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), trong bối cảnh lạm phát có xu hướng cao hơn, tăng trưởng kinh tế quý III, cũng như trong nửa cuối năm, vẫn tiếp tục gặp nhiều khó khăn.

Báo cáo của CIEM cho thấy, tăng trưởng kinh tế quý II chưa lấy lại được đà phục hồi, GDP tăng 5,57% so với cùng kỳ 2015 và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 gặp nhiều thách thức. Tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng trong quý II đạt 7,61%. Khu vực nông - lâm nghiệp và thủy sản có sự chuyển biến, dù chưa nhiều. Giá trị gia tăng của khu vực này tăng 0,06% trong quý II và giảm 0,18% trong 6 tháng đầu năm. Giá trị gia tăng của dịch vụ tăng 6,6% trong quý II và 6,35% trong 6 tháng đầu năm, mức cao nhất kể từ năm 2012.

CIEM đánh giá, thực tế, quý II chứng kiến những khó khăn, biến động không nhỏ, với sức ảnh hưởng sâu rộng của kinh tế thế giới và khu vực cũng như những khó khăn nội tại trong nước đã tác động sâu tới nền kinh tế, khiến tăng trưởng sụt giảm.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, quý II chứng kiến bước chuyển giao đầu tiên của bộ máy Chính phủ với nhiều tín hiệu khả quan, tạo đà cho sự phục hồi tích cực của tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới. Bước đầu, Chính phủ đã đưa ra thông điệp, với tư tưởng tạo lập môi trường chính sách dễ tiên liệu hơn, khuyến khích và nuôi dưỡng tinh thần kinh doanh. Quyền tự do kinh doanh của DN và người dân được tái khẳng định qua cách thức, hành động xử lý nhanh chóng những vụ việc cụ thể.

“Những chuyển biến này đã đánh trúng kỳ vọng của cộng đồng DN và dân cư, trong bối cảnh đà cải cách môi trường kinh doanh được đẩy mạnh từ năm 2014... Đây chính là nền tảng để kỳ vọng về khả năng tái lập tăng trưởng kinh tế cao và bền vững hơn trong nửa cuối năm 2016 và những năm tới”, ông Cung nói.

Theo CIEM, tăng trưởng kinh tế quý III có thể đạt mức 6,14%, thể hiện sự hồi phục và đi lên của nền kinh tế. Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu quý III (so với cùng kỳ 2015) vẫn chỉ dự báo ở mức 6,8%, thấp hơn khá xa so với mục tiêu tăng trưởng 10% đã đặt ra. Do đó, thâm hụt thương mại dự báo vẫn ở mức 0,4 tỷ USD. Mức tăng giá tiêu dùng trong quý III so với quý II là khoảng 1,31%.

Đánh giá về tình hình xuất khẩu, đại diện Viện Chiến lược Ngân hàng cho rằng, xuất khẩu chỉ đạt mức tăng trưởng 5,8% là mức tăng thấp nhất 5 năm nay. Nguyên nhân chủ yếu là do giảm cả giá và lượng xuất khẩu dầu thô cũng như sự chậm lại trong tăng trưởng xuất khẩu của một loạt các mặt hàng chủ lực như hàng dệt may, giày dép, linh kiện điện thoại, điện tử. Ngoài sản lượng xuất khẩu các mặt hàng chủ lực giảm, những yếu tố tác động cộng hưởng từ sự suy giảm của chỉ số giá thế giới cũng làm xuất khẩu chung của Việt Nam giảm theo. Theo nhận định của chuyên gia này, trong quý III và nửa cuối năm, cần tính tới khả năng chỉ số này tiếp tục giảm, cộng với tác động từ các yếu tố địa chính trị như Brexit sẽ làm tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cuối năm chậm lại và khó đạt mục tiêu cả năm. Bên cạnh đó, nhập siêu 6 tháng đang giảm và điều này cũng ảnh hưởng tới sản xuất, do hơn 90% nhập khẩu là phục vụ cho sản xuất. Đây là những yếu tố rất cần theo dõi chặt chẽ và có giải pháp điều hành kịp thời để tránh gây tác động làm chậm tốc độ tăng trưởng chung.

Để đạt được mục tiêu GDP tăng 6,7% trong năm 2016, theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Quang Thái, không nên điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng GDP, mà cần tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đạt mục tiêu cao hơn.

“Tôi đồng ý là không điều chỉnh giảm mục tiêu tăng trưởng, mà cái chính là phải cố gắng, cải cách tối đa cho nền kinh tế phát triển. Chính phủ cần quyết liệt đẩy mạnh triển khai các chính sách hỗ trợ DN và cải thiện môi trường kinh doanh đã ban hành để tạo động lực thúc đẩy sản xuất - kinh doanh tăng trưởng, đồng thời đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô. Ngoài ra, cần kiểm soát chặt tình hình nợ công, không gây tác động tăng lãi suất khiến doanh nghiệp thêm khó khăn”, ông Thái khuyến nghị.

Chuyên gia kinh tế, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, cần có nghiên cứu kế hoạch và chương trình cải cách đồng bộ cơ bản với mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô và chính sách cải cách kinh tế. TS. Doanh đề xuất, CIEM cần báo cáo Chính phủ cho phép xây dựng sớm Đề án ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, cần chủ động đưa ra các chương trình sơ khảo, nêu lên những vấn đề cụ thể nhằm đánh giá những khó khăn, tồn tại hiện nay.     

Mai Phương

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục