Kinh tế quý III/2020: Khởi sắc trong khó khăn

0:00 / 0:00
0:00
Việc GDP của quý III/2020 tăng trưởng 2,62%, sau khi chỉ tăng trưởng 0,39% trong quý II đã cho thấy dấu hiệu khởi sắc của nền kinh tế. Tuy nhiên, chặng đường phục hồi vẫn còn lắm chông gai.

Khởi sắc trong khó khăn

Nếu vẽ một đồ thị về tốc độ tăng trưởng GDP của các quý trong năm 2020, có thể thấy rất rõ sự khởi sắc của nền kinh tế.

Quý I, GDP tăng trưởng 3,68% - tuy thấp, nhưng vẫn là “khá” trong bối cảnh Covid-19. Quý II, nền kinh tế “lao dốc”, với tốc độ tăng trưởng chỉ còn 0,39%. Sang quý III, dấu hiệu vượt dốc khá rõ ràng, khi từ “đáy” tăng trưởng thấp nhất của các quý II trong nhiều thập kỷ qua, tăng trưởng GDP đã đạt con số 2,62%, đưa con số tăng trưởng của 9 tháng lên 2,12%.

Dù dấu hiệu khởi sắc khá rõ ràng, nhưng đó chỉ là “khởi sắc trong khó khăn”. Bởi thực tế, khi công bố số liệu thống kê về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng thừa nhận rằng, tăng trưởng GDP cả quý III và 9 tháng của năm 2020 đều ở mức thấp nhất của các tháng 9 và 9 tháng trong giai đoạn 2011-2020. Thậm chí, nếu muốn đẩy về so sánh với cả 10 năm trước đó nữa, thì tình hình cũng không khá hơn.

Mặc dù vậy, theo khẳng định của bà Hương, trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, kinh tế toàn cầu suy thoái, thì việc nền kinh tế Việt Nam vẫn có tăng trưởng dương đã là một kết quả đáng ghi nhận. Con số này cũng cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị trong thực hiện mục tiêu kép - vừa ngăn chặn, phòng chống dịch bệnh, vừa duy trì tăng trưởng kinh tế.

“Trong tình huống Covid-19 tái bùng phát lần 2 ở Việt Nam, chúng ta vẫn có mức tăng trưởng tương đối tốt trong quý III, qua đó kéo tăng trưởng chung 9 tháng lên 2,12%. Tôi cho rằng, đây là một kết quả rất đáng ghi nhận”, ông Lê Đình Ân, chuyên gia kinh tế cũng nói với phóng viên Báo Đầu tư như vậy.

Trước đó, khi Covid-19 tái bùng phát, nhiều ý kiến của các chuyên gia kinh tế lo ngại rằng, quý III, tình hình kinh tế có thể sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, quyết định chính xác của Chính phủ trong thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo hướng “khoanh vùng” nhỏ nhất có thể, còn các nơi khác phải ở trong “trạng thái bình thường mới” để phát triển, đã góp phần quan trọng giúp nền kinh tế nhích dần từng bước qua vùng khó khăn.

Động lực chính giúp nền kinh tế nhích lên, được ông Lê Đình Ân chỉ ra là do sản xuất công nghiệp, chế biến, chế tạo. “Dù 9 tháng qua, tốc độ tăng trưởng của khu vực này là thấp so với cùng kỳ, nhưng trong bối cảnh cực kỳ khó khăn do Covid-19, duy trì được đà tăng trưởng đã là một cố gắng lớn”, ông Lê Đình Ân nói và nhắc đến “bệ đỡ” nông nghiệp, cũng như vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ trong thúc đẩy tăng trưởng và giữ ổn định kinh tế vĩ mô 9 tháng qua.

Số liệu thống kê cho thấy, trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,84%, đóng góp 13,62% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,08%, đóng góp 58,35% ; khu vực dịch vụ tăng 1,37%, đóng góp 28,03%.

Nỗ lực trong gian khó

Nếu tăng trưởng GDP 9 tháng đã ở mức 2,12%, thì khả năng đạt mức tăng trưởng trên 2% trong cả năm gần như chắc chắn, nếu không có gì bất thường trong quý còn lại của năm. Tuần trước, mặc dù chưa có số liệu thống kê chính thức của 9 tháng, nhưng Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương khi báo cáo tại phiên họp toàn thể của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã cho biết, dự kiến, tăng trưởng GDP cả năm ước đạt trên 2%, phấn đấu đạt khoảng 3%.

Ngoài chỉ tiêu quan trọng này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, dự kiến, trong năm 2020, có 8/12 chỉ tiêu sẽ đạt và vượt mục tiêu Quốc hội đề ra. 4 chỉ tiêu không đạt, gồm tăng trưởng GDP, tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị và tỷ lệ lao động qua đào tạo.

Covid-19 chính là nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này. Làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hôm 29/9, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng thừa nhận những diễn biến “khó lường”, “không tưởng tượng được” của Covid-19. “Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Có lẽ là từ đại khủng hoảng 1930 trở lại đây, chưa từng có như vậy”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Covid-19, như lời của bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) phụ trách khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, đã tạo nên một “cú sốc” cho kinh tế toàn cầu, khiến tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm nay sẽ giảm tới 5,2% - mức suy thoái toàn cầu cao nhất trong vòng 8 thập kỷ qua.

Trong bối cảnh đặc biệt đó, nhiều quốc gia trên thế giới thậm chí không còn “so đo” tăng trưởng cao hay thấp. Việt Nam cũng vậy, tăng trưởng trên 2% đã được coi là một thành công lớn.

Tuy vậy, theo chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh, để đạt được mức tăng trưởng này, vẫn cần lưu ý các khó khăn hiện hữu của nền kinh tế. Một biểu hiện khá rõ ràng, đó là nền kinh tế xuất siêu tới 17 tỷ USD sau 9 tháng, trong khi tăng trưởng xuất khẩu chỉ ở mức 4,2%, đạt trên 202 tỷ USD.

“Nếu xuất siêu cao trong bối cảnh xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng hai con số thì là quá tốt. Nhưng ở đây, xuất siêu là do nhập khẩu giảm. Sự đứt gãy của chuỗi cung ứng đã gây ra tình trạng này, doanh nghiệp Việt Nam khó nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào hơn. Điều này sẽ gây khó khăn cho sản xuất - kinh doanh”, chuyên gia Cao Viết Sinh nói.

Tuy vậy, nhiều dự báo cho rằng, nếu không có cú sốc nào khác, thì sang quý IV, tình hình sẽ khả quan hơn. Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy, có đến 82,8% số doanh nghiệp của khu vực đầu tư nước ngoài được hỏi đã dự báo tình hình sản xuất - kinh doanh quý IV/2020 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2020. Tỷ lệ này ở khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp ngoài nhà nước lần lượt là 81,7% và 80,2%. Khi doanh nghiệp có điều kiện sản xuất - kinh doanh tốt hơn, sẽ hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế.

Ỏ góc độ khác, ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Vụ Hệ thống tài khoản quốc gia (Tổng cục Thống kê) lại nhắc đến việc giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang có nhiều dư địa để tăng trưởng, qua đó góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Thông thường, quý cuối năm, giải ngân vốn đầu tư công tăng nhanh hơn so với các quý đầu năm. Đây chính là một động lực quan trọng để nền kinh tế có thể đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn trong quý IV.

Số liệu của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước thực hiện 9 tháng ước tính đạt 303.000 tỷ đồng, bằng 59,7% kế hoạch năm và tăng 33,3% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2019 bằng 59,3% và tăng 6,3%), cao nhất trong giai đoạn 2016-2020. Đây là kết quả của những nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương trong đẩy mạnh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công, nhằm duy trì đà tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh Covid-19 đã được kiểm soát tốt tại Việt Nam.

Chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi

Có một câu hỏi luôn được đặt ra vào thời điểm này của tất cả các năm, là với tăng trưởng GDP năm nay dự kiến như thế, thì năm sau, liệu nền kinh tế sẽ tăng trưởng được bao nhiêu?

Hiện nay, Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đã được dự thảo, với mục tiêu tổng quát được đặt ra là “tập trung thực hiện hiệu quả ‘mục tiêu kép’, vừa phòng chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới”.

Một số chỉ tiêu cụ thể cũng đã được đưa ra. Đó là tăng trưởng GDP khoảng 6-6,5%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45-47%; năng suất lao động xã hội tăng khoảng 4,8%...

Nghĩa là, so với kết quả dự kiến đạt được của năm 2020, thì tốc độ tăng trưởng GDP của năm 2021 đang được đặt ra ở mức khá cao. Tuy vậy, trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, chuyên gia cao cấp Cao Viết Sinh cho rằng, trên nền mức tăng trưởng thấp của năm 2020, thì việc đặt mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2021 là hợp lý và hoàn toàn có thể đạt được.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã đưa ra dự báo rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm 2021, sau khi chỉ đạt 1,8% trong năm nay. Còn Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng, nếu tình hình thế giới thuận lợi, Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 2,8% trong năm nay và 6,8% trong năm tới. Có nghĩa rằng, các dự báo đều đưa ra các con số ở mức rất gần với mục tiêu kế hoạch mà Việt Nam dự kiến đặt ra.

“Tốc độ tăng trưởng này có thể đạt được, bởi năm 2021, kinh tế toàn cầu dự kiến sẽ phục hồi, kéo nền kinh tế Việt Nam đi lên. Tuy nhiên, để đạt mức tăng trưởng này, bên cạnh chính sách tiền tệ mà chúng ta đã làm tốt trong thời gian qua, cần tập trung hơn vào chính sách tài chính, tài khóa”, chuyên gia Lê Đình Ân nói.

Dù có thể mục tiêu tăng trưởng năm 2021 là hợp lý trong bối cảnh Covid-19, song rõ ràng, đây là mức khiêm tốn trong bối cảnh Việt Nam đang đặt mục tiêu trở thành nước đang phát triển có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

Theo các phác thảo ban đầu của Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2021-2025 vừa được Thứ trưởng Trần Quốc Phương báo cáo Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thì tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 5 năm dự kiến đặt ra ở mức 6,5-7%; GDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt 4.700-5.000 USD. Nếu tăng trưởng GDP năm 2021 đạt dưới ngưỡng 6,5%, thì sẽ “làm khó” cho các năm còn lại.

Tuy nhiên, theo chia sẻ của Thứ trưởng Trần Quốc Phương, thì năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm tới, mục tiêu đặt ra chỉ là “phục hồi kinh tế”. Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cũng thấu hiểu điều này. Ông cho biết, năm 2021, tình hình vẫn rất khó khăn.

“Đại dịch Covid-19 chưa thể được xử lý dứt điểm trước tháng 6/2021, thế giới cũng chưa thể quay trở lại trạng thái bình thường. Năm 2021, có thể vẫn phải vừa lo chống dịch vừa lo phục hồi kinh tế. Khả năng phải tới năm 2023, tình hình mới bình thường trở lại”, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nói.

Bởi thế, hiện tại, nhiệm vụ quan trọng nhất là làm sao đạt mức cao nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, sau đó là chuẩn bị cho giai đoạn phục hồi, bắt đầu từ năm đầu tiên của kế hoạch 2021-2025.

Hà Nguyễn
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục