Trụ đỡ nông nghiệp và dịch vụ
Các chỉ số kinh tế vĩ mô của quý I/2023 mà Tổng cục Thống kê vừa chính thức công bố, có thể nói, đã vẽ lên đầy đủ những khó khăn vô cùng lớn của kinh tế Việt Nam 2023, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu cũng đang đối mặt với rất nhiều rủi ro và thách thức: lạm phát cao, tăng trưởng thấp, tổng cầu thế giới giảm mạnh…
Kinh tế thế giới như vậy, nên theo bà Nguyễn Thị Hương, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế Việt Nam chắc chắn bị ảnh hưởng. Điều này đã được dự báo trước và thực tế cũng thể hiện rõ trong các chỉ số kinh tế vĩ mô của tháng 1, tháng 2. Bởi thế, không ngạc nhiên khi Tổng cục Thống kê công bố, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp trong quý I/2023 giảm 0,82%; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 79,17 tỷ USD, giảm 11,9% so với cùng kỳ năm trước.
Xuất khẩu sụt giảm mạnh, nên sản xuất công nghiệp cũng có mức giảm sâu nhất so với cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, làm giảm 0,28 điểm phần trăm trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Thậm chí, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, lâu nay vẫn là động lực tăng trưởng của nền kinh tế, giảm 0,37%, làm giảm 0,1 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế…
Cả xuất khẩu và sản xuất công nghiệp sụt giảm mạnh, nên tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng. Tăng trưởng GDP quý I/2023 chỉ đạt 3,32%. Đây là mức thấp thứ hai trong giai đoạn 2021-2023, chỉ cao hơn tốc độ tăng trưởng 3,21% của quý I/2020.
“Như vậy là, tốc độ phục hồi của nền kinh tế bị chững lại. Nguyên nhân chủ yếu đến từ bối cảnh kinh tế thế giới không thuận, xuất phát từ tác động của xung đột Nga - Ukraine, chính sách thắt chặt tiền tệ của các nền kinh tế lớn để kiểm soát lạm phát, nhà đầu tư, cũng như xu hướng các doanh nghiệp có tâm lý thận trọng, dè dặt trong các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh”, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã nói như vậy.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng còn nhắc đến khó khăn trong sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo bị tác động nặng nề, khi thiếu đơn hàng để tổ chức sản xuất…
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho rằng, tốc độ tăng trưởng GDP 3,32% “cơ bản là tích cực”, vẫn cao hơn quý I/2020 - thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát. “Đó là nhờ trụ đỡ nông nghiệp vẫn tăng trưởng khá và khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, nhất là du lịch”, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói.
Trong bức tranh kinh tế quý I/2023, có lẽ, sản xuất nông nghiệp và dịch vụ là những mảng sáng đáng ghi nhận. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,52%, đóng góp 8,85%; khu vực công nghiệp, xây dựng giảm 0,4%, làm giảm 4,76%; khu vực dịch vụ tăng 6,79%, đóng góp 95,91% vào mức tăng chung của nền kinh tế.
Nông nghiệp, trong khó khăn, lại một lần nữa khẳng định được vai trò trụ đỡ của mình. Còn khu vực dịch vụ, sau quyết định mở cửa nền kinh tế từ 15/3/2022, đã và đang phục hồi mạnh mẽ.
Quý I/2023, khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt gần 2,7 triệu lượt người, gấp 29,7 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành ước đạt 6.800 tỷ đồng, gấp 2,2 lần cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống ước đạt 161.100 tỷ đồng, tăng 28,4% so với cùng kỳ năm trước.
Dù khách du lịch quốc tế đến Việt Nam mới chỉ bằng 60% so với thời điểm trước Covid-19, song sự phục hồi của lĩnh vực này nói riêng, khu vực dịch vụ nói chung, đã đóng vai trò quan trọng đưa kinh tế Việt Nam đạt tốc độ tăng trưởng 3,32% trong quý I/2023.
Tín hiệu để kỳ vọng
Đầu tư công sẽ tiếp tục là một trong những động lực tăng trưởng kinh tế, một khi các Dự án đầu tư được triển khai đồng loạt và mạnh mẽ. Cùng với việc mở rộng thị trường xuất khẩu, hy vọng rằng, kinh tế Việt Nam sẽ tốt lên trong nửa cuối năm.
- Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu
Tốc độ tăng trưởng GDP quý I chỉ đạt 3,32% khiến mục tiêu đạt tăng trưởng 6,5% trong năm nay trở nên khó khăn hơn, thậm chí khiến con đường phục hồi trở nên gập ghềnh hơn.
Chính Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương cũng dùng cụm từ “gập ghềnh” để nói về biểu đồ tăng trưởng GDP theo quý của Việt Nam kể từ năm 2020, năm bắt đầu có dịch bệnh Covid-19. Sau tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, tưởng rằng, kinh tế có thể tiếp đà phục hồi mạnh mẽ của năm 2022, nhưng không ngờ, những bất ổn của kinh tế toàn cầu đã “dội thẳng” vào kinh tế Việt Nam. Con đường phục hồi sau dịch bệnh không hề bằng phẳng.
Trong kịch bản kinh tế, được vạch ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP, để tăng trưởng cả năm đạt 6,5%, quý I phải tăng trưởng 5,6%; còn quý II là 6,7%, nhưng thực tế đạt được chỉ là 3,32%.
Vì vậy, theo bà Hương, để đạt mục tiêu cả năm, các quý còn lại của năm cần đạt mức tăng trưởng 7,5%. “Đây là một thách thức lớn”, bà Hương nói.
Quả thật, có thể kể rất nhiều chỉ số để thấy, kinh tế Việt Nam đang khó khăn. “Sức khỏe” của doanh nghiệp là một ví dụ điển hình, bởi đó chính là “sức khỏe” của nền kinh tế. Quý I/2023, số doanh nghiệp thành lập mới chỉ là 33.905 doanh nghiệp, giảm 2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kể cả tính thêm 23.041 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, thì cũng vẫn thấp hơn con số 60.241 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Doanh nghiệp khó khăn, vì thiếu đơn hàng, thiếu thanh khoản…, thì nền kinh tế cũng không dễ vượt qua khó khăn. Câu hỏi đặt ra là, liệu có thể kỳ vọng hơn vào kinh tế những tháng cuối năm, liệu quý I/2023 có phải là điểm đáy?
Thực tế, xu hướng thường thấy của kinh tế Việt Nam là quý sau tăng trưởng cao hơn quý trước. Xu hướng này có thể cũng sẽ lặp lại trong năm 2023.
Có một vài tín hiệu để kỳ vọng. Tháng 3/2023, kim ngạch xuất khẩu ước đạt 29,57 tỷ USD, tăng 13,5% so với tháng 2. Kết quả khảo sát xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng cho thấy, có 44,1% số doanh nghiệp đánh giá tình hình quý II/2023 tốt lên so với quý I; khoảng 35,3% số doanh nghiệp cho rằng, tình hình sản xuất - kinh doanh sẽ ổn định và 20,6% số doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn.
Với đơn đặt hàng xuất khẩu cũng vậy, xu hướng quý II/2023 so với quý I/2023, có 33,5% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới; 43,1% số doanh nghiệp dự kiến ổn định và 23,4% số doanh nghiệp dự kiến giảm.
Khi sản xuất được cải thiện, sẽ tác động tích cực đến tăng trưởng. Trong khi đó, sản xuất nông nghiệp duy trì đà ổn định, khu vực dịch vụ đang trong giai đoạn phục hồi. Thời gian gần đây, Chính phủ thực thi nhiều biện pháp để thúc đẩy du lịch, trong đó có vấn đề visa cho khách quốc tế. Dịch vụ và nông nghiệp sẽ tiếp tục là trụ đỡ cho nền kinh tế.