Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, giới đầu tư ồ ạt gom hàng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Phố Wall thăng hoa trong phiên giao dịch cuối tuần, đánh dấu tuần thứ hai liên tiếp tăng điểm sau khi đón nhận báo cáo việc làm hàng tháng tốt hơn dự kiến ​trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ từ đại dịch.
Kinh tế phục hồi mạnh mẽ, giới đầu tư ồ ạt gom hàng

Mỹ có thêm 850.000 việc làm trong tháng 6, cao hơn con số ước tính 706.000 của các chuyên gia kinh tế và cũng cao hơn nhiều so với mức 583.000 trong tháng 5. Đây là mức tăng hàng tháng lớn nhất kể từ tháng 3/2021, theo Bộ Lao động Mỹ. Số lượng việc làm tăng trưởng mạnh mẽ nhất trong lĩnh vực khách sạn và giải trí, các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.

Với 850.000 việc làm mới trong tháng 6, nước Mỹ đã tạo ra tổng cộng 3,3 triệu việc làm trong 6 tháng đầu năm 2021.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tháng 6 lại tăng lên 5,9% thay vì 5,6% như dự báo. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên ngay cả khi tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữ nguyên ở mức 61,6%.

Theo giới quan sát, tiến bộ trên thị trường lao động vẫn chưa đủ mạnh để khiến các nhà đầu tư lo ngại rằng, Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ phải bắt đầu thắt chặt chính sách nới lỏng và tăng lãi suất sớm hơn dự báo.

Mặt khác, thu nhập bình quân theo giờ tại Mỹ cũng tăng 0,1 USD trong tháng 6, lên mức 30,40 USD/giờ và số giờ làm việc trong tuần giảm 0,1 giờ xuống 34,7 giờ/tuần. Thu nhập trung bình của người lao động Mỹ liên tiếp được cải thiện trong 3 tháng vừa qua, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ.

"Đây là cú tăng trưởng lịch sử, kéo nền kinh tế của đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng 100 năm", Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu từ Nhà Trắng sau khi báo cáo việc làm được công bố.

Ngoài dữ liệu việc làm, Bộ Thương mại Mỹ hôm thứ Sáu, nền kinh tế lớn nhất thế giới ghi nhận thâm hụt thương mại tăng lên hơn 70 tỷ USD trong tháng Năm giữa bối cảnh hàng hóa và nguyên liệu nhập khẩu tăng mạnh.

Thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 5 lên tới 71,2 tỷ USD, tăng 3,1% so với mức 69,1 tỷ USD vào tháng 4. Xuất khẩu tăng 0,6% lên 206 tỷ USD trong khi nhập khẩu tăng 1,3% lên 277,3 tỷ USD.

Chứng khoán Mỹ sẽ nghỉ lễ Quốc khánh ngày thứ Hai (5/7).

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Dow Jones tăng 152,82 điểm (+0,44%), lên 34.786,35 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 32,40 điểm (+0,75%), lên 4.352,34 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 116,95 điểm (+0,81%), lên 14.639,33 điểm.

Kết thúc tuần, Dow Jones tăng 1,02%, S&P 500 tăng 1,67%, Nasdaq Composite tăng 1,94%.

Chứng khoán châu Âu ảm đạm trong phiên giao dịch thứ Sáu khi nhóm cổ phiếu ngân hàng đồng loạt giảm, bên cạnh những lo ngại ngày càng tăng về biến thể Delta của Covid-19.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số FTSE 100 tại Anh giảm 1,89 điểm (-0,03%), xuống 1.123,27 điểm. Chỉ số DAX tại Đức tăng 46,28 điểm (+0,30%), lên 15.650,09. Chỉ số CAC 40 tại Pháp giảm 0,96 điểm (-0,01%), xuống 6.553,86 điểm.

Kết thúc tuần, FTSE 100 giảm 0,18%, DAX tăng 0,27%, CAC 40 tăng 0,82%.

Tại châu Á, chứng khoán Nhật Bản nhích nhẹ, nhờ nhóm cổ phiếu xuất khẩu lớn như Sony và Toyota Motor.

Chứng khoán Trung Quốc lao dốc khi các nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu trên diện rộng do lo ngại dâng cao trước tình trạng tăng trưởng kinh tế chậm lại.

Dữ liệu công bố hôm thứ Tư cho thấy chỉ số PMI sản xuất của Trung Quốc giảm nhẹ từ mức 51 điểm trong tháng 5 xuống còn 50,9 điểm trong tháng 6.

Chứng khoán Hồng Kông có phiên giảm mạnh nhất trong 7 tuần khi tâm lý thị trường bị đè nặng bởi lo ngại về việc thắt chặt chính sách của Bắc Kinh và tăng trưởng kinh tế ở Đại lục chậm lại.

Chứng khoán Hàn Quốc kết thúc gần như không đổi và có tuần giảm đầu tiên sau bảy tuần do lo ngại về đà lây lan nhanh của biến thể Delta của Covid-19.

Kết thúc phiên 2/7, chỉ số Nikkei 225 tại Nhật Bản tăng 76,24 điểm (+0,27%), lên 28.783,28 điểm. Chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải giảm 70,02 điểm (-1,95%), xuống 3.518,76 điểm. Chỉ số Hang Seng tại Hồng Kông giảm 517,53 điểm (-1,80%), xuống 28.310,42 điểm. Chỉ số KOSPI tại Seoul giảm 0,28 điểm (-0,00%), xuống 3.281,78 điểm.

Trong tuần, Nikkei 225 giảm 0,97%, Shanghai Composite giảm 2,46%, Hang Seng giảm 1,98%, KOSPI giảm 0,64%.

Giá vàng thế giới phiên ngày thứ Sáu duy trì mạch tăng nhờ đồng USD yếu đi và lực mua trú ẩn tài sàn gia tăng trước những lo ngại về diễn biến lây lan nhanh của biến chủng Delta có khả năng khiến tốc độ mở cửa nhiều nền kinh tế chậm lại.

Kết thúc phiên 2/7, giá vàng giao tăng 10,60 USD (+0,59%), lên 1.776,70 USD/ounce. Giá vàng tương lai giao tháng 8 tăng 10,9 USD (+0,61%), lên 1.787,70 USD/ounce.

Trong khảo sát về giá vàng tuần tới của Kitco với 13 chuyên gia trên phố Wall, có 9 người dự báo vàng sẽ tăng giá, không có ai nhận định giá vàng giảm và có 4 dự báo giá vàng sẽ đi ngang.

Đối với khảo sát trực tuyến với 256 người tham gia, hơn 49% tin rằng giá vàng sẽ tăng, 26% cho rằng giá vàng giảm và 25% có quan điểm giá vàng sẽ ít thay đổi.

Giá dầu biến động nhẹ vào thứ Sáu sau khi các bộ trưởng OPEC+ nối lại các cuộc đàm phán nâng sản lượng dầu, một ngày sau “sự cố” phản đối đến từ UAE.

Theo Reuters, phần lớn các nước trong OPEC+ đồng ý tăng sản lượng dần và gia hạn thỏa thuận cho tới cuối năm 2022. Tuy nhiên, UAE đã lên tiếng phản đối đẩy cuộc họp rơi vào thế bế tắc. UAE đưa ra điều kiện tăng hạn ngạch của nước này nếu OPEC+ muốn nước này gia hạn thoả thuận.

Theo giới phân tích, nếu quan điểm giữa các bên rạn nứt, thị trường dầu có thể rơi vào một đợt giảm giá tương tự như khi chứng kiến Nga rời OPEC+ tại cuộc họp hồi tháng 3/2020.

Kết thúc phiên 2/7, giá dầu thô kỳ hạn của Mỹ WTI giảm 0,07 USD (-0,01%), xuống 75,16 USD/thùng. Giá dầu thô Brent tăng 0,33 USD (+0,4%), lên 76,17 USD/thùng.

Trong tuần, dầu WTI tăng 1,5%, dầu Brent không đổi.

Quỳnh Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,215.68 -0.93 -0.08% 303,258 tỷ
HNX 228.83 -0.88 -0.39% 2,702 tỷ
UPCOM 88.63 -0.35 -0.39% 724 tỷ