Kinh tế Nhật Bản: Đưa lãi suất thoát khỏi vùng âm là chưa đủ

0:00 / 0:00
0:00
Cuộc họp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản trong tháng này (vào ngày 18 - 19/3) hoặc tháng tới (vào ngày 25 - 26/4) rất có thể là thời điểm đánh dấu sự thay đổi chính sách làm rung chuyển thị trường tài chính toàn cầu.
Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại Thủ đô Tokyo Nguồn: AFP Bên ngoài trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tại Thủ đô Tokyo Nguồn: AFP

Đồng yên mạnh lên theo kỳ vọng lãi suất thoát khỏi vùng âm

Các thị trường đang tính đến khả năng cao là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) sẽ đưa lãi suất thoát khỏi vùng âm và tăng lãi vay ngay trong tháng này. Cho nên, đây là thời điểm then chốt đối với các quỹ toàn cầu đang đổ tiền vào thị trường Nhật Bản để đặt cược vào sự phục hồi của nền kinh tế này. Đối với các nhà đầu tư Nhật Bản, cho đến nay, họ vẫn đang theo đuổi lợi nhuận tốt hơn ở nước ngoài sau nhiều thập kỷ thất vọng ở quê nhà.

Mitsubishi UFJ Financial Group - ngân hàng lớn nhất Nhật Bản - dự báo rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ tăng lãi suất sau 2 tuần nữa và họ đã đề ra chiến lược giao dịch khi lãi suất tăng. Dự báo của Mitsubishi UFJ Financial Group có vẻ chắc chắn hơn so với dự đoán thị trường giao dịch hoán đổi (SWAP), vốn đánh giá khả năng Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản Kazuo Ueda thay đổi chính sách trong tháng này chỉ khoảng 50%. Nếu Thống đốc Kazuo Ueda thay đổi hướng đi, sẽ tác động lớn đến cả thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản (trị giá khoảng 7.300 tỷ USD) và đồng yên.

“Tôi nghĩ, cần phải chấm dứt lãi suất âm vào tháng 3, chứ không phải tháng 4”, ông Hiroyuki Seki, Trưởng bộ phận Kinh doanh thị trường toàn cầu tại Mitsubishi UFJ Financial Group bày tỏ quan điểm với Bloomberg.

Nền kinh tế Nhật Bản rơi vào suy thoái kỹ thuật sau khi suy giảm trong 2 quý liên tiếp. Cụ thể, theo dữ liệu được Chính phủ Nhật Bản công bố giữa tháng 2/2024, GDP của nước này trong quý IV/2023 giảm 0,4% so với cùng kỳ năm 2022, sau mức giảm 3,3% trong quý III/2023.

Kinh tế suy thoái khiến thị trường đặt nhiều kỳ vọng rằng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sớm chấm dứt chính sách tiền tệ siêu nới lỏng đã áp dụng cả thập kỷ.

Lý do mà ông Seki đưa ra là Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ thực hiện một đợt tăng lãi suất bổ sung để đưa lãi suất chính sách lên 0,25% muộn nhất là vào tháng 10 tới, “để đảm bảo tính linh hoạt của chính sách trong tương lai” sau khi tăng lãi suất tại cuộc họp vào ngày 19/3/2024, đánh dấu lần tăng lãi suất đầu tiên kể từ năm 2007. Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản “cần đảm bảo đủ thời gian chuẩn bị trước đợt tăng lãi suất tiếp theo”.

Ông Seki cảnh báo, sẽ có “những thay đổi về cơ cấu” trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản khi Ngân hàng Trung ương nước này chấm dứt chính sách lãi suất âm và bắt đầu trả lãi suất 0,1% cho khoản dự trữ đó. Điều này có thể sẽ khiến nhu cầu đối với trái phiếu chính phủ Nhật Bản giảm, kéo giá của chúng giảm theo và đẩy lợi suất đi lên.

Nhà phân tích của Mitsubishi UFJ Financial Group đã lên kế hoạch bắt đầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ Nhật Bản một cách nghiêm túc với dự đoán lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm có thể đạt mức 1,0% trở lên và lợi suất kỳ hạn 5 năm là 0,6% trở lên. Đồng thời, ông Seki kỳ vọng, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản sẽ đưa ra các động thái khác nữa, thay vì chỉ tăng lãi suất.

Các nhà giao dịch tiền tệ đang chạy đua để điều chỉnh chiến lược sau khi định vị đầu cơ đối với đồng yên vừa tăng lên mức cao nhất trong hơn 6 năm qua.

“Có lẽ, Nhật Bản cuối cùng cũng thoát ra khỏi vòng xoáy giảm phát này và điều đó có thể có tác động sâu sắc đến tài sản tại Nhật Bản”, ông Paresh Upadhyaya, Giám đốc chiến lược tiền tệ và thu nhập cố định tại Quỹ Quản lý tài sản Amundi (Pháp) nhận định. “Nó có khả năng khơi dậy tinh thần để đưa nền kinh tế đi lên nhờ mức đầu tư cao hơn”, ông Upadhyaya nói thêm.

Trong khi đó, ông Nathan Thooft, Giám đốc đầu tư toàn cầu khối giải pháp đa tài sản và Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại Quỹ Quản lý đầu tư Manulife cho biết: “Hầu hết kênh tiếp cận của chúng tôi là thông qua việc đầu tư quá nhiều vào cổ phiếu Nhật Bản, vốn trước đây chúng tôi đã phòng ngừa rủi ro bằng tiền tệ, nhưng bây giờ, vị thế này không được phòng hộ”.

Bởi theo lý giải của ông Thooft, đồng yên có thể tăng giá lên tới mức 140 JPY “ăn” 1 USD khi các nhà đầu tư đổ xô rút cược vào đồng tiền trên. Nhà phân tích này cũng cho biết, ông không kỳ vọng đồng yên sẽ tăng giá “đáng kể” sau khi đồng tiền này đã đạt mức cao nhất trong một tháng khi đạt 147,53 JPY đổi 1 USD trong phiên giao dịch ngày 8/3/2024 trước khi chuyển sang mức 147,83 JPY đổi 1 USD vào lúc 14h51 (giờ Tokyo).

Đồng yên đã trở thành đồng tiền phổ biến cho các giao dịch chênh lệch giá khi các nhà đầu tư bán khống nó so với các đồng tiền có lợi suất cao hơn. Do đó, sự thay đổi chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản có thể sẽ làm giảm sức hấp dẫn của đồng tiền này.

Chắc chắn, chênh lệch lãi suất giữa lãi suất chính sách của Nhật Bản và của các ngân hàng trung ương khác sẽ vẫn còn lớn nếu Tokyo chấm dứt chính sách lãi suất âm trong tháng này. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể thực hiện nhiều đợt cắt giảm lãi suất trong năm nay, còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã ám chỉ rằng, họ có thể hạ lãi suất vào tháng 6/2024 sau khi ra quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao kỷ lục (4,0%) vào ngày 7/3 vừa qua.

“Phương thuốc” mà nền kinh tế Nhật Bản đang cần

Chính phủ Nhật Bản công bố chương trình kích thích tài chính mới trị giá hơn 17.000 tỷ yên (khoảng 113 tỷ USD) vào tháng 11/2023, với kỳ vọng khắc phục giảm phát và củng cố nền kinh tế đang gặp khó khăn trong bối cảnh lạm phát cao. Liệu đây có phải là phương thuốc mà nền kinh tế này đang cần? Vấn đề này được ông Gunther Schnabl, giáo sư chuyên ngành chính sách kinh tế và kinh tế quốc tế tại Đại học Leipzig (Đức) luận giải trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế.

Gói kích thích mới của Chính phủ Nhật Bản gồm khoản cắt giảm thuế tạm thời 40.000 yên (275 USD)/cá nhân và chi trả 70.000 yên (480 USD) cho các hộ gia đình có thu nhập thấp. Trợ cấp xăng dầu và hóa đơn tiện ích đã được đưa ra nhằm hạ nhiệt lạm phát giá tiêu dùng. Cộng với chi tiêu của chính quyền địa phương và các khoản vay được Nhà nước bảo lãnh, quy mô của gói kích thích này lên tới 21.800 tỷ yên (149 tỷ USD).

Tương tự nhiều chương trình kích thích tài chính trước đây, việc tài trợ sẽ chỉ mang tính ngắn hạn.

Sẽ có những thay đổi về cơ cấu trên thị trường trái phiếu chính phủ Nhật Bản khi ngân hàng Trung ương nước này chấm dứt chính sách lãi suất âm và bắt đầu trả lãi suất 0,1% cho khoản dự trữ đó.

- Ông Hiroyuki Seki, Trưởng bộ phận Kinh doanh thị trường toàn cầu tại Mitsubishi UFJ Financial Group

GS. Gunther Schnabl cho rằng, chính sách lãi suất thấp mà Nhật Bản áp dụng kéo dài cả thập kỷ qua tiếp tục làm “tê liệt” mức tăng năng suất của các tập đoàn Nhật Bản. Chính phủ nước này dự kiến, tốc độ tăng trưởng đạt 1,2% trong giai đoạn 2023 - 2026, nhưng dự báo này có vẻ quá lạc quan, vì các vấn đề kinh tế cơ bản của Nhật Bản, bao gồm tăng trưởng âm và tác động phân bổ của việc mở rộng tài chính và tiền tệ liên tục, vẫn chưa được giải quyết.

Hơn nữa, môi trường tiền tệ toàn cầu đến đã thay đổi. Dưới thời cố Thủ tướng Shinzo Abe, sự kết hợp giữa chính sách tài chính và tiền tệ mở rộng là bền vững vì các ngân hàng trung ương lớn khác như Fed cũng giữ lãi suất ở mức thấp. Nhưng hiện nay, với việc Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu liên tục tăng lãi suất cơ bản kể từ tháng 3/2022, thì chính sách lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thời gian qua có vẻ sai lầm, theo GS. Gunther Schnabl.

Bởi lẽ, Fed vẫn có thể tiếp tục giữ lãi suất cao, chí ít theo dự đoán là đến tháng 7 năm nay, trước khi bắt đầu chu kỳ giảm lãi suất, nên áp lực trượt giá có thể vẫn hiện hữu. Việc giá hàng hóa nhập khẩu liên tục tăng, bao gồm cả nguyên liệu thô, sẽ góp phần làm tăng giá năng lượng và lương thực.

Chính phủ Nhật Bản sẽ phải đối mặt với một tình thế khó xử và có thể buộc phải lựa chọn giữa kịch bản như Vương quốc Anh hoặc Thổ Nhĩ Kỳ đã đối diện.

Theo đó, nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản thắt chặt cung tiền để củng cố đồng yên và kiềm chế lạm phát trong khi Chính phủ duy trì mức thâm hụt cao, thị trường tài chính có thể mất niềm tin vào tính bền vững của tài chính chính phủ. Khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản có thể tăng, giống như lãi suất của Vương quốc Anh tăng khi cựu Thủ tướng Liz Truss tuyên bố cắt giảm thuế mà không có đủ nguồn tài chính và tình hình khi đó xuất hiện cùng lúc với việc Ngân hàng Trung ương Anh quyết định tăng lãi suất.

Ở kịch bản khác, nếu Ngân hàng Trung ương Nhật Bản mua thêm trái phiếu chính phủ, cả đà trượt giá của đồng yên và lạm phát sẽ cùng tăng nhanh, điều này khiến chúng ta liên tưởng tới Thổ Nhĩ Kỳ dưới thời Tổng thống Recep Tayyip Erdogan. Đồng yên trượt giá sẽ có lợi cho các tập đoàn lớn của Nhật Bản có hoạt động xuất khẩu, nhưng giá tiêu dùng tăng sẽ tổn hại đến phần lớn người tiêu dùng nước này, gây ra áp lực chính trị đối với Thủ tướng đương nhiệm.

Đông Phong
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục