Kinh tế năm 2025: Giữ đà, giữ nhịp, tăng tốc, bứt phá

Với quan điểm chỉ đạo, điều hành nền kinh tế năm 2025 là giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, “chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả”, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Quốc hội nghe báo cáo về kinh tế - xã hội của Chính phủ

Chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt

Quốc hội khóa XV vừa khai mạc Kỳ họp thứ tám. Báo cáo nội dung chủ yếu của tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch năm 2025, ngay phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, ước cả năm 2024 có 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch (chỉ tiêu GDP bình quân đầu người sẽ đạt nếu GDP tăng trưởng trên 7%). “Nổi bật là chỉ tiêu tăng năng suất lao động vượt kế hoạch đề ra, sau 3 năm không đạt”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.

Về kinh tế, Thủ tướng đánh giá, đầu tư phát triển đạt kết quả tích cực. Đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải. Đến ngày 30/9/2024, các bộ, cơ quan và địa phương đã phân bổ chi tiết 664.900 tỷ đồng, đạt 98,1% kế hoạch. Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét điều chỉnh 8.400 tỷ đồng từ các bộ, ngành, địa phương chưa phân bổ hoặc không giải ngân được sang các bộ, ngành, địa phương khác. Ước thanh toán đến ngày 30/9/2024 đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng giao.

Tập trung triển khai nhiều dự án, công trình quan trọng, trọng điểm với tinh thần “vượt nắng, thắng mưa, không thua gió bão”, “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương”, “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “3 ca, 4 kíp”, “xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, Tết”; hoàn thành Dự án 500 kV mạch 3 Quảng Bình - Hưng Yên sau hơn 6 tháng thi công thần tốc và tích cực triển khai nhiều dự án, công trình điện trọng điểm, hoàn thành một số đoạn đường bộ cao tốc, nâng tổng chiều dài lên 2.021 km.

“Phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Thu hút đầu tư nước ngoài là điểm sáng, vốn thực hiện đạt 17,3 tỷ USD, tăng 8,9%, cao nhất nhiều năm qua, trong khi đầu tư toàn cầu sụt giảm”, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, Thủ tướng nêu rõ quan điểm chỉ đạo, điều hành: “Phân tích kỹ lưỡng, đánh giá sát tình hình thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025, từ đó có các giải pháp đột phá trên tinh thần ‘chỉ tiêu nào chưa đạt thì phải đạt, chỉ tiêu đạt rồi, thì phải nâng cao chất lượng, hiệu quả’, phấn đấu cao nhất hoàn thành các mục tiêu đề ra”.

Quan điểm tiếp theo được Thủ tướng nêu là giữ đà, giữ nhịp và tăng tốc, bứt phá. Bám sát thực tiễn, kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh trên tinh thần “dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung”, “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện; đã làm, đã thực hiện là phải có hiệu quả”, “Đảng đã chỉ đạo, Chính phủ đã thống nhất, Quốc hội đồng tình, chỉ bàn làm, không bàn lùi”.

Chính phủ cũng xác định 11 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2025. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, là nhiệm vụ đầu tiên.

“Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức; kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; xây dựng các trung tâm tài chính, khu thương mại tự do và các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao (như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, Internet vạn vật…). Triển khai hiệu quả Chiến lược Phát triển công nghiệp bán dẫn”, Thủ tướng Chính phủ báo cáo Quốc hội.

Thông tin cụ thể hơn về một số lĩnh vực cũng được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề cập, như tăng khả năng hấp thụ và tiếp cận vốn tín dụng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng trên 15%, phấn đấu thu ngân sách nhà nước năm 2025 cao hơn ít nhất khoảng 5% so với năm 2024…

Vực dậy thị trường vốn

Theo đánh giá của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến Kế hoạch năm 2025), cả thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường bất động sản đều đang gặp khó khăn.

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn nhỏ so với nhu cầu vốn dài hạn của doanh nghiệp. Tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp tại thời điểm cuối tháng 8/2024 chỉ đạt khoảng 1,025 triệu tỷ đồng, tương đương 10% GDP. Con số này, cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là, còn thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (54% GDP), Singapore (25%), Thái Lan (27%).

Bên cạnh đó, theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, thị trường bất động sản vẫn còn khó khăn, nhất là về quy định, thủ tục phát triển các dự án nhà ở xã hội, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt khó khăn về thanh khoản, dòng tiền. Cơ cấu sản phẩm trên thị trường thiếu cân đối khiến giá nhà chung cư ở phân khúc sơ cấp và thứ cấp bị đẩy lên cao, dẫn đến người có nhu cầu thực về nhà ở khó có khả năng tiếp cận. Tình trạng “bỏ cọc” sau khi trúng đấu giá quyền sử dụng đất tái diễn, tác động tiêu cực đến mặt bằng giá và thị trường nhà ở.

Tình trạng lũng đoạn, thổi giá, tạo sóng, đầu cơ đất đai, đẩy giá đất lên cao khiến việc mua bán hầu như chỉ diễn ra trong giới đầu cơ, trong khi người dân, doanh nghiệp khó tiếp cận vì giá đất cao, vượt quá khả năng chi trả. “Bên cạnh đó, việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở dù có nhiều nỗ lực, cố gắng, song kết quả chưa như kỳ vọng”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh báo cáo Quốc hội.

Về dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, ủy ban thẩm tra bổ sung, nhấn mạnh một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó có tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tính toán kỹ tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; điều tiết tiền tệ, thanh khoản thị trường phù hợp để ổn định hệ thống tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu quả, đúng pháp luật, kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản.

Trao đổi bên hành lang Quốc hội, chuyên gia kinh tế Trần Hoàng Ngân (đại biểu đoàn TP.HCM) cho rằng, những số liệu về thu ngân sách năm nay cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế rộng khắp trên các lĩnh vực. “Đảm bảo được an ninh tài chính, tiền tệ, tức là tạo được nền móng quan trọng, phải có nền móng về tài chính để có dư địa mở rộng tài khóa, để tiếp tục tái đầu tư, vun đắp thêm nền móng, nhất là đầu tư thêm kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội để phát triển”, ông Ngân phân tích.

Vẫn nhìn vào động lực tăng trưởng, vị chuyên gia này cho rằng, những năm qua, tập trung vốn cho đầu tư công rất nhiều, qua đó tạo được nền tảng về hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Và khi các hạ tầng đồng bộ, sẽ giảm được chi phí logistics, như vậy, đây sẽ là động lực tăng trưởng bền vững trong thời gian tới. Đặc biệt, hạ tầng về y tế, giáo dục góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Bên cạnh hạ tầng, vị đại biểu TP.HCM còn nhấn mạnh tầm quan trọng của thể chế. Kỳ họp này có khối lượng công việc lớn về thể chế, không chỉ là nền tảng về thể chế kinh tế thị trường, mà còn có thể chế về văn hóa, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.

“Kinh tế phục hồi như trước dịch sẽ tạo thêm những nền tảng, nền móng để có thể bước vào kỷ nguyên mới như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói. Có thể nói, Việt Nam đang hội đủ điều kiện để đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đất nước phát triển trở thành nước thu nhập cao”, ông Trần Hoàng Ngân nói.

Theo nghị trình, Quốc hội dành phần lớn thời gian của ngày 26/10 để thảo luận tổ về kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 (kết hợp thảo luận cùng một số nội dung khác về ngân sách).

Dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 khoảng 471.500 tỷ đồng

Trong kế hoạch năm 2025, Chính phủ dự toán thu ngân sách nhà nước khoảng 1.966,8 nghìn tỷ đồng tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Chi ngân sách nhà nước dự kiến khoảng 2.527,8 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 408.400 tỷ đồng so với dự toán năm 2024, đảm bảo nhu cầu đầu tư các dự án hạ tầng quan trọng quốc gia, các công trình trọng điểm, chi tiền lương khu vực công và các chế độ, chính sách đã ban hành. Dự toán bội chi ngân sách nhà nước năm 2025 khoảng 471.500 tỷ đồng (khoảng 3,8% GDP), bảo đảm các chỉ tiêu về nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong phạm vi cho phép.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục