Kinh tế năm 2014: Chấp nhận chậm, nhưng phải chắc

(ĐTCK) Rhảo luận về tình hình phát triển kinh tế xã hội năm 2013 và kế hoạch năm 2014. Các đại biểu đều cho rằng, kinh tế còn khó khăn và phải nhận đúng thực trạng, đồng thời hành động khẩn trương, quyết liệt.

“Nếu cứ tiếp tục chính sách ngắn hạn thì không giải quyết được vấn đề”

Đại biểu Trần Du Lịch

Tôi cho là tổng thể năm 2013 và cả năm 2014, kinh tế chưa thoát được tình trạng trì trệ và khả năng vượt qua trì trệ rất khó khăn nếu không có nỗ lực chính sách. Tôi kiên trì đề nghị không nên tách riêng để đặt chỉ tiêu từng năm mà đặt chỉ tiêu cho cả 2 năm còn lại để có chính sách dài hạn. Nếu cứ tiếp tục chính sách ngắn hạn thì không giải quyết được vấn đề. Mục tiêu GDP trong 2 năm tới trên dưới 6%, chỉ số giá quanh 7% là hợp lý. Mức độ tăng trưởng không nên nóng vội, tránh lạm phát cao trở lại. Chính phủ đề nghị tăng trần nợ công, trước mắt có thể tăng nhưng cần tính toán lại để làm sao tháo được tín dụng, mục tiêu 12% năm nay rất khó.

Riêng với đổi mới, sắp xếp DNNN, tôi thấy chúng ta làm rất chậm, nguyên nhân do phương thức làm và do nhận thức. Để cổ phần hóa thực sự hiệu quả, chúng ta nên làm luôn từ các tổng công ty (TCT) mà xác định là không thuộc các ngành Nhà nước phải nắm giữ, cổ phần hóa lần lượt từng công ty con rồi lại giao TCT đại diện vốn như vừa qua, rất mất thời gian và không hiệu quả.

 

“Phải làm sao để các giải pháp trên văn bản được cụ thể hóa nhanh thành hành động”

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa

Tôi quan tâm là làm sao các giải pháp trên văn bản phải cụ thể hóa thành chương trình, biện pháp, nội dung cụ thể và được triển khai nhanh. Thường chúng ta xây văn bản thì rất tốt, nhưng triển khai thực tế thì dường như chưa nhanh, chưa tốt và còn có tình trạng chần chừ.

Về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tôi đồng tình với báo cáo của Chính phủ, nhưng có một vấn đề mà nếu tháo gỡ được thì hỗ trợ cho DN rất tốt. Đó là hiệu quả, hiệu lực kiểm soát thị trường của chúng ta để tạo ra sân chơi bình đẳng cho sản phẩm của DN được lưu thông. Ví dụ như thủy sản, do kiểm soát không tốt dẫn đến tình trạng thương nhân nước ngoài vào tổ chức thu mua tôm, DN chế biến thủy sản trong nước không có đủ nguyên liệu gây rối loạn thị trường. Nhà máy chạy không hết công suất, DN tranh mua nguyên liệu. Trong khi chúng ta không kiểm soát được tình trạng nhập khẩu hàng nông sản, chưa tạo ra được hàng rào kỹ thuật.

Về tái cơ cấu, đối với DNNN, chúng ta có chủ trương thoái vốn ở lĩnh vực Nhà nước không cần đầu tư, nhưng khi thực hiện thì có nhiều thực trạng khó khăn cần tháo gỡ. Nếu cứ đặt ra yêu cầu phải bảo toàn nguyên giá thì rất khó.

 

“Không cần nới thêm tín dụng vì việc đó có thể tạo nên tác động ngược chiều”

Đại biểu Phạm Huy Hùng

Có ý kiến cho rằng, tăng trưởng tín dụng hiện giờ quá bó hẹp, các chỉ tiêu an toàn vốn làm DN khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nhưng tôi thấy trong giai đoạn trước, tăng trưởng tín dụng nóng là một trong những nguyên nhân gây ra nợ xấu và lạm phát cao. Vì thế, trong hai năm 2011 - 2012, chúng ta đã dần kiểm soát quy mô tăng trưởng tín dụng, cải thiện chất lượng tín dụng gắn với an toàn hệ thống, giảm dần từ mức tăng trưởng tín dụng từ 33%/năm xuống còn 6,82% trong 9 tháng đầu năm 2013. Do đó, trong năm tới, chúng ta có nới tín dụng thì cũng phải đảm bảo an toàn hệ thống, vừa hỗ trợ tăng trưởng kinh tế nhưng cũng phải đảm bảo cơ cấu tín dụng từng bước hợp lý hơn, tập trung vào những lĩnh vực được ưu tiên, khuyến khích. Tôi cho là nhìn tổng thể thì không cần nới thêm tín dụng, vì việc đó có thể tạo nên tác động ngược chiều.

 

“Tôi cho là đánh giá của Chính phủ hơi ‘hồng’”

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền

Tôi cho là đánh giá của Chính phủ hơi “hồng”. Cần lạc quan nhưng cũng phải thấy hết những khó khăn. Chỉ khi nào nhận thấy rõ bệnh tật mới có phương pháp để điều trị. Các con số làm tôi băn khoăn, Chính phủ ước GDP năm nay tăng 5,4%, nhưng thu ngân sách hụt mất 63,6 nghìn tỷ đồng. Tôi thấy dường như có sự mâu thuẫn, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ thấp hơn Nghị quyết của Quốc hội có 0,1% nhưng số hụt thu lại lên tới 63 nghìn tỷ đồng. Các con số này cần phải rà soát lại.

Trong tình hình khó khăn như vậy, sản xuất đình đốn, nhiều người mất việc làm, thất nghiệp tăng, một trong những yếu tố cần làm là phải siết chặt kỷ luật kỷ cương, chấp hành pháp luật. Khi pháp luật được thực thi, kỷ cương giữ nghiêm thì sẽ tạo sự đồng thuận. Ví dụ, trong khi Chính phủ chỉ đạo tuyệt đối không khởi công công trình mới khi chưa bố trí ngân sách nhưng nhiều địa phương, nhiều ngành vẫn cứ làm.

Ngân sách hụt thu, khó khăn cho đầu tư công, nhưng kỷ cương thu còn yếu, không có truy thu được, trốn thuế nhiều là một thực tế cần được nhìn rõ hơn trong báo cáo mới có thể có các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

>> Ủy ban Tài chính ngân sách ủng hộ tăng bội chi lên 5,3% GDP

>> 223 văn bản của các bộ ban hành có dấu hiệu sai luật

>> Tham nhũng nghiêm trọng cả trong cơ quan tư pháp

>> Vẫn cho phép thu hồi đất phục vụ mục đích phát triển kinh tế - xã hội

>>Nhiều dự luật quan trọng sắp được thông qua

>> Chưa nên đặt mục tiêu phục hồi tăng trưởng nhanh

Hoàng Duy thực hiện
Hoàng Duy thực hiện

Tin cùng chuyên mục