Kinh tế Mỹ phát tín hiệu giá cả đã tăng chậm lại

0:00 / 0:00
0:00
Bộ Thương mại Mỹ cho biết, chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi trong tháng 4 tăng 4,9% so với một năm trước, dù vẫn cao nhưng nó cho thấy áp lực giá cả đã giảm bớt phần nào.
Một trạm xăng tự phục vụ ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Ảnh: AFP Một trạm xăng tự phục vụ ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ. Ảnh: AFP

Chỉ số PCE là thước lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và kết quả PCE lõi tăng 4,9% trong tháng 4 phản ánh tốc độ tăng đã chậm lại so với mức tăng 5,2% trong tháng 3.

Biến động chỉ số PCE tháng 4 khớp với dự báo của Dow Jones và kỳ vọng của các chuyên gia kinh tế và thị trường. Nhân tố giúp kéo giảm PCE tháng 4 được xác định là nhờ giá năng lượng trong tháng 4 đã phần nào "hạ nhiệt".

Nếu tính cả giá thực phẩm và năng lượng, chỉ số PCE toàn phần trong tháng 4 đã tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước và tốc độ tăng này cũng thấp hơn mức tăng 6,6% của tháng 3.

Ông Robert Frick, chuyên gia kinh tế tại Liên minh Tín dụng Liên bang Hải quân (NFCU), nhận định: "Trong tháng trước, người tiêu dùng Mỹ vẫn không nản lòng trước lạm phát, họ vẫn tăng mạnh chi tiêu và dịch chuyển chi tiêu nhiều hơn cho dịch vụ tại quán bar và nhà hàng, du lịch và giải trí khi thời tiết ấm lên".

Ông Robert Frick lý giải, chi tiêu của người Mỹ tăng lên là một phần được kích thích bởi mức lương cao hơn và nhiều người rút bớt tiết kiệm về tiêu dùng. Cần lưu ý rằng tiết kiệm cá nhân tại Mỹ là một kho dự trữ khổng lồ với giá trị ít nhất 2.000 tỷ USD.

Lạm phát của Mỹ trong vài tháng qua đã tăng với tốc độ chưa từng thấy kể từ đầu những năm 1980. Đặc biệt vào tháng 2/2022, lạm phát đã leo cao kỷ lục trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine leo thang khiến nguồn cung dầu mỏ bị gián đoạn và áp lực giá cả tăng lên. Cụ thể, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 2 đã tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, mức cao nhất trong 40 năm qua, theo Bộ Lao động Mỹ.

Số liệu lạm phát tháng 4 "hạ nhiệt" so với tháng 3 mới chỉ là tín hiệu tích cực ban đầu đối với chính quyền Tổng thống Joe Biden, bởi áp lực lạm phát có nguy cơ quay lại khi giá xăng bán lẻ tại các trạm bơm đã tăng trở lại trong tháng 5, với mức tăng hơn 11% so với tháng 4 và 51% so với một năm trước, theo Hiệp hội ô tô Mỹ.

Trong tuyên bố mới đây, Tổng thống Biden nhận định rằng báo cáo số liệu tháng 4 (số liệu lạm phát - BTV) là "một dấu hiệu của sự cải thiện, dù chúng tôi còn nhiều việc phải làm".

Từ đầu năm đến nay, để chống đỡ lạm phát, Fed đã thực hiện hai đợt tăng lãi suất với tổng cộng 75 điểm cơ bản. Cơ quan này đã đánh tiếng rằng sẽ có một loạt các đợt tăng lãi suất cho đến khi lạm phát lùi về gần mục tiêu 2%.

Chỉ số PCE tháng 4 được Bộ Thương mại Mỹ công bố hôm 27/5 thấp hơn chỉ số giá tiêu dùng (CPI) mà Bộ Lao động Mỹ thường dùng. Cụ thể, chỉ số CPI tháng 4 tại Mỹ đã tăng 8,3% so với cùng kỳ năm trước.

Sự khác biệt chính giữa hai chỉ số trên nằm ở chỗ CPI theo dõi dữ liệu từ người tiêu dùng trong khi PCE được trích xuất từ dữ liệu doanh nghiệp. Về phía Fed, họ xem PCE là một thước đo biến động giá cả trên phạm vi rộng hơn và ở nhiều cấp độ khác nhau.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục