Kinh tế kỳ vọng phục hồi từ quý III

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Suy giảm trên tất cả các lĩnh vực là bức tranh kinh tế 6 tháng trong bối cảnh kinh tế trong nước và toàn cầu ngấm tác động nặng nề từ đại dịch Covid-19, nhưng có triển vọng phục hồi từ quý III.
Kinh tế kỳ vọng phục hồi từ quý III

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2020 của Việt Nam chỉ đạt 1,81%, thấp nhất trong 10 năm trở lại đây.

Sản xuất công nghiệp trong quý II chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19, nên lĩnh vực trụ cột kinh tế này chỉ đạt mức tăng 0,74% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 6 tháng đầu năm, giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp chỉ đạt 2,71%, trong đó công nghiệp chế biến chế tạo tăng 4,96%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng trong giai đoạn 2011 - 2020.

Ngành du lịch vốn được coi là động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong nhiều năm gần đây gần như hoàn toàn tê liệt. Lĩnh vực nông nghiệp trọng yếu của nền kinh tế gặp khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn, trong đó ngành chăn nuôi chịu tác động nặng từ dịch tả lợn châu Phi khiến tái đàn còn chậm.

Sản xuất thủy sản tiếp tục gặp khó khăn do xuất khẩu giảm mạnh và giá cá, tôm nguyên liệu giảm.

Tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 19/6 đạt mức thấp nhất so với cùng thời điểm của các năm trong giai đoạn 2016-2020, thể hiện sức khỏe của các doanh nghiệp suy giảm.

Đáng chú ý, thị trường tài chính, chứng khoán giảm mạnh với tổng mức huy động vốn 6 tháng đầu năm cho nền kinh tế ước chỉ đạt 94,6 nghìn tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, do tình hình dịch bệnh trong nước sớm được kiểm soát, các lĩnh vực đã và đang sớm trở về trạng thái hoạt động bình thường trở lại, nên sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp trọng yếu đã có sự khởi sắc và dần lấy lại đà tăng trưởng cao từ tháng 5.

Thị trường tài chính cũng đang có dấu hiệu tích cực từ sự bình phục dần về trạng thái hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường mới của các doanh nghiệp cũng như sự phục hồi dần của kinh tế vĩ mô trong nước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy xu hướng phục hồi trong hoạt động của khu vực doanh nghiệp lĩnh vực này.

Theo đó, có 27,3% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất - kinh doanh quý II tốt hơn quý I; 49,1% số doanh nghiệp đánh giá xu hướng sẽ tốt lên. Về xu hướng quý III so với quý II, có 45,1% số doanh nghiệp dự kiến có đơn hàng tăng lên; 34,2% số doanh nghiệp dự kiến tăng đơn hàng xuất khẩu mới và 43,9% số doanh nghiệp dự kiến ổn định.

Đây có thể coi là một trong những dấu hiệu tích cực về khả năng hồi phục dần trở lại của nền kinh tế từ quý III.

Đáng chú ý, những dự báo phục hồi tăng trưởng sản xuất - kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp cũng như tác động lan tỏa từ việc đẩy mạnh thực thi các giải pháp của Chính phủ được kỳ vọng sẽ mang lại những tiến triển tích cực trong nửa cuối năm cho nền kinh tế.

Bà Nguyễn Thị Hương, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê đánh giá, đây chính là động lực lớn nhất cho sự phục hồi tăng trưởng kinh tế trong 2 quý cuối năm và tạo đà bật tăng trở lại cho năm tới. Vấn đề đặt ra hiện nay là sớm vực dậy sức sống của các khu vực doanh nghiệp.

Một thực tế bất cập hiện nay là có tới 98% doanh nghiệp Việt Nam quy mô nhỏ và là khu vực chịu tác động lớn nhất từ đại dịch Covid-19. Mặc dù Chính phủ có nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp này, nhưng thực tế khó khăn của các doanh nghiệp cho thấy chính sách hỗ trợ chưa thực sự hiệu quả.

“Trong điều tra nhanh đối với 126.000 doanh nghiệp của Tổng cục Thống kê vừa qua, đa số doanh nghiệp cho biết vẫn rất khó tiếp cận với gói hỗ trợ vay vốn ngân hàng lãi suất ưu đãi do thiếu tài sản thế chấp, không chứng minh được kế hoạch sản xuất - kinh doanh hiệu quả. Đại dịch Covid-19 đã khiến doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như phá sản, không còn tài sản thế chấp và khó chứng minh kinh doanh có lãi. Các doanh nghiệp đề xuất cơ quan chức năng có giải pháp cứu trợ. Các cấp, các ngành cần chung tay hỗ trợ thêm cho khu vực doanh nghiệp này”, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng Công nghiệp, Tổng cục Thống kê nói.

Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ các vướng mắc để đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục là giải pháp quan trọng để kích cầu nền kinh tế, tăng trưởng giá trị các ngành lĩnh vực sản xuất, góp phần thúc đẩy GDP 2 quý cuối năm.

Theo tính toán của Tổng cục Thống kê, nếu đầu tư công tăng 1% thì GDP sẽ tăng 0,06%. Nếu giải ngân 100% đầu tư công năm 2020, GDP 6 tháng cuối năm sẽ có thêm 0,42% tăng trưởng.

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục