Trước thềm Diễn đàn Kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) thường niên tổ chức vào cuối tuần này, TS. Nguyễn Văn Đoàn, Cục trưởng Cục Phát triển hợp tác xã (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) chia sẻ: “Đây là dịp để HTX và cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức, phát triển kinh tế hợp tác trong xu hướng hội nhập và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”.
Thưa ông, vì sao Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm nay lại chọn chủ đề “Liên kết, hợp tác cùng phát triển - xu hướng hội nhập quốc tế và thời đại cách mạng công nghiệp 4.0”?
Thương mại thế giới có những thay đổi mạnh mẽ, cuộc chiến thương mại giữa các nền kinh tế lớn rất khó đoán định; xu hướng hội nhập, mở cửa đan xen với bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là đại dịch Covid-19 đã, đang và còn tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, trong đó Việt Nam không phải là ngoại lệ. Song, hiện chúng ta đang sống trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, nên cơ hội cũng rất nhiều, nhưng cơ hội chỉ đến khi các thành phần kinh tế năng động, biết chớp thời cơ hành động.
Để thách thức trở thành cơ hội thì cần phải có sự liên kết, hợp tác, cùng nhau phát triển. Chính vì vậy, Diễn đàn Kinh tế hợp tác, HTX năm nay tập trung vào chủ đề trên.
Đây là diễn đàn đối thoại thường niên giữa Chính phủ và cộng đồng HTX, với mục đích tăng cường quan hệ Chính phủ - HTX; giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và đẩy mạnh cơ hội giao thương, hợp tác, kết nối thị trường cho kinh tế tập thể. Diễn đàn năm nay dự kiến có khoảng 500 đại biểu tham dự, là dịp để các HTX và cơ quan quản lý nhà nước, đoàn thể, hiệp hội nhận diện rõ hơn cơ hội, thách thức, những vấn đề mới trong phát triển kinh tế hợp tác; là diễn đàn để bày tỏ những khó khăn, vướng mắc của cộng đồng HTX tới các cơ quan Chính phủ.
Đây cũng là dịp tăng cường giao thương giữa các HTX với nhau, giữa HTX với doanh nghiệp, đẩy mạnh hợp tác, kết nối thị trường, công nghệ… góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế tập thể.
Nhưng có một thực tế là khi nói tới “hội nhập”, “cách mạng công nghiệp 4.0” người ta thường nghĩ tới khu vực doanh nghiệp, chứ ít ai nghĩ HTX có thể tham gia hội nhập, áp dụng công nghệ tiên tiến trong “Kỷ nguyên 4.0”, thưa ông?
Hiện nay, toàn thế giới có khoảng 3 triệu HTX và các tổ chức tương hỗ, thu hút khoảng 1,2 tỷ thành viên, tạo 250 triệu việc làm và có doanh thu 2.200 tỷ USD. Trên thực tế, tại các nước phát triển, có sự cạnh tranh cao như Pháp, Đức, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Canada, Hà Lan, Australia… khu vực HTX rất phát triển.
Thực tế cho thấy, thông qua sự liên kết, hợp tác giữa các thành viên, HTX phát triển ngày càng vững mạnh, đối đầu được với những khó khăn, thách thức từ bên ngoài. Đồng thời, xu hướng thịnh hành hiện nay trên thế giới là liên kết, hợp nhất tạo thành các HTX có quy mô lớn, đủ sức cạnh tranh và ứng phó với những biến động của thị trường.
Khi HTX đủ lớn mạnh sẽ tạo được sự bình đẳng với doanh nghiệp trong đàm phán, gia nhập, mở rộng thị trường và hợp tác kinh doanh. Vì vậy, hội nhập kinh tế quốc tế; toàn cầu hóa thương mại, đầu tư; ứng dụng công nghệ tiên tiến trong Kỷ nguyên 4.0 không phải là “đặc quyền” của bất cứ thành phần kinh tế nào, không phải là chuyện riêng của khu vực doanh nghiệp, và càng không phải là việc riêng của doanh nghiệp lớn, tập đoàn xuyên quốc gia, mà khu vực kinh tế tập thể cũng tham gia hội nhập, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến rất mạnh mẽ.
Đó là xu hướng ở những nước phát triển, còn Việt Nam, khu vực kinh tế hợp tác vẫn bị xem là yếu thế?
Câu hỏi đặt ra là yếu thế xét trên khía cạnh nào? Ở nước ta, hiện có trên 26.100 HTX, khoảng 100 liên hiệp HTX và gần 119.300 tổ hợp tác, thu hút 7,7 triệu thành viên, tạo việc làm cho 2,2 triệu lao động. Như vậy, kinh tế hợp tác không phải là “yếu thế”.
Đúng là đóng góp trực tiếp của kinh tế tập thể vào GDP không cao, chỉ khoảng 4%, thấp hơn rất nhiều so với khu vực doanh nghiệp (gần 60%), nhưng tác động chính của khu vực này là đóng góp gián tiếp thông qua tác động tới kinh tế thành viên không hề nhỏ và ngày càng gia tăng.
Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong thời gian qua đã xuất hiện nhiều HTX có quy mô lớn, phạm vi hoạt động trên nhiều tỉnh, thành phố, doanh thu mỗi năm lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng như HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Anh Đào, Evergrowth, HTX Bò sữa Tân Thông Hội... đặc biệt là Saigon Co.op có doanh thu khá lớn, thu hút nhiều lao động, đóng góp vào ngân sách nhà nước không hề kém bất kỳ doanh nghiệp lớn nào.
Theo ông, kinh tế hợp tác mong chờ gì ở Diễn đàn này?
Với bối cảnh hội nhập, toàn cầu hóa và phát triển đa dạng của nền kinh tế, khu vực kinh tế tập thể có nhiều cơ hội được học hỏi, cọ xát và nâng cao năng lực, tiếp nhận công nghệ mới; thu hút đầu tư nước ngoài; mở rộng xuất khẩu. Kinh tế số là “đòn bẩy” quan trọng giúp khu vực kinh tế tập thể phát triển trên nền tảng ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất nhằm tối ưu hóa phân bổ nguồn lực, cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả.
Tuy nhiên, cạnh tranh sẽ diễn ra rất gay gắt, đặc biệt là sự xâm lấn của hàng hóa nhập khẩu khi hàng rào thuế quan dần được xóa bỏ theo các thỏa thuận thương mại quốc tế mà Việt Nam tham gia. Hội nhập kinh tế gia tăng sự phụ thuộc vào thị trường bên ngoài, khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương trước khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới hay dịch bệnh như Covid-19 xảy ra.
Vì vậy, tại Diễn đàn lần này, khu vực kinh tế tập thể một lần nữa mong muốn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục khẳng định vai trò và tầm quan trọng của kinh tế hợp tác trong phát triển kinh tế - xã hội; thống nhất tư tưởng và nhận thức về kinh tế hợp tác; cần có sự vào cuộc của tất cả cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp. Khu vực kinh tế hợp tác cũng rất cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước thông qua việc kiện toàn bộ máy, tăng cường công tác quản lý; mong muốn có cơ chế, chính sách phù hợp tạo đà cho kinh tế hợp tác phát triển.
Đó là lâu dài, còn trước mắt khu vực kinh tế hợp tác mong muốn gì, thưa ông?
Mong muốn được bố trí nguồn vốn để đầu tư, phát triển HTX theo quy định tại Quyết định 1804/2020/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021 - 2025; xây dựng Chiến lược Phát triển kinh tế hợp tác, HTX giai đoạn 2021 - 2030 để có định hướng chính sách tổng thể, lâu dài.
Các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu, đề xuất và thực hiện các chính sách phát triển kinh tế tập thể trong lĩnh vực phụ trách, đồng thời tham gia thực hiện một số nội dung hỗ trợ phù hợp lĩnh vực quản lý nhà nước chuyên ngành. Chính quyền địa phương cần xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù phát triển HTX mà địa phương có tiềm năng, lợi thế; chủ động cân đối nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương để xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển HTX trên địa bàn.