Năm 2020, nền kinh tế Đức suy giảm 4,6% do những đợt phong tỏa chặt và các lệnh hạn chế xã hội để phòng chống Covid-19.
Georg Thiel, người đứng đầu Cơ quan Thống kê Liên bang Đức cho hay: "Bất chấp tình hình đại dịch tiếp tục diễn ra, nhiều nút thắt trong giao hàng và tình trạng thiếu nguyên liệu, nền kinh tế Đức đã tìm cách phục hồi sau đợt suy thoái mạnh năm ngoái, mặc dù hoạt động kinh tế vẫn chưa đạt mức trước khi xuất hiện khủng hoảng".
Cơ quan Thống kê Đức cho biết, năm 2021 tăng trưởng kinh tế của nước này vẫn thấp hơn 2% so với năm 2019, điều này cho thấy nền kinh tế đầu tàu của EU vẫn chưa trở lại mức trước đại dịch.
Trong nửa cuối năm 2021, các dấu hiệu cho thấy nền kinh tế Đức bị ảnh hưởng bởi các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng. Vào tháng 10/2021, các viện nghiên cứu hàng đầu của nước này đã cùng hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 2,4%. Chính phủ Đức cũng hạ kỳ vọng tăng trưởng năm 2021.
Về triển vọng năm 2022, hoạt động kinh tế Đức được dự báo sẽ vẫn chịu tác động bởi những bất ổn, trong đó có bất ổn do đại dịch.
Tuần này, Viện Robert Koch, một cơ quan y tế công cộng của Đức, phát đi cảnh báo rằng số ca mắc Covid-19 mới tại nước này đang tiếp tục tăng nhanh. Các số liệu mới nhất cho thấy có khoảng 80.000 người mắc mới mỗi ngày.
Carsten Brzeski, Giám đốc vĩ mô toàn cầu tại Tập đoàn tài chính ING (Hà Lan) nhận định: "Các con số [GDP] hàng năm cho thấy nền kinh tế Đức bị suy giảm trong quý IV/2021, làm gia tăng nguy cơ rằng nền kinh tế này sẽ rơi vào suy thoái hoàn toàn vào đầu năm".
Dù đồng tình rằng tăng trưởng GDP của Đức đã chậm lại trong quý IV/2021, các chuyên gia tại Công ty tư vấn kinh tế vĩ mô Pantheon Macroeconomics vẫn lạc quan kỳ vọng kinh tế Đức sẽ vẫn tăng trưởng nhẹ vào đầu năm 2022, sau đó sẽ phục hồi vào quý II.
Tuy nhiên, Đức đối mặt với vấn đề thâm hụt tài khóa cao. Mức vay ròng của Đức gia tăng trong năm 2021 và thâm hụt tài khóa đã tăng lên 153,9 tỷ euro (tương đương 176,46 tỷ USD) vào cuối năm, cao hơn con số 145,2 tỷ euro ghi nhận trong năm 2019.