Kinh tế đối mặt với Covid-19 lần hai

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) “Sức khỏe” của nền kinh tế đang đối mặt với dịch bệnh Covid-19 lần hai có diễn biến phức tạp, khó lường. 
Kinh tế đối mặt với Covid-19 lần hai

Khó khăn mới

Làn sóng Covid-19 thứ hai tại Việt Nam diễn ra vào cuối tháng 7/2020, nên bức tranh kinh tế 7 tháng đầu năm nay mới phản ánh những khó khăn của làn sóng Covid-19 thứ nhất.

Vì thế, bên cạnh những khó khăn, nền kinh tế 7 tháng qua vẫn có được những tín hiệu tích cực trong bối cảnh Covid-19 tàn phá kinh tế toàn cầu.

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020 tổ chức ngày 3/8, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, 7 tháng đầu năm, nền kinh tế xuất siêu 6,5 tỷ USD.

Khối lượng giải ngân vốn đầu tư công tăng kỷ lục trong tháng 7, qua đó giúp 7 tháng đạt gần 194.200 tỷ đồng, bằng 41,26% kế hoạch năm (cùng kỳ năm ngoái đạt 32,27%) và tốc độ giải ngân tháng sau cao hơn tháng trước.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới 7 tháng tăng 14,4%, giải ngân trên 10,1 tỷ USD. Số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 7 tăng 79,9% so với cùng kỳ năm 2019...

Tuy nhiên, do thời gian tích lũy các yếu tố tích cực trên không dài, nên theo đánh giá của cả Chính phủ lẫn góc nhìn của các doanh nghiệp, làn sóng dịch thứ hai xuất hiện vào cuối tháng 7/2020 thêm một lần nữa đặt nền kinh tế vào những khó khăn mới.

“Do tác động của dịch Covid-19 trở lại từ cuối tháng 7, khó khăn trong thời gian tới còn rất lớn, do giá dầu thô biến động mạnh, giá thịt lợn còn cao, giải ngân vốn đầu tư công chưa đáp ứng yêu cầu đề ra, nhất là giải ngân vốn ODA rất thấp. Sản xuất - kinh doanh nhiều ngành, lĩnh vực rất khó khăn; khu vực dịch vụ chịu tác động lớn, nhất là hàng không, du lịch; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động và số lao động mất việc làm tăng...”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho hay.

Ở góc nhìn của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Việt, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Genesis cho rằng, mặc dù tình hình dịch bệnh ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát và có mức độ chịu tác động nhẹ hơn so với các nước trên thế giới, nhưng với làn sóng dịch thứ hai đang diễn ra sẽ khiến nền kinh tế hao tổn thêm các nguồn lực cho phòng chống dịch. Điều này sẽ ảnh hưởng đến không gian phục hồi đà tăng trưởng bước đầu tích cực khởi phát từ hậu làn sóng dịch thứ nhất.

Kỳ vọng tăng trưởng dương

Để giúp nền kinh tế thêm “kháng thể” trước làn sóng dịch thứ hai, chiến lược chống dịch hiệu quả đi liền với khơi thông các nguồn lực mới cho tăng trưởng đang được Chính phủ tập trung chỉ đạo theo hướng nhuần nhuyễn và có độ linh hoạt cao so với giai đoạn đối phó làn sóng dịch bệnh thứ nhất.

Cụ thể, cùng với quyết liệt phòng chống dịch là tạo mọi thuận lợi trong lưu thông hàng hóa, không để đứt gãy nền kinh tế - xã hội; tiếp tục kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô; thực hiện quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, tháo gỡ kịp thời các vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công, phấn đấu thực hiện giải ngân 100% vốn đầu tư công năm 2020 và các năm trước chuyển sang; tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh…

Ông Nguyễn Quốc Việt nhận định, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 5 tháng cuối năm phụ thuộc lớn vào 2 yếu tố là kiểm soát dịch bệnh và đảm bảo an sinh xã hội. Do đó, các nguồn lực cũng như giải pháp chỉ đạo cần tập trung vào hai điểm mấu chốt này.

“Khi hai yếu tố này vận động theo chiều hướng tích cực sẽ giúp Việt Nam tạo ra lợi thế so sánh với nhiều nền kinh tế, trong đó có các nước trong khu vực trong đón làn sóng đầu tư từ khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, mà hiện hữu là từ Nhật Bản.

Điều này cùng với việc tháo gỡ các khó khăn cho thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tận dụng nhanh hơn các lợi ích từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) vừa có hiệu lực, sẽ mang lại động lực mới cho tăng trưởng kinh tế”, ông Việt nói.

Ý kiến từ doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng, không dễ dự báo về tốc độ tăng trưởng GDP năm nay, bởi ẩn số dịch bệnh còn khó lường. Tuy nhiên, với kinh nghiệm kiểm soát dịch bệnh và chính sách điều hành của Chính phủ có độ linh hoạt cao, phù hợp với “thời chiến” chống dịch, ngay cả trong kịch bản xấu, Việt Nam có khả năng duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế dương trong năm 2020 đầy sóng gió này.

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục