Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu
Trong 9 tháng đầu năm 2021, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa qua Lạng Sơn đạt hơn 3.060 triệu USD, bằng 99,4% kế hoạch, tăng 51,5% so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, xuất nhập khẩu đạt 980 triệu USD, bằng 73,1% kế hoạch, tăng 10,1% so với cùng kỳ (hơn một nửa là nông sản từ các địa phương khác).
Xác định “vì cả nước trong hoạt động xuất nhập khẩu”, tỉnh đã và đang tạo mọi điều kiện thuận lợi để hoạt động thông quan hàng hóa diễn ra an toàn, nhanh chóng, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế.
Trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid 19, hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ - du lịch, xuất nhập khẩu của Lạng Sơn đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với quyết tâm, nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, tỉnh đã kịp thời triển khai nhiều giải pháp đồng bộ tháo gỡ khó khăn, đề ra nhiều giải pháp phục hồi phát triển kinh tế đến năm 2023.
Lạng Sơn đặt mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu trở thành lĩnh vực mũi nhọn, là khâu đột phá tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2025...
Theo đó, các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; hỗ trợ phục hồi sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, thúc đẩy xuất nhập khẩu; đẩy mạnh chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025; thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch an toàn hạn chế tối đa lây lan trong cộng đồng, tạo niềm tin trong nhân dân.
Thực hiện hiệu quả Nghị quyết 128/2021/NQ-CP của Chính phủ, Lạng Sơn đã và đang tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động thông quan hàng hóa qua cửa khẩu diễn ra an toàn, nhanh chóng, đảm bảo thực hiện mục tiêu kép. Mỗi ngày, có hàng ngàn phương tiện chở hàng hóa xuất nhập khẩu lưu thông qua địa bàn tỉnh với số lượng lái xe, phụ xe trung bình từ 3.000 - 4.000 người. Áp dụng phần mềm quản lý công dân vùng dịch, các dữ liệu thông tin của lái xe, phụ xe khai báo điện tử sẽ được kiểm tra, đối chiếu trên cơ sở dữ liệu quốc gia về cư dân, đảm bảo tính chính xác.
Phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch, lực lượng chức năng tỉnh thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn cộng đồng doanh nghiệp và đội ngũ lái xe chở hàng hóa xuất nhập khẩu tuân thủ nghiêm các quy trình, quy định, đảm bảo quá trình thông quan diễn ra khép kín, an toàn mà không để xảy ra ùn tắc…
Kinh tế cửa khẩu là tiền đề thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Lạng Sơn
Lạng Sơn đặt mục tiêu phát triển kinh tế cửa khẩu trở thành lĩnh vực mũi nhọn, bền vững, là khâu đột phá tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại; nâng cao chất lượng quy hoạch, quản lý quy hoạch; hoàn thiện đồng bộ hạ tầng các khu vực cửa khẩu; tạo môi trường thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi; hoàn thiện chính sách thu hút đầu tư; chủ động tăng cường công tác đối ngoại.
Theo ông Hồ Tiến Thiệu, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao dự báo tình hình, nắm bắt các chính sách, biện pháp áp dụng với hoạt động xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc, tăng cường các hoạt động giao lưu, hợp tác với Trung Quốc, nhất là trao đổi, hội đàm, kịp thời đề ra các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tạo đà đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như sản xuất hàng hóa trong nước, nâng cao năng lực thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn tỉnh, hạn chế ùn tắc hàng hóa qua các cửa khẩu, đồng thời đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid -19.
Lạng Sơn đẩy mạnh phát huy tối đa lợi thế các cửa khẩu để thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu, tạo môi trường thuận lợi trong hoạt động thương mại, thu hút đầu tư, đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư và thông quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Đồng thời, đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng và phát triển sản xuất, kinh doanh tại khu vực cửa khẩu.
Mục tiêu của Lạng Sơn là đưa kinh tế cửa khẩu trở thành vùng kinh tế động lực của tỉnh, phấn đấu sớm trở thành một trong những trung tâm, đầu mối hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại, dịch vụ và kinh tế cửa khẩu trọng điểm của vùng Đông Bắc, là cửa ngõ quan trọng thông thương hàng hóa của các nước ASEAN với thị trường Trung Quốc và các nước khác. Trong đó, xây dựng Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị trở thành “cửa khẩu kiểu mẫu”.