Kinh tế 6 tháng cuối năm tích cực song còn thách thức

(ĐTCK) Bên lề cuộc họp báo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam của Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức ngày 20/7 tại Hà Nội, các chuyên gia kinh tế của tổ chức này đã đưa ra những khuyến nghị cụ thể đối với Chính phủ về các vấn đề kinh tế trong 6 tháng cuối năm nay.
Kinh tế 6 tháng cuối năm tích cực song còn thách thức

Ông Sebastian Eckardt, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam

Nền kinh tế đã có sự khôi phục tích cực hơn so với năm ngoái và cả những năm trước đó. Nếu nhu cầu tiêu dùng của thị trường trong nước tiếp tục đà đi lên, yếu tố này sẽ thúc đẩy tăng trưởng năm nay lên 6% hoặc có thể là 6,2%, mức cao nhất trong 3 - 4 năm trở lại đây.

Cán cân thương mại đã diễn biến xấu đi, do ảnh hưởng của việc xuất khẩu giảm sút trong 6 tháng đầu năm. Đây là hậu quả của việc giá cả của nhiều mặt hàng như dầu hay lúa gạo giảm. Trong khi đó, nhập khẩu tiếp tục gia tăng do nhu cầu về đầu tư tăng lên trong nửa đầu năm. Chúng tôi tin rằng, xu hướng này sẽ tiếp tục duy trì đến cuối năm, và sự rủi ro chủ yếu là do các yếu tố bên ngoài.

Nền kinh tế thế giới đang phục hồi nhưng vẫn còn nhiều rủi ro, đặc biệt, tăng trưởng thương mại ở nhiều quốc gia, đã chậm lại và sẽ ảnh hưởng tới tiềm năng xuất khẩu. Ngoài ra, chúng tôi cũng thấy rủi ro trong hệ thống tài khoá, mức thâm hụt ngân sách tài khoá năm ngoái đã lên tới 5,3% GDP. Chính phủ đã nhận ra điều này và đang nỗ lực giải quyết vấn đề nợ công.

Ông Gabriel Demombynes, Chuyên gia kinh tế cao cấp WB tại Việt Nam

Hiện tại, Việt Nam đang có cơ chế bảo vệ việc làm thuộc hạng khắt khe trong khu vực. Người lao động không được quá tự do lựa chọn những nhà cung cấp việc làm, do những hạn chế về hợp đồng lao động tạm thời.

Điểm này khiến thị trường lao động Việt Nam không quá sôi động, tuy nhiên, điều này đã bắt đầu thay đổi trong năm 2012. Thêm vào đó, tỷ lệ lương tối thiểu trên lương trung bình của Việt Nam không ở mức cao, trong tương lai tỷ lệ này có thể sẽ tăng lên.

Trong thời kỳ hội nhập, đặc biệt là khi cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, người lao động Việt Nam sẽ có cơ hội tìm kiếm việc làm tại một thị trường rộng lớn hơn. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức, khi người lao động tại các nước khác sẽ tìm đến Việt Nam.  Bởi vậy, Chính phủ cần có các giải pháp nâng cao khả năng cạnh tranh của lực lượng lao động. Các tổ chức công đoàn cần làm việc hiệu quả hơn, giải quyết mâu thuẫn, tạo sự đồng thuận và đoàn kết trong cộng đồng người lao động.

Bên cạnh đó, khi hội nhập, lợi thế về nhân công giá rẻ sẽ bị lu mờ. Khi đó, Việt Nam sẽ phải tập trung vào nâng cao kỹ năng làm việc cho người lao động. Chính phủ cũng cần đưa ra các giải pháp tăng cường hệ thống quản lý lao động công nghiệp, cân bằng giữa việc đảm bảo sự linh hoạt trong thị trường lao động với việc duy trì tăng trưởng về năng suất, quản lý rủi ro xã hội.

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam

Báo cáo FSAT đánh giá ngành tài chính công bố cuối năm ngoái, đầu năm nay của Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ quan này đã nhận thấy dư địa để bơm thêm vốn vào một số ngân hàng.

Đây là một chương trình quan trọng và thách thức là làm sao tìm được nguồn vốn cho việc tái vốn hóa. Thực tế cho thấy, đúng là cần tăng vốn tại một số ngân hàng trong thời gian tới và Chính phủ cần cân nhắc hướng đi như thế nào là tốt nhất để thực hiện được mục tiêu này.

Đối với quản lý tỷ giá hối đoái, tôi cho rằng, Việt Nam đã có một thị trường ổn định, nhưng cần có một hệ thống linh hoạt hơn để có thể xem xét những gì đang diễn ra và để điều chỉnh tỷ giá phản ánh được những thay đổi đó. Kiều hối dự báo sẽ tiếp tục tăng mạnh trong nửa cuối năm, tạo ra một vùng đệm để quân bình cán cân thanh toán.

Đối với câu chuyện nới room tín dụng cho một số NHTM, ở chừng mực nào đó, tác động đối với tăng trưởng tín dụng phụ thuộc vào việc chúng ta tái phân bổ nguồn vốn giữa các ngân hàng. Đối với các ngân hàng đạt được mức trần rồi và các ngân hàng chưa sử dụng mức trần nên có cách tiếp cận linh hoạt hơn, bởi tăng trưởng tín dụng phản ảnh mức độ rủi ro hoạt động kinh doanh khác nhau của các ngân hàng.

Một bài học rút ra từ Hy Lạp là chúng ta cần có dữ liệu kinh tế tốt và có sự minh bạch. Chắc chắn, đây là vấn đề về chất lượng của số liệu được cung cấp trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Bài học cho Việt Nam là số liệu tốt là nền tảng cơ bản cho việc hoạch định chính sách, ra quyết định, cũng như sự cải thiện về hiệu quả kinh tế nói chung.

Nhuệ Mẫn thực hiện

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục