Kinh doanh xăng dầu: Thị trường nửa vời

3 năm thực hiện thị trường hóa mặt hàng xăng dầu với hành lang pháp lý là Nghị định 84, đến nay có thể thấy mặt hàng này vẫn thị trường theo kiểu nửa vời. Trong khi đó, các quy định liên quan đã bộc lộ không ít hạn chế.

Theo dự kiến, tháng 12 tới Bộ Công Thương sẽ phải trình Chính phủ các phương án sửa đổi bất cập hiện nay.

 

Không thể cạnh tranh bằng giá

Trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo một DN đầu mối kinh doanh xăng dầu nhìn nhận, cơ chế hiện nay không cho DN cạnh tranh để bán với giá rẻ. Bởi có một thực tế nếu mua được giá thấp phải bán giá thấp, nhưng khi phải mua giá cao chưa chắc đã được bán giá cao do cơ quan quản lý nhà nước vẫn can thiệp vào các đề xuất của DN.

Theo Nghị định 84, các thương nhân kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu được áp dụng các công cụ, nghiệp vụ phái sinh phù hợp với thông lệ quốc tế để giao dịch, mua bán xăng dầu. Nếu áp dụng công cụ này trong bối cảnh xăng dầu có nhiều biến động sẽ giảm thiểu đáng kể tác động tăng giá.

Bởi thay vì hợp đồng mua ở mức giá hiện tại, chỉ cần các DN nhập khẩu xăng dầu mua hợp đồng kỳ hạn xăng dầu tại một thời điểm xác định trong tương lai với một mức giá xác định, sự biến động về giá xăng dầu quốc tế sẽ không ảnh hưởng tới kế hoạch giá của DN.

 

Dù hiện có 13 DN đầu mối xăng dầu, nhưng Petrolimex vẫn chiếm thị phần áp đảo.

 

Tuy nhiên, đến nay Bộ Tài chính vẫn chưa có hướng dẫn nên chưa DN nào dám làm. Bên cạnh đó là những tồn tại xung quanh vấn đề chi phí và lợi nhuận. Theo quy định tại Nghị định 84, các chi phí DN được chi trong khoảng 600 đồng và 300 đồng định mức lãi.

Ở các thị trường nước ngoài xăng dầu có cạnh tranh DN hoàn toàn được quyết định giá bán, nhưng ở Việt Nam DN bị khống chế. Điều này đã khiến 300 đồng lãi định mức phải bù vào cho chi phí do bị khống chế thấp. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý trong nhiều thời điểm còn bỏ qua cả lợi nhuận định mức để quyết định điều hành giá để giảm mức độ tăng.

Mấu chốt của những bất cập đang tồn tại trên thị trường xăng dầu hiện nay do nước ta chưa thực sự có một thị trường xăng dầu cạnh tranh khi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đang chiếm phần lớn thị phần.

Theo Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, chúng ta cho phép tất cả DN trong nước không phân biệt thành phần kinh tế, nếu có đủ điều kiện về tài chính, kho bãi, kinh nghiệm sản xuất kinh doanh, có hệ thống phân phối đều có thể được xem xét và trở thành các đầu mối về xuất nhập khẩu và kinh doanh xăng dầu.

Trên thực tế, từ sau khi có Nghị định 84, thị trường xăng dầu đã đón nhận thêm 4 DN đều là DN ngoài quốc doanh tham gia, khiến thị phần của Petrolimex còn khoảng 48%, giảm rất nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia dù các đầu mối kinh doanh xăng dầu hiện nay nhiều nhưng thực tế chưa có thị trường cạnh tranh và là nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên thị trường hiện nay.

Điều này còn có nguyên nhân một số quy định trong Nghị định 84 liên quan đến yếu tố cấu thành giá cơ sở đã lạc hậu so với thực tế; công tác quản lý chất lượng, đo lường, chống đầu cơ thiếu chặt chẽ; cơ chế phối hợp trong quản lý, điều hành giá chưa hiệu quả.

 

Phương hướng sửa đổi

Theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, hướng sửa đổi Nghị định 84 sắp tới, đầu tiên vẫn quán triệt theo nguyên tắc kiên trì cơ chế giá thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tiếp đến là xem xét sửa đổi một số nội dung không còn phù hợp như Quỹ bình ổn giá, thù lao đại lý...

Cùng với đó là xem xét tần suất 30 ngày để tính giá cơ sở và quyết định xem xét phê duyệt phương án giá của DN có phù hợp hay không. Trong tháng 12, Bộ Công Thương sẽ có báo cáo với Chính phủ đánh giá tác dụng mặt được và chưa được của Nghị định 84 và trên cơ sở đó kiến nghị với Chính phủ xem xét bổ sung, sửa đổi.

Liên quan đến vấn đề trích lập Quỹ bình ổn giá, theo Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nêu phương án chuyển về tập trung quản lý ở đơn vị khác hoặc vẫn để tại DN nhưng tính lãi suất. Về việc tạo môi trường cạnh tranh, theo Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, để tiếp tục tạo điều kiện cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế có thể tham gia thuận lợi hơn trong thị trường xăng dầu, đó là vấn đề tái cơ cấu, tái thiết lại khu vực DN nhà nước. Từ năm 2011, Petrolimex đã thực hiện cổ phần hóa công ty mẹ.

Hiện nay đã có cổ phần bên ngoài, còn Nhà nước vẫn giữ cổ phần chi phối và tiếp tục thực hiện đề án sắp xếp, tái cơ cấu đối với Petrolimex.

Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nguyên tắc chung trong kinh doanh xăng dầu mà các nước luôn đặt ra là tạo đủ sự cạnh tranh trong thị trường. Việt Nam đang đi ngược khi cho DN kinh doanh xăng dầu tự quyết định giá thị trường trong khi lại chưa tạo ra thị trường cạnh tranh thực sự.

Vấn đề không phải số lượng bao nhiêu mà quan trọng là các DN trong thị trường có được giám sát, ngăn chặn để không thể liên kết ngầm với nhau. Họ cũng phải thực hiện cam kết mạnh về quản trị theo những tiêu chí hiện đại cần thiết, đặc biệt là sự minh bạch và trách nhiệm giải trình; chấp nhận sự giám sát chặt chẽ của Nhà nước.


Sài Gòn Đầu tư

Tin cùng chuyên mục