Đầu quý III/2008, Công ty cổ phần Vàng Phố Wall (WSG) đã chính thức khai trương hoạt động SGDV tại Hà Nội. Với tư cách là thành viên đầu tiên của SGDV Phố Wall, Công ty Vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu sẽ cung cấp các sản phẩm vàng vật chất cho WSG. CTCK Thăng Long là đại lý nhận lệnh giao dịch đầu tiên của WSG.
DongA Bank cũng dự kiến đưa SGDV vào vận hành trong tháng 7/2008, nếu được NHNN chấp thuận. SGDV của DongA Bank được kết hợp bởi PNJ và Công ty cổ phần Đầu tư - Kinh doanh vàng Quốc tế. VietA Bank cũng đang chờ NHNN "bật đèn xanh". Hiện VietA Bank đã đưa hệ thống vào vận hành thử.
Sacommbank cho hay, sẽ mở cửa SGDV cùng lúc với Công ty kinh doanh vàng trực thuộc Ngân hàng dự kiến trong quý III/2008. Eximbank cùng SJC đang ráo riết chuẩn bị hình thành SGDV. Nhiều khả năng trong tháng này, thị trường có thêm ít nhất 3 SGDV nếu được NHNN chấp thuận.
Thị trường có thêm nhiều SGDV sẽ là cơ hội cho cả nhà đầu tư, ngân hàng, doanh nghiệp kinh doanh vàng, CTCK. Trên thực tế, trong thời gian qua, nhu cầu đầu tư vàng qua sàn giao dịch tăng mạnh, có ngày lên đến mức kỷ lục 400.000 lượng qua hệ thống SGDV Sài Gòn. Tính đến nay, cả thị trường đã có 3 SGDV bao gồm: SGDV Sài Gòn; SJC kết hợp với CTCK Hà Thành; WSG. Đồng thời, nhu cầu đầu tư vàng qua sàn của người dân còn nhiều tiềm năng để các SGDV "sinh sau đẻ muộn" khai thác.
Một yếu tố hấp dẫn khiến nhiều nhà đầu tư chọn kinh doanh vàng qua sàn (thay vì mua bán trên thị trường tự do như lâu nay) là chỉ cần ký quỹ 7% đã có thể tham gia. Ngân hàng (đơn vị tổ chức hay kết hợp) sẽ hỗ trợ cho khách hàng vay số tiền/vàng còn thiếu trong mỗi lần giao dịch, với mức tối đa đến 93% giá trị giao dịch của nhà đầu tư. Mô hình này được áp dụng đối với sản phẩm "Đầu tư vàng tại ACB". ACB hỗ trợ vốn vay khoảng 13 lần vốn tự có của nhà đầu tư để tham gia đầu tư vàng. ACB áp dụng mức lãi suất qua đêm và sau 1 ngày khi khách hàng vay, Ngân hàng mới tính lãi. Trường hợp vay - tất toán trong ngày thì không phải trả lãi vay. Hình thức đầu tư này đã làm tăng tính hấp dẫn cho SGDV, trong khi TTCK Việt Nam vẫn chưa thể triển khai.
SDGV đang ngày càng nở rộ, trong khi chưa có khung pháp lý cho hoạt động này, NHNN vừa cùng một số ngành liên quan lập đoàn khảo sát tại SGDV Sài Gòn trong tháng 6/2008. Với sự hỗ trợ của Hội đồng Vàng thế giới, giữa tháng 6 vừa qua, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam (VGTA), NHNN, đại diện một số ngân hàng thương mại cổ phần, doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng thực hiện chuyến khảo sát tại SGDV Thượng Hải (SGE). Theo ông Nguyễn Thành Long, Chủ tịch VGTA, mô hình của SGE có thể mang lại những kinh nghiệm tốt cho việc xây dựng sàn vàng tại Việt Nam.
NHNN cho biết, đang trong quá trình dự thảo, lấy ý kiến để sớm đưa ra quy chế quản lý SGDV. Vì chưa có hành lang pháp lý cho SGDV nên nhà đầu tư cần chú ý đến những thỏa thuận trong hợp đồng trước khi tham gia giao dịch để đảm bảo quyền lợi cũng như hiểu được rủi ro trong kinh doanh. Thực tế, không chỉ với đầu tư vàng mà khi bỏ vốn vào bất kỳ một kênh đầu tư nào, lợi nhuận luôn đi kèm với rủi ro.
Ông Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB cho hay, sản phẩm đầu tư vàng vừa là công cụ bảo hiểm vừa là công cụ kinh doanh dựa trên dự báo và khẩu vị rủi ro của khách hàng. Do đó, ngoài rủi ro về biến động giá vàng, nhà đầu tư còn chịu rủi ro về công nghệ thông tin, nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào. Do vậy, khách hàng có thể lãi hoặc lỗ và đôi khi còn mất toàn bộ số tiền đầu tư ban đầu. Theo ông Hải, nhà đầu tư cần cân nhắc, đọc kỹ các văn bản, đánh giá năng lực tài chính cá nhân, khả năng chấp nhận rủi ro… khi tham gia giao dịch vàng qua sàn ACB cũng như các sàn vàng khác.