Chưa ghi nhận dòng tiền mới trong nửa đầu năm 2024
Tính tới 30/6/2024, TDC có lỗ luỹ kế 317,8 tỷ đồng, bằng 31,78% vốn điều lệ; nợ ngắn hạn vượt tài sản ngắn hạn 1.252,7 tỷ đồng, tương ứng sử dụng 1.252,7 tỷ đồng nợ ngắn hạn dưới 1 năm để tài trợ cho tài sản có kỳ hạn lớn hơn 1 năm. Đáng lưu ý, Công ty có 20,3 tỷ đồng tiền mặt (không có các khoản tương đương tiền) trong khi tổng nợ vay là 1.550,2 tỷ đồng, bằng 185% vốn chủ sở hữu, cao hơn nhiều mức trung bình ngành (45%).
Trước đó, trong báo cáo kiểm toán năm 2023, đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính của TDC lưu ý, doanh nghiệp có khoản lỗ 402,8 tỷ đồng trong năm 2023 và tính đến 31/12/2023 ghi nhận nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn 1.331,17 tỷ đồng, cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục.
Có thể thấy, trải qua 6 tháng đầu năm 2024, tình hình tài chính của TDC được cải thiện không đáng kể.
Thực tế, trong nửa đầu năm 2024, Ban lãnh đạo TDC nỗ lực tái cơ cấu khi sắp xếp lại nhân sự cấp cao, thay đổi Chủ tịch Hội đồng quản trị từ ông Đoàn Văn Thuận sang ông Quảng Văn Viết Cương và thay đổi Tổng giám đốc từ ông Hồ Hoàn Thành sang ông Đoàn Văn Thuận, kể từ ngày 19/6.
Ông Đoàn Văn Thuận sinh năm 1967, giai đoạn 2002 - 2003 giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị, sau đó giữ chức danh Tổng giám đốc và đến tháng 4/2022 được bầu trở lại vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị.
Khi tham gia các kỳ đại hội cổ đông hàng năm, người trả lời các câu hỏi của cổ đông và chia sẻ về định hướng kinh doanh của TDC chủ yếu là ông Thuận.
Như vậy, sau hơn 2 năm rời ghế Tổng giám đốc để giữ chức Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Thuận đã quay về ghế cũ quen thuộc, đồng thời cơ cấu cổ đông không thay đổi trong nửa đầu năm 2024, nên động thái tái cấu trúc thượng tầng tại TDC chủ yếu nhằm tuân thủ quy định mới là lãnh đạo doanh nghiệp không được đồng thời đảm nhận 2 vị trí là chủ tịch hội đồng quản trị và tổng giám đốc.
Thêm nữa, việc tái cấu trúc sau giai đoạn khó khăn nhưng chưa có dòng tiền mới, cổ đông mới và nguồn vốn được bổ sung, nên hoạt động tái cơ cấu gần đây của TDC chủ yếu dựa trên yếu tố nội tại.
Bài toán huy động vốn lớn để đầu tư lĩnh vực mới
Trong khi khó khăn về dòng tiền chưa được giải quyết, gần đây, Ban lãnh đạo TDC quyết định sẽ đầu tư vào lĩnh vực nhà ở xã hội với công ty mẹ là Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp - CTCP (Becamex IDC, mã BCM) để phát triển dự án Nhà ở an sinh xã hội - Khu 6 Viet Sing tại Bình Dương.
Dự án này bao gồm 5 khối chung cư nhà ở an sinh xã hội cao 22 tầng, 1 công trình nhà xe cao 7 tầng và một số công trình khác, tổng số 1.867 căn hộ. Trong đó, Becamex là đơn vị có quyền sử dụng đất hợp pháp, không góp kinh phí để thực hiện dự án; TDC sẽ phải tự chủ tài chính để thực hiện việc thi công…, giá trị góp vốn để xây dựng là 1.106,8 tỷ đồng.
TDC được thành lập năm 2002, là công ty con của Becamex IDC (tỷ lệ sở hữu 60,7%), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp và thương mại tại Bình Dương và một số địa phương khác.
Nhờ công ty mẹ nên TDC đến nay có quỹ đất tương đối lớn, với giá vốn thấp. Công ty Chứng khoán Mirae Asset ước tính, TDC đang sở hữu 19,6 ha tại Tân Uyên (Bình Dương), 16,8 ha tại Thủ Dầu Một (Bình Dương), 6,8 ha tại Bàu Bàng (Bình Phước), 10,2 ha tại Thuỷ Nguyên (Hải Phòng)…, quỹ đất được phát triển từ giai đoạn 2010 - 2015, khi giá đất ở các khu vực này chưa cao.
Tính tới 30/6/2024, tài sản dở dang dài hạn của TDC là 2.123,2 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản, chủ yếu ở dự án Hoà Lợi - Khu dân cư E12-E16 (807 tỷ đồng), dự án TDC Plaza (521,1 tỷ đồng), dự án Unitown - giai đoạn 2 (369,8 tỷ đồng ), dự án Hoà Lợi - Khu dân cư E15-E19 (348,8 tỷ đồng), dự án Hoà Lợi - Khu dân cư D10-D11 (62 tỷ đồng). Tài sản dở dang dài hạn tại các dự án trên hầu như không thay đổi so với cuối năm 2023.
Tuy sở hữu quỹ đất giá rẻ nhưng TDC triển khai kinh doanh chậm trong nhiều năm. Đồng thời, các năm trước đó kinh doanh thuận lợi, Công ty dùng phần lớn lãi hàng năm chia cổ tức cho cổ đông. Vì vậy, lượng tiền mặt tích luỹ hạn chế và khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, thanh khoản thấp, TDC bộc lộ vấn đề về dòng tiền trong bối cảnh triển khai nhiều dự án.
Để đảm bảo có dòng tiền triển khai các dự án cũ và tham gia dự án an sinh xã hội cùng công ty mẹ, TDC buộc phải tìm dòng vốn mới hoặc “bán sỉ” quỹ đất như đã từng bán 5,6 ha tại TP. Thủ Dầu Một cho Gamuda Land (dự án Uni Galaxy được chuyển nhượng năm 2022).
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2024, ông Thuận để ngỏ việc hợp tác với đối tác phát triển dự án khi chia sẻ: “Trong năm 2024, Công ty sẽ cơ cấu lại các khoản nợ ngân hàng, tất toán mua lại một phần trái phiếu trước hạn dự kiến 300 tỷ đồng. Trong lĩnh vực bất động sản, sẽ tích cực làm việc với các đối tác trong nước và ngoài nước để hợp tác đầu tư phát triển dự án”.