Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) nêu lộ trình khắc phục cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sau khi cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo do lỗ luỹ kế, CTCP Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (mã TDC - sàn HOSE) đã đưa ra lộ trình khắc phục lỗ luỹ kế.
Kinh doanh và Phát triển Bình Dương (TDC) nêu lộ trình khắc phục cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo

Ngày 03/04/2024, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HOSE) đã có quyết định về việc đưa cổ phiếu TDC vào diện cảnh báo từ ngày 10/04/2024 do Công ty đã lỗ lũy kế hơn 367 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2023.

Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, đã xây dựng kế hoạch bù lỗ trong 2 năm 2024 và 2025, trong đó kế hoạch bù lỗ năm 2024 được thực hiện trên cơ sở triển khai mở bán những dự án dở dang như tiếp tục chào bán quyền sử dụng đất tại Chơn Thành, tỉnh Bình Phước với doanh thu khoảng 100 tỷ đồng; mở bán một phần dự án Uni Town giai đoạn 1 và một phần giai đoạn 2 với doanh thu dự kiến khoảng 345 tỷ đồng; mở bán TDC Plaza với doanh thu dự kiến khoảng 630 tỷ đồng; dự kiến lãi sau thuế 117 tỷ đồng từ dự án Phố Sông Cấm Hải Phòng trong năm 2024.

Được biết, dự án Phố Sông Cấm Hải Phòng là dự án hợp tác đầu tư giữa Kinh doanh và Phát triển Bình Dương và Công ty TNHH VSIP Hải Phòng đã triển khai trong năm 2023.

Thêm nữa, Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex, mã BCM – sàn HOSE) và các công ty khác trong cùng Tập đoàn sẽ hỗ trợ tài chính cho Kinh doanh và Phát triển Bình Dương thông qua các phương án như bảo lãnh các khoản nợ vay, không yêu cầu Công ty hoàn trả tiền nợ mua hàng hóa, dịch vụ cho đến khi Công ty có khả năng trả nợ.

Một diễn biến đáng lưu ý, trong Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 được kiểm toán bởi Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C, đơn vị kiểm toán đã nêu vấn đề nhấn mạnh tại Báo cáo kiểm toán của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương.

Đơn vị kiểm toán lưu ý người đọc tới khoản lỗ 402,8 tỷ đồng trong năm 2023, đồng thời cũng tại thời điểm cuối năm 2023, nợ ngắn hạn của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương đã vượt quá tài sản ngắn hạn là 1.331,17 tỷ đồng.

“Những điều kiện về lỗ trong năm 2023 và nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương”, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C nêu ra ý kiến nhấn mạnh trong Báo cáo kiểm toán năm 2023.

Lý giải về lo ngại của kiểm toán, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương cho biết, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – CTCP (Becamex, Công ty mẹ của Kinh doanh và Phát triển Bình Dương sở hữu 60,7% vốn điều lệ) và các công ty khác trong cùng Becamex cam kết sẽ hỗ trợ tài chính cho Kinh doanh và Phát triển Bình Dương bằng cách bảo lãnh các khoản nợ vay, không yêu cầu Công ty hoàn trả tiền nợ mua hàng hoá, dịch vụ cho đến khi Công ty có khả năng trả nợ, vì vậy Báo cáo tài chính lập với giả định hoạt động kinh doanh liên tục.

Với việc lỗ kỷ lục trong năm 2023, tính tới 31/12/2023, Kinh doanh và Phát triển Bình Dương ghi nhận lỗ luỹ kế 367,17 tỷ đồng (đầu kỳ lãi lũy kế 38,9 tỷ đồng), bằng 36,7% vốn điều lệ.

Ngoài ra, tại thời điểm 31/12/2023, tổng nợ ngắn hạn là 2.130,1 tỷ đồng, tài sản ngắn hạn là 798,9 tỷ đồng. Như vậy, nợ ngắn hạn lớn hơn tài sản ngắn hạn 1.331,2 tỷ đồng, hay hiểu đúng hơn Công ty đang dùng 1.331,2 tỷ đồng nguồn vốn ngắn hạn (dưới 1 năm) để tài trợ cho tài sản tài sản (kỳ hạn lớn hơn 1 năm).

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 11/4, cổ phiếu TDC giảm 160 đồng, về 8.920 đồng/cổ phiếu.

Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục